30Thứ Ba, 21/05/2024, 18:23

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 21/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 133

Trên Kinh Hoa Nghiêm, Bồ Tát Phổ Hiền đại biểu cho thực tiễn và Bồ Tát Văn Thù đại biểu cho trí huệ, dạy chúng ta vận dụng Phật pháp trong đời sống thường ngày phải có trí tuệ. Kinh điển Đại Thừa dạy người học Phật tu hiếu không chỉ với Cha Mẹ mà còn với Lão sư, với Tam Bảo và tất cả chúng sanh ở tận hư không khắp pháp giới. Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta nếu chưa làm đến được Thanh Tịnh, Bình Đẳng như trên Kinh Vô Lượng Thọ dạy thì chúng ta đã hỏng từ nơi gốc.

Hòa Thượng nói: Bồ Tát Phổ Hiền và Bồ Tát Văn Thù là hai vị Đại Bồ Tát trên Kinh Hoa Nghiêm. Bồ Tát Phổ Hiền đại biểu cho thực tiễn, dạy chúng ta làm thế nào mang Phật pháp vận dụng trong đời sống thường ngày. Muốn vận dụng Phật Pháp thì nhất định phải có trí tuệ cho nên Bồ Tát Văn Thù đại biểu cho trí tuệ. Trí tuệ và thực tiễn là hai mặt nhưng là một thể tương hỗ, tương trợ cho nhau. Nếu phân hai ra thì có sự thiên lệch.

Có trí tuệ sẽ giúp chúng ta soi chiếu việc vận dụng Phật pháp của mình có đúng hay không. Nếu dùng Phật pháp ở trạng thái “cảm tình dụng sự” thì Phật pháp trở thành công cụ tư lợi để thỏa mãn “Tài Sắc Danh Thực Thùy”. Hòa Thượng nói năm dục này là căn nguyên đưa người ta đến địa ngục. Những dục này sẽ làm người ta thân bại danh liệt, không còn đạo tâm. Hòa Thượng nói: “Bạn chìm đắm trong danh lợi sắc tình thì tâm bạn không còn ở đạo. Nếu tâm bạn ở trong đạo thì danh lợi sắc tình sẽ tan nhạt.

Hòa Thượng cũng nói “Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao” - con người đạt đến chỗ không mong cầu thì phẩm chất đạo đức sẽ tự nâng cao. Mọi thứ mọi việc trong nội tâm chúng ta đang ở trong bóng tối ngàn năm nhưng chỉ cần có một ánh đèn được thắp sáng dần lên thì bóng tối bị đẩy đi xa hơn.

Hòa Thượng nhắc đến hai vị Đại Bồ Tát trong Kinh Hoa Nghiêm là Văn Thù và Phổ Hiền. Phổ Hiền là biểu hiện cho “thật làm” trên sự quán chiếu tường tận xem có đúng như lý như pháp không. Nếu làm theo cách thấy cách biết của mình thì chắc chắn sẽ làm sai cho nên mọi việc ta làm phải xét xem có đúng với luật pháp quốc gia hay phép tắc lệ làng hay không?

Có người nói niệm Phật là tốt nên mở loa rất to khiến người xung quanh không chịu nổi nhưng họ không biết mình sai và còn oán trách người xung quanh là thiếu thiện căn, phước đức. Chúng tôi nghe hàng xóm nói là nghe tiếng chuông rất khó chịu cho nên đã nhiều năm nay, chúng tôi không gõ chuông. Muốn nghe chuông thì chúng tôi ra chùa.

Chúng ta tu hành tại gia, xung quanh có rất nhiều người nên chúng ta không nên tùy tiện. Hòa Thượng dạy rất hay rằng hai vị Đại Bồ Tát là đại biểu cho thực tiễn và trí tuệ. “Thật làm” nghĩa là thực tiễn vào đời sống sao cho viên dung, không gây chướng ngại, phiền lòng người khác.

Trước đây, chúng tôi hay khuyên người niệm Phật, nghe pháp Hòa Thượng nhưng nay chúng tôi qua lại quan hệ với mọi người chỉ như bạn tốt chứ không nhắc đến chuyện học Phật hay nghe pháp. Trừ trường hợp họ chủ động hỏi thì chúng tôi mới nói. Cũng vậy, chúng tôi tự học tập theo Hòa Thượng buổi sáng trên 300 buổi rồi thì mọi người muốn chúng tôi mở zoom để cùng nhau dậy sớm. Lớp học như một chiếc chuông báo thức để mọi người cùng dậy để học tập.

Việc này rất thiết thực vì nếu chúng ta ngủ đến 6 giờ sáng mới thức giấc và thứ 7, Chủ Nhật thì 8, 9 giờ mới ra khỏi giường thì thời gian sống của chúng ta bị thu hẹp. Có người thấy chúng tôi làm rất nhiều việc nên hỏi chúng tôi có thiếu thời gian không? Câu trả lời là chúng tôi dư thời gian. Chỉ cần dậy sớm là có rất nhiều thời gian. Dậy sớm, chúng ta có thể làm biết bao nhiêu việc như luyện viết thư Pháp, học tập Phật pháp, lạy Phật để rèn luyện thân thể tránh bệnh tật về sau.

Đây chính là thực tiễn, vận dụng Phật pháp vào đời sống thường ngày. Luyện viết thư pháp chữ “Nam mô A Di Đà Phật” cũng chính là cách giúp chúng ta nhớ niệm Phật. Nếu chúng ta có thể dành ra nửa tiếng đến một tiếng buổi sáng làm một việc trường kỳ thì việc sẽ khác liền. Một năm không thành công thì ba năm, sáu năm, chín năm thì chắc chắn chúng ta trở thành một con người khác.