32Thứ Sáu, 24/05/2024, 18:35

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 24/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 136

Bài học hôm qua Hòa Thượng nói, ý nghĩa chân thật của Kinh điển không phải ở ngôn ngữ, văn tự, nếu chúng ta chỉ hiểu trên mặt văn tự thì chúng ta không thể chân thật có cảm thụ. Chúng ta phải thể hội Kinh điển bằng chân tâm bổn tính của mình thì chúng ta mới có thể hiểu được chân thật nghĩa mà Phật muốn nói. Phật dùng tâm thanh tịnh lưu xuất ra Kinh pháp, nếu chúng ta muốn hiểu được Kinh pháp thì chúng ta phải hiểu từ nơi tâm thanh tịnh của chính mình. Tâm chúng ta thanh tịnh đến mức nào thì chúng ta sẽ hiểu đến mức đó.

Khi tôi còn nhỏ, tôi nhìn thấy con sông ở trước nhà rất lớn, tôi rất khó khăn để lội qua, nhưng khi tôi trưởng thành, tôi nhìn thấy con sông rất nhỏ. Con sông vốn dĩ vẫn như vậy, không lớn không nhỏ, tất cả do cái thấy của mình. Phật dùng chân tâm, bổn tánh lưu xuất ra, chúng ta quay về chân tâm bổn tánh của mình được mấy phần trăm thì chúng ta sẽ hiểu được từng đó. Nếu chúng ta chỉ loay hoay ở mặt ngôn ngữ thì chúng ta không bao giờ có cảm thụ, chúng ta thật làm thì chúng ta thật có cảm thụ.

Sáng nay, tôi đã lạy Phật năm nhịp mỗi nhịp 55 lạy, mồ hôi của tôi ướt sũng áo, sau đó tôi viết tám chữ “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Trước đây, có khoảng thời gian tôi không uống thuốc nhưng sau đó, các cơ quan trong cơ thể tôi bị thương tổn nên hiện tại hằng ngày tôi đều uống thuốc. Hòa Thượng từng nói, thân chúng ta bệnh thì chúng ta phải uống thuốc, tâm chúng ta bệnh thì chúng ta dùng Phật pháp đối trị, nếu bệnh do oan gia trái chủ thì chúng ta phải hóa giải bằng cách tích cực làm thiện để hồi hướng phước báu cho họ.

Năm 2014, khi đó tôi bị bệnh nặng, tôi đứng không vững, huyết áp của tôi khoảng 16, nhịp tim hơn 100, tôi nghĩ nếu tôi lạy Phật thì tôi có thể sẽ chết nhưng mỗi lần tôi vẫn lạy được khoảng vài trăm lạy, một ngày tôi lạy được hơn 1000 lạy. Chúng ta lạy Phật thì thân thể chúng ta sẽ khỏe mạnh, đây là chúng ta có cảm thụ.

Chúng ta là đệ tử của Phật, chúng ta phải có trách nhiệm gánh vác sứ mạng của Phật, chúng ta phải “vô tâm” mà làm. “Vô tâm” là tâm chúng ta không dính mắc, làm mà không làm, không làm mà làm. Chúng ta không những không dính mắc mà làm ra được biểu pháp, chuẩn mực cho người. “Vô tâm” của người thế gian là họ bất chấp thủ đoạn để có được lợi. Phật Bồ Tát đến thế gian là để tận tâm tận lực phục vụ chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tra trên Kinh điển xem Phật có ngày nào nghỉ ngơi không!”. Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà giáo dục nhiệt thành, không cần trả lương.

Chúng ta dính mắc vào việc thế gian thì chúng ta sẽ luẩn quẩn trong vòng luân hồi sinh tử. Phật Bồ Tát thoát khỏi lục đạo vì các Ngài không dính mắc. Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: “Phân biệt diệc phi ý”. Thế gian có phân biệt nên chúng ta phân biệt chứ chúng ta không có ý phân biệt. Thí dụ, người thế gian gọi thứ này là bình hoa, là truyền hình nên chúng ta gọi nó là bình hoa, là truyền hình. Người thế gian nói đây không là bình hoa, không phải là truyền hình thì chúng ta cũng thấy đúng. Chúng ta chấp trước đây là bình hoa, đây là truyền hình thì chúng ta đã sai.

Chúng ta làm tất cả những việc cần làm để lợi ích chúng sanh nhưng chúng ta không được có tâm phân biệt, chấp trước. Điều này rất khó thực hiện vì khi chúng ta gặp việc thì chúng ta luôn rơi vào phân biệt, chấp trước. Khi tiếng nói của chúng ta có trọng lượng thì chúng ta bắt đầu nói những lời dư thừa, càn quấy, khi chúng ta có danh vọng, địa vị thì chúng ta chìm trong danh vọng, địa vị. Đây là lý do bao đời nay chúng ta đọa lạc, chúng ta đọa lạc ngày càng sâu.

Ngài Lý Bỉnh Nam nhắc học trò bằng bốn chữ: “Hảo nhân hảo sự”. Chữ “hảo” còn có âm khác đọc là “háo”. “Hảo nhân háo sự” là người tốt nhiều chuyện. Người tốt mà có dụng ý ở trong thì trở thành người tốt nhiều chuyện. Người xưa nói: “Nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng không việc gì”. Chúng ta làm nhiều việc mà chúng ta nhiều phân biệt chấp trước vậy thì tốt hơn là chúng ta không làm việc gì để tâm chúng ta có thể thanh tịnh ở một chừng mực nhất định. Có những người làm nhiều việc nhưng họ vẫn thong dong, tự tại, chúng ta nhiều việc mà mặt chúng ta luôn đăm chiêu, người khác nhìn thấy sợ. Cám dỗ của “danh vọng lợi dưỡng” rất mạnh mẽ. Nếu chúng ta làm mà người thế gian bình luận những việc làm của chúng ta tốt hay xấu thì chúng ta sẽ bị động tâm.