35Thứ Bảy, 25/05/2024, 21:35

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 25/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 137

Bài học hôm qua Hòa Thượng nói, nếu như công phu niệm Phật của chúng ta có lực, tâm địa của chúng ta thanh tịnh thì tự nhiên chúng ta sẽ sanh trí tuệ. Điều này giống như khi chúng ta múc nước sông vào một cái cốc, ban đầu nước có nhiều cặn bẩn, chúng ta cho phèn chua vào cốc nước, đảo lên thì những cặn bẩn này bị kết tủa và dần chìm xuống đáy, nước trở lên trong xanh. Câu “A Di Đà Phật” giống như chất xúc tác là phèn chua, tất cả vọng tưởng, phiền não bị kết tủa, lắng xuống thì trí tuệ của chúng ta sẽ hiển lộ.

Hòa Thượng nói: “Nếu công phu niệm Phật của chúng ta có lực, tâm của chúng ta thanh tịnh thì chúng ta không cần suy nghĩ cũng có thể làm được tốt tất cả mọi việc. Bởi vì tâm thanh tịnh có thể chiếu kiến. Khi đối diện với tất cả người, sự vật, sự việc thì trong tâm tự nhiên rất rõ ràng, tường tận, xử lý sự việc sẽ không có một chút sai sót. Đây chính là lưu xuất từ trí tuệ chân thật”. “Chiếu kiến” là thấu suốt mọi sự, mọi vật, mọi việc. Chúng ta chiếu kiến thì chúng ta có thể giải quyết mọi việc một cách viên mãn, chu đáo. Nhiều người không tin vào lời này, chúng ta đạt đến cảnh giới này thì chúng ta mới có thể nói ra được.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian rất khổ sở, dùng hết tâm tư để trù bị, thiết kế mọi sự, mọi việc nhưng dù làm đến mức độ nào thì mọi sự, mọi việc vẫn có sai sót. Họ không biết được rằng, chỉ cần có tâm thanh tịnh thì sẽ chân thật giải quyết được vấn đề một cách thỏa đáng”. Ngay đến người học Phật cũng chưa có niềm tin vào điều này, nếu chúng ta chân thật xả mình vì người thì mọi việc sẽ thành công một cách viên mãn.

Hòa Thượng nói cả cuộc đời của Ngài là “tùy tâm sở dục”. Khi Ngài khởi lên bất cứ việc gì thì việc đó đều thành công viên mãn vì tất cả mong cầu của Ngài đều vì chúng sanh, không có lợi ích riêng tư, đoàn thể. Người thế gian phải khổ sở cả một cuộc đời, thậm chí cả cuộc đời không thể giải quyết được việc vì họ không giải quyết việc từ nội tâm. Nội tâm của chúng ta đầy đủ tất cả những năng lực. Hòa Thượng nói: “Chúng ta có thể thành Phật được thì có việc gì ở thế gian chúng ta không làm được!”.

Hòa Thượng nói: “Danh hiệu của Phật chính là tông chỉ giáo học trong giai đoạn hiện tại, Bổn sư của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, “Thích Ca” chính là năng nhân; “Mâu Ni” là tịch mặc, tịch diệt, tịch tĩnh, diệt phiền não, hợp chung lại chính là ý nghĩa của từ bi và thanh tịnh. Thế Tôn dạy chúng ta, tâm địa phải từ bi, thanh tịnh. Chúng ta từ bi có lý tánh, có phương tiện uyển chuyển, phù hợp với hoàn cảnh thì chúng ta mới có thể xử lý được mọi sự, mọi việc một cách tốt nhất. Trên sự tướng chúng ta làm mọi việc đến mức tốt nhất nhưng trong tâm chúng ta không lưu lại một ô nhiễm nào. Chúng ta làm mà không làm, không nói mà nói, không có một chút phân biệt, chấp trước vậy thì công đức của “tự độ, độ tha” đều được viên mãn”.

Danh hiệu của tất cả chư Phật đều mang ý nghĩa rất sâu sắc, là tông chỉ giáo học cho chúng ta. Chúng ta không chân thật làm thì chúng ta không thể đạt được lợi ích thù thắng. Chúng ta từ bi phải có lý tánh, có thiện xảo để vận dụng một cách thích hợp, thỏa đáng. Nhà Phật nói: “Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu”. Chúng ta không có trí tuệ thì từ bi trở thành họa hại, phương tiện trở thành hạ lưu. Người thế gian cũng nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”.

Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc, trên “Kinh Bồ Tát vấn Phật kiết hung” nói: “Chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta tận tâm tận lực làm tất cả những việc thế gian, làm đến mức tốt nhất nhưng không có ý trong đó”. “Không có ý” là chúng ta không lưu lại trong tâm bất cứ một dấu vết nào. Tâm chúng ta ô nhiễm, chấp trước thì công phu của chúng ta không thể có lực. Người xưa nói: “Việc tốt không bằng không việc”. Chúng ta làm việc tốt mà tâm chúng ta dính mắc thì tốt nhất là chúng ta đừng làm. Chúng ta không làm việc gì thì chúng ta không có tâm Bồ Đề. Trên Kinh nói: “Phát tâm Bồ Đề một lòng chuyên niệm”. Chúng ta không có tâm Bồ Đề thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta không làm việc tốt là chúng ta đã làm trái với tâm hạnh của Bồ Tát Đạo, trái với tinh thần của người học Phật pháp Đại Thừa.