91Thứ Ba, 14/05/2024, 14:59

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 14/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 126

Người triệt để giác ngộ và người có thiện căn sâu dày luôn sẵn sàng buông xả Kinh giáo, lão thật niệm phật nên thành tựu nhanh. Người có lòng tin thì chỉ cần một câu Phật hiệu là đủ. Tín tâm thanh tịnh sẽ giúp họ đạt lý nhất tâm và niệm Phật tam muội. Tam phước là căn bản của người học Phật, trong đó “hiếu thân tôn sư” là căn bản của căn bản. Luôn nâng cao phẩm đức, học vấn để đủ lực giáo hóa chúng sanh chính là “hiếu thân tôn sư”.

Hòa Thượng nói: “Có hai hạng người chân thật bằng lòng buông xả Kinh giáo, lão thật niệm Phật. Đó là người triệt để giác ngộ và người có thiện căn sâu dày. Cả hai hạng người này chỉ trong thời gian rất ngắn là có thể thành tựu. Nếu không phải hai hạng người này thì sẽ có hoài nghi. Nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát.

“Người chân thật tin tưởng Tịnh Độ, một câu Phật hiệu thì đã đủ rồi. Trên Kinh Kim Cang Phật nói ‘Tín tâm thanh tịnh tức sanh thật tướng’. Theo pháp môn Tịnh Độ thì ‘Tín tâm thanh tịnh đắc lý nhất tâm bất loạn, thành tựu niệm Phật tam muội”.

Cảnh giới này rất cao, chúng ta chỉ cần một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng thì tâm mình sẽ dần đến chỗ thanh tịnh, tất sanh thật tướng, dần dần đạt niệm Phật thành khối, rồi đạt sự nhất tâm bất loạn, lý nhất tâm bất loạn. Đường tuy còn xa nhưng cứ nỗ lực đi thì có ngày sẽ đến. Thực tế đã có người đi đến, đã thành tựu, nên chúng ta không có lý gì không đến, không thành tựu.

Hòa Thượng nhắc lại lời dạy trên Kinh Kim Cang: “Tín tâm thanh tịnh tức sanh thật tướng” nghĩa là thật tin, tâm không hoài nghi, không tạp niệm nào chỉ có một câu A Di Đà Phật thì chắc chắn sẽ tương ưng với Tịnh Độ, thật tướng của tâm mình, vốn thuần thiện thuần tịnh.

Hòa Thượng phân tích: “Phật pháp ở trên hình thức tu hành có xuất gia và tại gia nhưng trên thực chất thì lấy ‘Tam phước’ làm nền tảng căn bản. ‘Hiếu thân tôn sư’ là căn bản của căn bản”. Trong “Tam phước” có Phước thứ nhất là “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, Phụng sự Sư trưởng, Từ tâm bất sát, Tu Thập Thiện nghiệp”.

Chúng ta “Hiếu thân tôn sư” thì không chỉ hiếu kính đối với Thầy mình và Cha Mẹ mình mà là khởi tâm hiếu, tâm kính với tất cả chúng sanh, mở rộng tâm này đến tận hư không khắp pháp giới, bước vào sự hiếu kính của Bồ Tát Phổ Hiền. Đó mới chính là Đại thừa. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới của hiếu kính nên ai không hành hiếu kính thì không thể về Thế giới này.

Hòa Thượng phân tích: “Chúng ta chăm chỉ nỗ lực tu hành, bồi dưỡng phẩm đức, học vấn của chính mình để có đủ năng lực giáo hóa chúng sanh chính là hiếu thân tôn sư”. Cho nên nếu chúng ta không nỗ lực bồi dưỡng phẩm đức, sở học thì chúng ta đã bất hiếu. Đúng như câu nói: “Chúng ta chậm đi một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ”.

Phật Bồ Tát đến thế gian này tận tâm tận lực bằng mọi phương tiện khéo léo nhất giúp chúng ta giác ngộ. Một khi chúng ta đã tiếp nhận rồi mà không thay Phật Bồ Tát làm những việc các Ngài đã làm thì chúng ta cũng chưa làm tròn vai trò “hiếu thân tôn sư”.

Chúng ta hãy cùng nghe lại bài hát mà thầy Định Hoằng cùng một số pháp sư thể hiện, trong đó có ý nói rằng hãy lấy chí hướng của Thầy làm chí hướng của mình, lấy sứ mệnh hoằng truyền Phật pháp mà Phật Bồ Tát đã làm, trở thành sứ mệnh của mình, tiếp nối sứ mệnh đó lan tỏa Phật giáo, Thánh giáo đến mai sau.

Hòa Thượng nói: “Mục tiêu cao nhất của tu hành là thanh tịnh. Bên trong tâm địa là Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ bi còn biểu hiện bên ngoài là Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên.

Chúng ta tu hành là hồi phục lại thứ vốn có trong ta. Hồi phục thì dễ hơn xây mới. Trong Kinh Phật nói tự tánh của chúng sanh vốn dĩ “thuần tịnh thuần thiện”, là “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”. Chỉ cần chúng ta làm đúng nguyên lý nguyên tắc là có thể hồi phục được.

Bên ngoài thì nhìn thấu đáo mọi sự mọi việc để buông xả. Nhìn thấu điều gì? Đó là thấy như trên Kinh Kim Cang đã nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Cái gì có hình tướng đều là không thật, tất cả pháp hữu vi như bọt nước, như chớp lóe. Đã thấy như thế thì sẽ không còn chấp trước, dính mắc, nhờ đó đạt trạng thái buông xả.