25Chủ Nhật, 19/05/2024, 21:49

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 18/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 130

Bài học hôm qua Hòa Thượng dạy chúng ta, tu hành chính là sửa đổi tư tưởng, hành vi sai lầm của chính mình. Chúng ta là phàm phu, chúng ta phải nhờ giáo huấn của Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền thì chúng ta mới nhận ra sai lầm của chính mình. Lần đầu tiên, khi Bác Hồ gặp Bác Giáp, Bác Hồ đã nghĩ: “Con người này sẽ suốt đời cầm quân”. Hằng ngày, nếu chúng ta tích cực học tập thì chúng ta cũng sẽ có thể có khả năng nhìn người như vậy, khi nhìn một người, chúng ta sẽ biết người đó sẽ làm được điều gì đó tốt đẹp, hay người đó nhất định sẽ phạm phải sai lầm. Chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta sẽ bị tập khí, phiền não, oan gia trái chủ, nghiệp chướng nhiều đời dẫn dắt. Ngày ngày, chúng ta phải quán chiếu xem ba nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta đã tương ưng với giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền chưa. Có những người khuyên người khác bố thí nhưng họ thì chỉ muốn nhận thêm vào.

Người xưa nói: “Gần mực thì đen gần đèn thì rạng”. Chúng ta gần Thầy tốt, bạn lành, gần người có tâm cống hiến thì chúng ta cũng sẽ dần giống như họ. Chúng ta gần người có nhiều tham vọng, bá đồ thì chúng ta cũng dần dần bị tiêm nhiễm. Do vậy chúng ta phải tích cực gần người chân thật tu hành, người luôn nghĩ đến chúng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải đốt cháy chính mình”. Nghĩa là chúng ta xả bỏ chính mình, dùng thân tâm để phụng hiến, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chúng sanh. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến phục vụ chúng sanh thì chúng ta sẽ không nghĩ đến việc chiếm lợi ích của mình. Chúng ta là phàm phu, ngày ngày chúng ta phạm phải sai lầm mà chúng ta không nhận ra, khởi tâm động niệm, lời nói, hành động của chúng ta luôn thuận theo vọng tưởng, chấp trước.

Hằng ngày, chúng ta tu hành, chúng ta tiến thì ít, thoái thì nhiều. Nhiều người học Phật trong nhiều năm nhưng vẫn thoái tâm. Mỗi giây, mỗi phút chúng ta đều phải chuyên cần, phấn đấu, chúng ta chỉ cần chểnh mảng một chút thì chúng ta sẽ lui sụt. Có những người “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là người biết nên họ hành động sai. Nếu chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tâm cảnh như vậy. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải bỏ đi cách thấy, cách biết, cách nói, cách làm của mình, để chúng ta học theo cách thấy, cách biết, cách nói, cách làm của Phật Bồ Tát thì nhất định không sai!”. Phàm phu không biết được sai lầm của mình, càng làm càng sai, chúng ta cố che dấu thì sai lầm sẽ càng nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải ngày ngày học tập, ngày ngày tiếp nhận Kinh giáo để đối chiếu tâm hạnh của mình. Phật Bồ Tát dạy chúng ta mang thân tâm này phụng hiến, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chúng sanh nhưng chúng ta ngày ngày chỉ nghĩ đến danh lợi.

Người xưa dạy: “Xả ly Ta Bà, hân cầu Cực Lạc”. Chúng ta phải có tâm xả ly Ta Bà. “Tài, sắc, danh, thực, thùy” chân thật đáng sợ, chúng khiến thân tâm chúng ta nhiễu loạn, mất đi đạo tâm. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy, Địa ngục ngũ điều căn”. Chúng ta nhiễm một thứ trong năm thứ này thì chúng ta đã khai một đại lộ đi thẳng vào Địa ngục. Chúng ta rời khỏi danh lợi, xa lìa “Tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chúng ta vẫn có thể sống tốt. Từ khi Hòa Thượng 36 tuổi, Ngài đã là “tam bất quản”, không quản tiền, không quản việc, không quản người. Mọi người mời Hòa Thượng đến ở trong một ngôi chùa lớn có tên là chùa Cực Lạc, Ngài ở đó cho đến khi Ngài vãng sanh.

Người ngày nay luôn nghĩ đến việc kiếm tiền, nếu chúng ta được tặng một cuốn sách hay một chiếc đài nghe pháp thì chúng ta cũng có thể nhìn thấy trên đó có ghi số tài khoản để mọi người ủng hộ. Chúng ta phải cố gắng học theo tấm gương của Hòa Thượng, cả cuộc đời Ngài chỉ nghĩ đến việc hy sinh phụng hiến. Những gì chúng ta bỏ ra mà chúng ta không nhận bằng tiền thì chúng ta sẽ nhận lại bằng phước báu. Phước báu chúng ta nhận được sẽ còn lớn hơn số tiền chúng ta đáng được nhận. Những thứ chúng ta nhận mà chúng ta không trả bằng tiền thì chúng ta phải trả bằng phước báu trong chính sinh mệnh của mình. Người xưa dạy chúng ta: “Một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định”. “Tiền định” là do phước báu trong vận mạng của chúng ta định. Người khác tham danh vọng là việc của họ, chúng ta phải tự nhắc mình không chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”.