33Thứ Sáu, 24/05/2024, 18:17

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 23/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 135

Hòa Thượng nói: “Đời sống của Bồ Tát Đại Thừa rất thánh thoát, tự tại; ngôn ngữ, hành động, hành vi, cử chỉ của các Ngài đều có thể khiến chúng sanh phát khởi thiện tâm, thiện hạnh”. Chúng ta học Phật pháp Đại Thừa là chúng ta đang học tập làm một Bồ Tát. Hằng ngày, cách đối nhân xử thế tiếp vật, hành động, cử chỉ, lời nói, việc làm của chúng ta có làm người khác phát khởi thiện tâm, thiện hạnh hay không? Phát khởi thiện hành là chúng ta đến đâu chúng ta cũng cho đi, cũng hy sinh phụng hiến, người khác bắt chước chúng ta là chúng ta đã dẫn khởi họ phát thiện hạnh.

Nếu hằng ngày chúng ta chỉ khiến người khác dẫn khởi phiền não thì chúng ta đã làm sai với bổn nguyện mà chúng ta đã phát nguyện. Hằng ngày chúng ta phát nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Chúng ta không độ được chúng sanh thì chí ít chúng ta cũng không làm phiền lòng chúng sanh. Chúng sanh cần danh, cần lợi, cần thứ gì thì chúng ta nhường cho họ, chúng ta chỉ cần một chỗ để chúng ta học tập, giảng dạy. Chúng ta luôn nhường thì chúng ta sẽ không có mâu thuẫn, không có phiền não. Hằng ngày, chúng ta không được nói những lời vui đùa, bỡn cợt, không có lợi ích cho chúng sanh và cho chính mình.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần chúng ta có những lời nói, việc làm không có lợi ích đối với chúng sanh thì chúng ta làm tốt đến mấy, đẹp đến mấy thì cũng đều thuộc về hý luận, không phải là việc làm của Bồ Tát”. Chúng ta phải cẩn trọng để lời nói của chúng ta không khiến người khác tăng thêm “tham, sân, si, ngạo, mạn”, “sát đạo dâm vọng”.

Hòa Thượng nói: “Nhất tinh thông, nhất thiết tinh thông”. Một Kinh đã thông tất cả đều thông. Một pháp đã thông tất cả đều thông. Chúng ta phải dụng tâm, miệt mài với một pháp môn. Người thế gian cũng nói: “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”. Thế gian pháp hay xuất thế gian pháp, nếu chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải trường kỳ huân tu, học tập thời gian dài lâu. Có những người trong khoảng mười năm mà họ chuyển bảy tám pháp môn khác nhau.

Ngày trước, con người dùng hai viên đá cọ với nhau tạo ra ma sát, khi ma xát đủ lớn thì sẽ tạo ra lửa. Chúng ta công phu chưa đủ dài lâu thì chúng ta không thể có thành tựu. Nếu tâm chúng ta không có chỗ nương về thì tâm chúng ta sẽ rất bất an. Hòa Thượng nói đây là: “Vô sở thất tùng”. Người mà nội tâm không có chỗ nương về thì sẽ rất khổ. Cái khổ về tinh thần lớn hơn cái khổ về vật chất rất nhiều.

Chúng ta chỉ nên nghe theo lời một vị Thầy và tuyệt đối y giáo phụng hành. Ngày trước, Hoà Thượng học triết học với Giáo sư Phương Đông Mỹ, sau đó học Phật pháp với Đại sư Chương Gia, khi Đại Sư Chương Gia viên tịch thì Ngài tìm học với Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam. Chương Gia Đại Sư dạy Hòa Thượng bắt đầu làm từ bố thí, cả cuộc đời của Ngài làm theo lời Thầy, Ngài bố thí mà tâm không mong cầu. Hòa Thượng nói: “Cả cuộc đời tôi chưa từng xin ai một đồng nào!”. Hòa Thượng là tấm gương để chúng ta nỗ lực học tập. Người trước đã làm chúng ta chỉ cần nỗ lực làm theo, một năm chưa được thì năm năm, năm năm chưa được thì mười năm, mười năm chưa được thì mười lăm năm!

Người thế gian học một môn, làm một nghề hơn chục năm thì họ sẽ đạt được đỉnh cao. Chúng ta tu hành thì đời sống của chúng ta phải ngày càng siết chặt, không tùy tiện, khởi tâm động niệm của chúng ta phải ngày càng chuẩn mực hơn. Đời sống của một Bồ Tát Đại Thừa nhìn rất tự tại nhưng rất khuôn phép, chuẩn mực. Sáng nay tôi tỉnh dậy lúc khoảng 2 giờ, tôi nằm thêm một lúc, sau đó, khi đồng hồ chỉ 3 giờ 16 phút thì tôi ngồi dậy, tôi không nằm chờ đến khi đồng hồ reo vào lúc 3 giờ 30 phút. Chúng ta tu hành là chúng ta bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy, chúng ta không chú ý, qua loa thì chúng ta sẽ bị tập khí vùi dập.

Hòa Thượng nói: “Người xưa sở dĩ có thành tựu nhiều vì họ chuyên tinh. Bệnh của người hiện đại là chuyên tạp”. Đây là bệnh trầm kha của nội tâm chúng ta. Ngày trước, người thợ rèn vừa gõ búa vừa niệm câu “A Di Đà Phật”, Ngài ngày ngày chuyên tinh nên Ngài có thành tựu.