27Thứ Năm, 16/05/2024, 17:19

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 16/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 128

Hòa Thượng dạy, Căn tánh của chúng sanh thời hiện đại chỉ phù hợp với pháp môn Tịnh Độ, nếu chúng ta chân thật tu hành chúng ta có thể đạt đến niệm Phật thành khối. Nếu chúng ta tu hành các pháp khác, chúng ta rất khó đạt được minh tâm kiến tánh. Hiện tại, chúng ta có rất nhiều tập khí, tạp niệm, hằng ngày chúng ta luôn dùng điện thoại giải quyết công việc và xem tin tức nên chúng ta rất khó nhiếp tâm. Chúng ta phải dùng một câu “A Di Đà Phật” để buộc tâm để tâm chúng ta có nơi an trú.

Nếu chúng ta tu hành mà “thân giới” của chúng ta thanh tịnh nhưng “tâm giới” của chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không thể có thành tựu. Tâm là chủ đạo. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta không thể đề khởi công phu, chúng ta làm Phật sự thì Phật sự cũng trở thành Ma sự. Hòa Thượng nói: “Nếu người học Phật không giữ giới thì không phải là người học Phật”. Ngày nay, nhiều người học Phật nhưng không giữ giới, ngày ngày họ bị chi phối bởi “danh vọng lợi dưỡng”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải lấy giới luật làm căn bản tu hành. Từ giới sinh định. Từ định khai trí tuệ”. Chúng ta không tu hành trên nền tảng giới luật thì chúng ta không thể có thành tựu. Nhờ giữ giới mà chúng ta hạn chế được những sai lầm của thân, khẩu, ý.

Có những người nếu không được ăn thịt, không ngửi thấy mùi nước mắm thì họ sẽ không chịu được. Ngày trước, Bà nội tôi làm cỗ chay để cúng, mâm cơm có hơn mười món, ăn cơm xong, sau khi Ba tôi ăn cỗ xong, ông phải về nhà ăn cơm với nước mắm thì ông mới không bị xót bụng. Tôi có thể ăn cơm, bún, khoai, miễn no bụng là được. Đây là chúng ta bị tập khí, phiền não, thói quen hằng ngày chi phối. Nếu chúng ta không hạn chế, loại trừ thì chúng sẽ dẫn đạo chúng ta cả cuộc đời, thậm chí khi chúng ta sắp mất, chúng ta vẫn có những ham muốn.

Hằng ngày, chúng ta vẫn phạm một trong năm giới trọng thì chúng ta sẽ dễ dàng phạm phải những giới khác. Người xưa kể câu chuyện, một người uống rượu say nên đã bắt trộm con gà của nhà hàng xóm, khi có người hàng xóm đến hỏi thì họ nói là họ không nhìn thấy. Đây là họ đã phạm phải giới uống rượu, sát sanh và nói dối. Chúng ta phát tâm học Phật thì chúng ta phải giữ Năm giới, Mười thiện. Hòa Thượng nói: “Chúng ta giữ tốt Năm giới, Mười thiện thì cho dù một ngày chúng ta niệm Phật mười câu thì chúng ta cũng nhất định vãng sanh. Một ngày, chúng ta niệm mười vạn câu Phật hiệu mà chúng ta không giữ giới thì chúng ta cũng không thể vãng sanh”. Đây chính là như trên Kinh nói: “Nhân giới sinh định, nhân định khai huệ”.

Nhiều người học Phật xem nhẹ việc trì giới. Người học Phật mà không tuân thủ Năm giới, làm được Mười thiện thì chúng ta không có tư cách làm người học Phật. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” Phật đã nói: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học làm Thầy người, làm để làm mô phạm cho người. Chúng ta không thể tự hoàn thiện mình thì chúng ta không thể làm tấm gương cho thế nhân.

Gần đây, tôi thấy trên mạng Internet đưa rất nhiều thông tin khiến tâm người tạp loạn, chúng ta tu hành, chúng ta làm việc thiện, tốt nhất là chúng ta không cần để người khác biết. Khi chúng ta tu hành hay chúng ta làm việc thiện mà có nhiều người biết thì sẽ có người tán tụng, có người chê bai, làm nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta. Tôi đã có quyết định sáng suốt khi không mở tài khoản Facebook, Zalo, thế giới muôn màu trên mạng Internet làm nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta. Trước đây, tôi chỉ dùng một chiếc điện thoại để nghe gọi, hiện tại, tôi cần xem hình ảnh, xem Camera ở các vườn rau, xem báo cáo nên tôi phải dùng điện thoại thông minh. Chúng ta phải biết buông xả những thứ khiến chúng ta phiền não, khiến chúng ta rơi vào trạng thái vô minh. Chúng ta hoàn toàn xả ly những thứ này thì chúng ta mới có thể tu hành có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp Đại Thừa dạy chúng ta rất nhiều điều nhưng lấy việc bố thí làm trung tâm. Bố thí chính là xả, là buông xuống. Sáu Phép Tu của Bồ Tát Đạo đều là bố thí. “Bố thí” chính là xả, là buông xuống. “Trì giới”, “Nhẫn Nhục” là thuộc về bố thí vô úy, “Tinh tấn”, “Thiền định”, “Bát nhã” thuộc về bố thí pháp. Cho nên Phật pháp từ đầu đến cuối đều dạy chúng ta xả. Chúng ta có thể xả được sạch sẽ, thanh tịnh thì chúng ta sẽ thành Phật”. Chúng ta bố thí thì chúng ta mới đối trị được tham, đối trị được “tự tư tự lợi”. Bố thí giúp tâm chúng ta rỗng rang.