Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 20/05/2024.
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 132
Ngày nay hiện tượng giả trang này rất phổ biến. Họ có thể nói đến “buông xả” nhưng mọi thứ xung quanh họ, họ đều mua rất nhiều tiền. Tâm lượng như vậy không phải là tâm lượng thanh tịnh của một người Đại thừa.
Hòa Thượng dạy chúng ta phải hiểu cho rõ ý nghĩa trong lời Phật dạy - “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”. “Nguyện” không phải là cầu nguyện với Phật mà là “thật làm”, càng “thật làm” nhiều bao nhiêu thì càng hiểu sâu hơn bấy nhiêu. Làm miệt mài dài lâu trong một năm, hai năm chưa đủ mà phải là nhiều năm thì chân thật nghĩa của Như Lai sẽ hiện bày ngay nơi nội tâm của mình. Nhờ đó “pháp hỷ sung mãn” nên việc “thật làm” của chúng ta lại thêm mạnh mẽ hơn.
Giống như khi chúng ta “thật làm” theo lời Cha Mẹ dạy và khi chúng ta được làm Cha Mẹ, chúng ta mới hiểu công lao, tấm lòng Cha Mẹ chỉ muốn mang điều tốt đến cho chúng ta. Người học Phật cũng thế càng “thật làm” theo giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền thì mới hiểu hết ý nghĩa của Phật Bồ Tát Thánh Hiền truyền đạt cho chúng ta, càng làm theo các tấm gương đức hạnh thì càng hiểu tấm lòng của người xưa sao mà thuần khiết.
Người xưa có câu: “Đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu” và với viết thư pháp, nếu có thể viết chữ ngàn lần thì nghĩa kia cũng tự hiểu. Qua nhiều lần luyện từng nét chữ, chúng ta mới có thể nắm được nguyên lý sử dụng bút lông, nguyên lý viết từng nét đẹp, đến lúc đó, chúng ta có thể điều khiển theo ý mình lúc nào cần nhấn, cần dừng, lúc nào cần hất lên, cần ngoạch xuống.
Tu hành nơi nhà Phật là phải “buông xả” được “năm dục sáu trần” tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ. Việc này tuy khó nhưng vẫn có thể làm được. Những thứ này mà không xem nhẹ thì chúng ta có dụng công đến mấy cũng chỉ là làm cho dễ coi chứ chưa có lực. Ví dụ có nhiều người luôn sợ Ma nhưng lại có nhiều người nghèo không có nhà nên phải ra nghĩa địa để ở. Sự sợ hãi đó chính là do chấp trước.
Cho nên chỉ cần tan nhạt, xả chấp trước thì mọi việc trên thế gian không còn khó nữa. Nếu có ai làm được, nếu thái tử Tất Đạt Đa làm được, Hòa Thượng Tịnh Không làm được từ 36 tuổi đã “Tam Bất Quản” thì chúng ta cũng làm được. Hòa Thượng đến thế gian bằng hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng hai bàn tay trắng, không có gì để di chúc lại. Ngài đến như một lữ khách và ra đi như một lữ khách. Đó chính là tấm gương “buông xả” cho chúng ta.
Mấy ngày nay trên mạng đang ồn ào nhiều thông tin cho nên người xưa thích tìm về những nơi a lan nhã, không ai gây phiền não thì mới giải thoát được. Hòa Thượng từng nói người tìm về trốn tịch tịnh mới là người có trí tuệ vì họ nhận ra được “danh vọng lợi dưỡng” là thứ ràng buộc, phiền phức, sẽ làm cho mình phiền não.
Hòa Thượng lại nhắc chúng ta phải tu hạnh Phổ Hiền. Đó là hạnh “Hiếu và Kính”. Trong Tịnh Độ tông có câu là “Người không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc”. Câu này chính là trên Kinh Vô Lượng Thọ: “Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”.
Hòa Thượng giải thích thêm: “Cả thảy bộ Kinh Hoa Nghiêm chính là điển phạm của hạnh Phổ Hiền. Trong Kinh Hoa Nghiêm có một lý luận rất tường tận, đầy đủ. Đó là Thiện Tài đồng tử biểu diễn cho chúng ta thấy 53 lần tham học. Ở các ngành các nghề, Thiện Tài đều dùng tâm chân thành, cung kính đến cầu học”. Ngài thấy cái tốt thì học, cái xấu thì phản tỉnh cảnh giác. Những việc đã từng làm sai thì mau sửa, nếu chưa làm sai thì đừng nên làm cái xấu đó.
Hòa Thượng khẳng định: “Đặc sắc của hạnh Phổ Hiền là tâm hạnh rộng lớn, bình đẳng”. Tâm rộng lớn là tâm dung chứa được tất cả một cách bình đẳng. Hiện tại tâm chúng ta mới dung chứa được người mình thích, mình ưa chứ chưa ôm được cả những người mình ghét. Chúng ta chỉ tốt đối với người đối xử tốt với chúng ta chứ chưa đối xử tốt với người hại mình. Cho nên Hòa Thượng nhắc chúng ta có những hạng người hằng ngày luôn thể hiện bề ngoài hoạt bát với tâm lượng rộng, nhưng bên trong nội tâm lại chấp trước.