95Thứ Bảy, 18/05/2024, 17:11

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 17/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 129

Bài học hôm qua Hòa Thượng dạy, Phật pháp Đại Thừa dạy chúng ta lấy bố thí làm trung tâm. Người không tích cực hành bố thí thì rất khó đối trị được tập khí của chính mình. Chúng ta phải bố thí bằng tâm chân thành. Khi chúng ta tổ chức những buổi lễ tri ân, mọi người đều phát tâm chân thành nên những buổi lễ đã diễn ra tốt đẹp, tất cả mọi người đều được lợi ích. Bố thí chính là xả, là buông bỏ ở trong tâm. Hòa Thượng nói: “Nhiều người khuyên người khác buông xả nhưng họ thì muốn có càng nhiều càng tốt!”.

Hòa Thượng nói: “Tất cả pháp tu của nhà Phật đều để giúp chúng ta trừ vọng niệm, chấp trước”. Có người nói, tu hành không cần giữ tâm thanh tịnh, không cần diệt vọng tưởng, không cần giữ giới. Đây đều là những lời của Ma. Chúng ta tu hành chính là chúng ta đối trị vọng tưởng, phân biệt; chấp trước của chính mình.

Trước khi nhập Niết Bàn, Thích Ca Mâu Ni Phật dặn Ngài A Nan: “Lấy khổ làm Thầy, lấy giới làm Thầy”. Chúng ta phải tích cực làm những việc cần làm để lợi ích cộng đồng, xã hội, không ngại khó khăn. Bác Hồ cũng dạy chúng ta hy sinh phụng hiến, chí công vô tư. Người giữ giới, tuân thủ pháp luật thì tâm của họ sẽ an ổn, họ được pháp luật bảo hộ, được giới luật hộ trì. Chúng ta bị sai sử bởi những thói quen xấu thì chúng ta sẽ luôn cảm thấy không an.

Khi tôi gặp một người thích uống cà phê hay uống trà sữa thì tôi có thể đi uống cùng họ nhưng ở nhà mình, mấy tháng nay tôi đã không uống cà phê. Chúng ta đối trị được tập khí thì chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên, tự tại, không bị sai sử. Nhà Phật gọi “Giới” là biệt giải thoát. Chúng ta tuân thủ pháp luật, quy củ, quy điều thì chúng ta sẽ tự nhiên an ổn. Thí dụ, khi đi ra đường bằng xe máy thì chúng ta đội mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông chúng ta lái xe đúng quy định.

Hôm trước, chúng tôi gặp một đội kiểm tra an toàn giao thông, họ kiểm tra tốc độ, làn đường, nồng độ cồn, chúng tôi đều không vi phạm. Những người vi phạm, không tuân thủ theo quy định, theo pháp luật thì họ sẽ cảm thấy bị ràng buộc. Nếu không có chuẩn mực, quy định để mọi người tuân theo thì xã hội sẽ loạn.

Hòa Thượng nói: “Phật đi đứng, nằm ngồi, lời nói, cử chỉ tự nhiên đều hợp với quy củ, chuẩn mực”. Chúng ta phải nội hóa những quy củ, quy định này vào trong nội tâm của chính mình. Chúng ta giữ “tướng giới” chưa đủ mà chúng ta phải giữ “tâm giới”. Chúng ta giữ tâm giới thì chúng ta mới khai được định. Chúng ta có định thì chúng ta mới có thể khai được trí tuệ.

Hòa Thượng nhắc: “Tu hành là chúng ta sửa đổi tư tưởng, hành vi sai lầm của mình. Phàm phu thường không nhận ra sai lầm của mình, chúng ta muốn nhận ra sai lầm của mình thì hằng ngày, chúng ta phải đọc Kinh, phải học Kinh”. Tu hành chính là chúng ta nỗ lực sửa đổi những tư tưởng, lời nói, hành vi của chúng ta mà chưa tương ưng với Kinh điển, với giáo huấn của Phật Bồ Tát. Hằng ngày, chúng ta cùng nhau học tập, dùng lời dạy của Phật Bồ Tát, của những bậc tu hành chân chánh đối chiếu tâm hạnh của chính mình.

Phàm phu rất dễ phạm sai lầm nhưng chúng ta thường không nhận ra sai lầm của mình, có những người vì phạm sai lầm mà mất đi cả giới thân huệ mạng. Thầy Thái nói: “Cuộc đời của chúng ta cần có những tấm gương”. Chúng ta dùng giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền để đối chiếu tư tưởng, ngôn hạnh, hành động, tạo tác của chính mình. Có những người “tự dĩ vi thị”, tự cho mình là biết nên họ ngông cuồng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm bất cứ việc gì giúp ích được cho chúng sanh thì đó đều không phải là năng lực của chúng ta mà là nhờ ơn đức của Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền, của Cha Mẹ, Thầy Cô, sự tài bồi của quốc gia và sự thành toàn của rất nhiều người”. Chúng ta có được tâm này thì chúng ta sẽ không dám lười biếng, chểnh mảng. Chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” thì chúng ta không thể có kết quả tốt. Chúng ta không an trú trong lời dạy của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, những bậc chân chính tu hành thì chúng ta sẽ đọa lạc. Chúng ta có sai lầm là do chúng ta nghe theo tập khí, phiền não của chính mình. Hòa Thượng nhắc, chúng ta phải ngày ngày đọc Kinh, nghe pháp, để đối chiếu hành động tạo tác, khởi tâm động niệm của chính mình. Chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” thì chắc chắn chúng ta sẽ bị “danh vọng lợi dưỡng” nhấn chìm.