Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 26/05/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 138
Hòa Thượng dạy chúng ta mỗi danh hiệu Phật đều có hàm ý nhắc chúng ta về cương lĩnh tu học. Ngài khẳng định trong giai đoạn hiện nay, danh hiệu của Phật là tông chỉ của giáo học Phật pháp. Tuy nhiên, không nhiều người đồng tình với lời nói này của Hòa Thượng bởi những tông phái khác cho rằng còn niệm thì vẫn còn vọng.
Chúng ta làm theo một cách triệt để hàm ý trong mỗi danh hiệu Phật thì lợi ích sẽ rất thù thắng. Hòa Thượng nói trong danh hiệu “Thích Ca Mâu Ni Phật” thì “Thích Ca” là năng nhân hay từ bi và “Mâu Ni” là tịnh mặc hay thanh tịnh. Danh hiệu của Ngài có hàm ý rằng với người thì chúng ta phải từ bi còn trong nội tâm chúng ta thì phải thanh tịnh.
Hàm nghĩa của danh hiệu Phật rất là rộng lớn cho nên chúng ta niệm Phật, không phải là niệm suông, không phải niệm để cầu bảo hộ bình an mà là để nhớ đến công hạnh của các Ngài. Giống như bài học hôm trước, hàm nghĩa trong danh hiệu của Ngài Văn Thù là Đại chí và Ngài Phổ Hiền là Đại hạnh. Chúng ta nghe danh hiệu là để thể hội ý nghĩa sâu sắc trong đó và thực tiễn trong hành trì đối nhân xử thế tiếp vật của mình.
Ngày nay, nhiều người từ bi xuất phương tiện nhưng không dựa trên lý tánh, trí tuệ nên dẫn đến họa hại, lố bịch “Từ bi đa họa hại phương tiện xuất hạ lưu”. Nói rõ ràng hơn là cần phải dựa trên tâm chân thành, thanh tịnh thì chắc chắn mọi sự mọi việc không xảy ra sai sót.
Chúng ta thấy Phật, Bồ Tát, bậc tu hành chân chính hay Hòa Thượng Tịnh Không khi ở trên đời làm được rất nhiều việc mà không có chướng ngại là vì các Ngài đều dựa trên lý tánh, trí tuệ, mọi việc được quán chiếu thông suốt. Trên sự tướng làm được rất tốt nhưng trong tâm các Ngài đúng như câu: “Nhạn quá trường không”- con nhạn bay qua không lưu lại dấu vết.
Trong tâm các Ngài không một chút ô nhiễm nên nói mà như không nói, không nói mà nói; Làm mà như không làm, không làm mà làm. Các Ngài làm đến tốt nhất, làm ra biểu pháp cho chúng sanh. Chính vì các Ngài không rơi vào phân biệt chấp trước, cho nên công đức của tự độ và độ tha thảy đều viên mãn. Còn chúng ta làm mọi sự mọi việc với tâm “vọng tưởng phân biệt chấp trước” nên có chướng ngại.
Hòa Thượng nhắc đến tam độc “Tham Sân Si” lúc thì “Tham” nặng nhất, lúc lại “Si” nặng nhất, ba thứ này đều như nhau, quan trọng là chúng ta phải đề cao cảnh giác trong mọi hoàn cảnh, lúc có cơ hội để “Tham” thì phải cảnh giác đối với nó, lúc “Si” khởi mà không nhận ra thì tác hại của “Si” không hề nhỏ.
Một người không có “chánh tri chánh kiến” thì dẫn đến biết bao nhiêu là sai lầm. Nhà Phật có câu: “Phá giới còn cứu được nhưng phá kiến thì không thể cứu được”. Chính vì sự chấp trước cho rằng mình là đúng nên đàn kiến vẫn thọ thân là kiến mặc dù đã có 7 đời chư Phật đi qua. Vì sao? Vì chúng chấp trước thân kiến là thân của chúng nên chúng không thể thoát ra.
Một đời chư Phật đi qua các thời kỳ Chánh pháp, Tượng pháp rồi Mạt pháp kéo dài thời gian rất lâu, vậy mà có đến 7 đời chư Phật đã đi qua mà họ vẫn chấp trước kiên cố khiến thọ vô lượng vô biên thân mà vẫn là tái sanh trong thân con kiến. Đó chính là “tà tri tà kiến”.
Rất nhiều việc mà chúng sanh thế gian vẫn làm được mặc dù trái khoáy, như thể có một ma lực sai khiến. Chẳng qua họ đang trong cơn cuồng si mà làm. Chẳng hạn như cửu huyền thất tổ, Ông Bà, Cha Mẹ, có ân đức sâu nặng đến thế vậy mà một người xa lạ bảo với họ dẹp bỏ tổ tiên Ông Bà Cha Mẹ thì họ liền nghe theo.
Phật pháp thông qua “Tín Giải Hành Chứng”, “Tin” rồi phải “Hiểu”, “Hiểu” để chứng thực cái “Tin” của mình là đúng. “Hiểu” rồi phải “Làm”, “Làm” để chứng thực cái “Hiểu” của mình là đúng và “Làm” rồi thì phải có kết quả, kết quả để chứng thực cho cái “Làm” của mình là đúng. Giống như mình trồng mấy lần cây dưa, cây đậu mà không lên, thì mình sẽ biết có thể do mình cắm hạt đậu sâu quá nên hạt không nảy mầm hoặc cắm cạn quá thì mầm bị nhiều nắng nên không lớn lên được.