41Thứ Tư, 15/05/2024, 15:29

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 15/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 127

Giới luật là căn bản của tu hành. Giữ thân giới mà không có tâm giới thì không khai ngộ, không đạt niệm Phật nhất tâm bất loạn. Ý niệm “Sát Đạo Dâm Vọng” chưa đoạn thì tâm giới chưa thanh tịnh. Nếu giữ được 5 giới 10 thiện thì một ngày niệm 10 câu Phật hiệu cũng vãng sanh. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đặc biệt là phẩm 35, Phật Đà đã truyền thụ “Tam Quy, Ngũ Giới”. Bộ Kinh này là tiêu chuẩn tu học cho chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Tiêu chuẩn mà chúng ta tu học chính là Kinh Vô Lượng Thọ. Nội dung của Kinh bao gồm cả Giới Định Tuệ tam học, Tam Quy Y và đầy đủ chúng giới (các giới). Từ phẩm 32-37 đều nêu lên những tiêu chuẩn, phép tắc trong hành động cử chỉ, khởi tâm động niệm hằng ngày của chúng ta. Nhất là trong phẩm 35, Phật đà đã vì chúng ta mà truyền thụ tam quy, ngũ giới. Đây mới là chỗ chân thật để chúng ta quy y.

Tam quy là quy y Phật, giác mà không mê; quy Pháp, chánh mà không tà; quy y Tăng, tịnh mà không nhiễm. Chúng ta quy y trước tượng Phật là để khơi dậy được cái thật từ nơi tự tánh của chúng ta. Hằng ngày chúng ta phải “Giác Chánh Tịnh” thì đó mới là chân thật quy y.

Hòa Thượng nói: “Tu hành ở các pháp khác thì cũng có thể được định nhưng rất khó đạt được minh tâm kiến tánh vì chỉ có thân giới thanh tịnh còn tâm giới có thanh tịnh không? Nói rõ hơn là nếu chúng ta chưa đoạn được ý niệm ‘Sát Đạo Dâm Vọng’ thì tâm giới chưa thanh tịnh.

Từ giữ giới trên thân mới giúp chúng ta giữ giới trên tâm. Tâm giới quan trọng hơn thân giới. Mình ghét một ai mà mong họ chết thì đó là ý niệm sát. Thân giới thanh tịnh thì có phước nhưng tâm giới thanh tịnh thì mới có công đức. Công đức mới giúp chúng ta vượt thoát sanh tử.

Cho nên Hòa Thượng nói: “Người tu hành các pháp mà không có tâm giới thì không thể khai ngộ. Chúng ta niệm Phật sẽ không đạt nhất tâm bất loạn, trì chú thì không đạt tam mật tương ưng. Cho nên giới luật là căn bản của việc tu hành.

Khi chúng ta tuân thủ giới luật, chúng ta không bị ràng buộc mà cảm thấy rất tự tại. Ví dụ khi cơ thể có cảnh báo như chân tay hơi nhức thì chúng ta phải chấp hành trật tự của cơ thể. Chúng ta sẽ giảm ăn thức ăn nhiều đạm. Nhờ đó mà chân tay không còn nhức nữa nên chúng ta được an vui. Cũng vậy khi chúng ta tuân thủ mọi trật tự của cuộc sống này thì chúng ta tự tại chứ không phải bị ràng buộc.

Nhờ đó giới luật là căn bản để chúng ta tu hành, sửa mình. Tu hành chính là tự thay đổi, tự làm mới mình. Nếu chúng ta học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền mà chúng ta không làm mới chính mình thì chúng ta không đạt được lợi ích gì. Người ta khổ đau, phiền não thế nào chúng ta cũng khổ đau phiền não y như người ta.

Đời sống không có giới luật, quy tắc quy điều, không có sự dừng lại như: Tham đến cứ để tham, sân đến cứ để sân không hề có sự hạn chế thì tu hành khó thành tựu. Người ta bị “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”, “Tham Sân Si Mạn” lôi cuốn còn mình không chạy theo, có sự phòng bị, không để bị cuốn, luôn kiểm soát những tập khí đó thì mình an vui tự tại.

Cho nên Hòa Thượng nói “Nhân giới sanh Định, nhân Định khai Trí Tuệ. Nếu không có căn bản của giới luật thì tu hành muốn có được thành tựu rất là khó. Chúng ta học Phật, chúng ta hiểu rõ được sanh tử là đáng sợ nên phát tâm liễu thoát sanh tử. Mà muốn thoát sanh tử thì phải nên chăm chỉ tuân thủ năm giới, mười thiện.

Năm giới gồm “không sát sanh; trộm cắp; tà dâm; vọng ngữ; uống rượu”. Mười thiện gồm “thân không sát đạo dâm, ý không tham sân si, khẩu không nói dối, nói lưỡi đôi chiều; nói lời thêu dệt, nói lời hung ác”. Năm giới, mười thiện giúp chúng ta đoạn nhân vào đường sanh tử. Phật khuyên dạy chúng ta giữ giới còn làm hay không là do chính mình.

Giống như trong một mảnh vườn, chúng ta đã nhổ hết cây gai, cây xấu hổ và các cây hại cây khác từ khi chúng còn bé nên khi làm vườn tay chúng ta không bị gai đâm và các cây xanh trong vườn đều vươn lên tươi tốt. Muốn thoát sanh tử thì phải cắt đứt từ nhân của nó, cho nên Hòa Thượng nói: “Nếu chân thật trì giới, tu thiện thì một ngày chỉ niệm 10 câu Phật hiệu cũng có thể được vãng sanh.”