75Chủ Nhật, 19/05/2024, 21:49

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 19/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 131

Người học Phật phải hiểu nghĩa chân thật mà Như Lai giảng giải thì mới có được lợi ích và nếu biểu hiện bên ngoài của họ rất trang nghiêm nhưng trong tâm lại không thanh tịnh thì họ không phải là người học Đại Thừa. Người học Phật muốn vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc nhất định phải dụng tâm mà học tập hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.

Hòa Thượng nói: “Người học Đại thừa có tâm địa thanh tịnh, không có phân biệt, chấp trước cho nên biểu hiện hoạt bát mà vẫn thanh thoát, trang nghiêm. Có người biểu hiện bên ngoài xem ra rất trang nghiêm nhưng trong tâm của họ, một chút thanh tịnh cũng không có. Người như vậy không thể gọi là Đại thừa”.

Tâm Đại thừa là tâm rộng lớn, “sẵn sàng xả bỏ lợi ích của chính mình, vì lợi ích của người mà lo nghĩ”. Đó chính là hy sinh phụng hiến một cách chí công vô tư. Cho nên những việc chân thật lợi ích cho chúng sanh thì người học Phật pháp Đại thừa tích cực cống hiến mà không cần lý do, không có ý niệm được mất, không phân biệt, không chấp trước.

Có phân biệt và chấp trước thì không phải là tâm rộng lớn. Muốn mở rộng tâm lượng thì phải dụng tâm chân thành, cung kính mà thật làm chứ không làm cho dễ coi. Có người giúp người khác để mong có hồi đáp từ người nhận thì đây chính là phân biệt, chấp trước.

Phật Bồ Tát đến thế gian hoàn toàn vô điều kiện, chí công vô tư đối với chúng sanh. Chúng ta nghe đến lời phát nguyện của Bồ Tát Địa Tạng mới nghĩ bao giờ mình có được cái tâm như vậy: “Địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật. Chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ Đề”.

Lời phát nguyện của Ngài không hề có ý niệm “vì ta mà lo nghĩ”. Bởi vì biết đến bao giờ mới hết chúng sanh tạo tội ở Địa ngục, cho nên Ngài mãi mãi không thành Phật, mãi mãi là Bồ Tát ở bên cạnh giúp ích chúng sanh. Hòa Thượng từng sách tấn rằng chúng ta đừng nghĩ trong cuộc đời đau khổ này, chúng ta chỉ có một mình, Phật Bồ Tát đang dõi theo chúng ta. Chỉ cần chúng ta sẵn sàng giác ngộ quay đầu hướng thiện thì Phật Bồ Tát sẽ đến giúp chúng ta.

Chúng tôi có cảm nhận điều này rất rõ qua cuộc đời mình. Lúc trẻ chúng tôi cũng chìm trong “danh vọng lợi dưỡng’ tuy nhiên, trong tâm từng khởi lên rằng những thứ đó không phải thứ mình thích. Rồi đến một ngày, có cơ duyên đi dạy tiếng Hán và qua từng bài dạy thì đạo tâm phát khởi mạnh mẽ hơn nhờ đó chính mình lại dốc sức truyền tải điều mình biết cho mọi người.

Qua nhiều lần như vậy thì chúng tôi có cơ duyên gặp được những đĩa giảng của Hòa Thượng đã lưu kho cả chục năm và đang chờ xử lý rác. Sư bà nơi chúng tôi dạy tiếng Hán biết điều này nên đã xin về để xử lý. Nhờ đó, cuộc đời chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Từ đó trở đi, chúng tôi luôn trân trọng nhân duyên, dù là nhân duyên nhỏ cũng không để trôi qua, luôn nỗ lực nắm lấy để làm.

Hòa Thượng dạy chúng ta: “Điều quan trọng nhất khi học Phật là ‘nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa’. Nếu chúng ta hiểu sai ý nghĩa lời Phật dạy hay hiểu chưa hết chưa tới thì làm sao chúng ta có được lợi ích!”.

Phật đến thế gian để muốn chúng ta thành Phật, hoàn toàn giải thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không phải để làm người giàu có, sống lâu hay làm thiên nhân cõi trời. Trên Kinh Pháp Hoa, Phật từng nói rằng vì chúng sanh không nghe, không tiếp nhận được pháp Nhất thừa (pháp thành Phật) cho nên Phật phải nói ra pháp Nhị thừa và Tam thừa. Đó là pháp để tu thành Thanh Văn, Duyên Giác hay có phước báu để làm trời, người.

Cũng giống như khi chúng ta niệm Phật là phải hiểu rằng Phật nói ra pháp Tịnh Độ là để chúng ta vãng sanh Tịnh Độ thành Phật. Niệm Phật không phải để có phước, tai qua, nạn khỏi, mạnh giỏi, bình an mà là để chúng ta nắm chắc phần vãng sanh. Vãng sanh không phải là chết, chết thì không gọi là vãng sanh. Vãng sanh là lúc nào muốn đi thì đi, muốn ở thêm cõi Ta Bà thì ở thêm.

Cho nên Hòa Thượng khuyên chúng ta là người học Phật thì phải hiểu được ý nghĩa chân thật mà Phật dạy chúng ta. Nếu hiểu sai, hiểu chưa hết rồi cắt chương đoạn ngữ thì chúng ta sẽ làm một cách sai lầm. Ví dụ như khi Phật dạy chúng ta bố thí thì chúng ta phải hiểu là không chỉ bố thí tài vật mà chân thật bố thí chính là trừ bỏ tập khí xấu ác của mình.