32Thứ Tư, 22/05/2024, 20:40

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 22/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 134

Chư Phật khuyên niệm A Di Đà Phật vì muốn chúng ta “chuyên tinh” và vì chúng ta có duyên sâu với Phật A Di Đà. Kinh Phật nói “một Kinh thông thì tất cả các Kinh đều thông”. Tuy nhiên, tâm bệnh của người hiện đại là không “chuyên tinh” nên không thành tựu. Mặt khác, họ đều dùng vọng tưởng nên có cách nghĩ khác nhau còn chư Phật dùng chân tâm nên giống nhau. Đời sống của Bồ Tát Đại Thừa rất thanh thoát với ngôn ngữ, hành vi khiến chúng sanh khởi phát thiện tâm, không có hý luận tức là luôn làm lợi ích cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “A Di Đà Phật chính là 10 phương chư Phật. Sự thật này có thể nói được trên lý, trên sự nhưng tại vì sao chư Phật đều khuyên chúng ta chuyên niệm A Di Đà Phật mà không niệm các danh hiệu Phật khác? Việc này có hai nguyên nhân:

“Thứ nhất không luận bạn tu học pháp môn nào thì điều quan trọng nhất là chuyên tinh cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta chuyên niệm một vị Phật thì mới có thể thành tựu.

Thứ hai là tất cả pháp thế xuất thế gian đều nói đến duyên phận. Không có duyên thì không thể thành tựu bất cứ việc gì. Đức Phật A Di Đà phát ra 48 lời đại nguyện độ 10 phương khắp pháp giới chúng sanh là đã kết một cái duyên sâu dày đối với chúng sanh. Cho nên chư Phật đều khuyên chúng ta chuyên niệm A Di Đà Phật.

Chúng ta theo một vị Phật để làm theo “tâm nguyện giải hành” của vị Phật đó thì nhất định chúng ta mới có thành tựu. Mỗi người có duyên tu với pháp môn nào thì cứ tu pháp môn đó cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật nói ra rất nhiều pháp môn cho người có duyên.

Hòa Thượng khi tại thế không chỉ giảng về Kinh Vô Lượng Thọ và pháp môn niệm Phật mà còn giảng Thiền, Mật, giảng Kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Bảo Đàn. Người ta mời Ngài giảng Kinh gì thì Ngài giảng Kinh đó. Nhưng tổng kết thì Ngài tập trung cho Kinh Vô Lượng Thọ.

Hòa Thượng giảng Kinh nào cũng đều giảng đến thấu triệt. Lúc trước, khi Hòa Thượng Minh Cảnh còn tại thế, có người nhờ Ngài sửa bản dịch Kinh Hoa Nghiêm của Hòa Thượng Tịnh Không thì Ngài đã nói rằng: “Hòa Thượng Tịnh Không giảng Kinh Hoa Nghiêm rất đặc biệt!” Lời nói này không ai biết vì Ngài chỉ nói riêng với tôi và đã làm cho tôi tăng thêm niềm tin.

Cho nên mỗi người có một cái duyên, ai thích tu pháp gì thì chọn pháp đó. Quan trọng là pháp môn đó có phù hợp với căn tính của mình trong cuộc sống hiện đại đầy bề bộn khi con người đang chìm ngập trong thông tin của mạng điện thoại, viễn thông hay không?

Đối với pháp môn niệm Phật, pháp môn này phù hợp với đời sống hiện đại bởi chúng ta có thể dùng một câu A Di Đà Phật để buộc tâm ở một chỗ. Sáng nay chúng tôi vừa lạy Phật vừa niệm Phật nhưng niệm Phật được một lúc thì vọng tưởng khởi lên đủ mọi loại ấn tượng, thù tạc trong đời sống. Cho nên nếu không dùng một câu Phật hiệu thì không thể buộc được tâm, vô cùng khó!

Hòa Thượng giải thích cặn kẽ vì sao chúng ta niệm Phật? Vì cần sự “chuyên tinh”, dùng một niệm đánh bạt tất cả các niệm, đến sau cùng niệm đó cũng không còn, trống rỗng và chúng ta niệm Phật vì Phật A Di Đà đã kết duyên sâu dày với chúng sanh tận hư không. Chính vì vậy mà chư Phật khuyên chúng ta chuyên niệm A Di Đà Phật.

Hòa Thượng nói: “Tất cả chúng sanh đều dùng vọng tưởng nên có cách nghĩ hoàn toàn khác nhau khi xem thấy tất cả sự việc. Mỗi một người có vọng tưởng khác nhau, trong vọng tưởng trùng trùng, có sanh có diệt, cho nên xem thấy tất cả mọi thứ đều là sanh diệt.

Còn chư Phật thì dùng chân tâm. Chân tâm mỗi người đều giống nhau nên có cách nghĩ giống nhau khi thấy tất cả mọi sự việc, sự vật. Chân tâm thì không sanh không diệt còn vọng tâm thì có sanh có diệt”.

Mọi người đều trở về chân tâm thì “cái thấy” đều giống như nhau. Mọi người cùng hành trì một pháp môn, học hành theo một đường lối nhất định thì sẽ có “cái thấy, cái nhìn” như nhau. Nếu không, họ sẽ dùng sự “phân biệt, chấp trước” như thế gian vẫn nói là “chín người mười ý”.