41Thứ Hai, 13/05/2024, 18:27

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 13/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 125

Phát tâm Bồ Đề quan trọng nhất là phải biết việc lớn sinh tử, tin tưởng Cực Lạc mà xả bỏ luân hồi hiểm ác cầu sanh Tịnh Độ. Từ hai đến sáu thời niệm niệm đều là A Di Đà Phật, là Cực Lạc. Hòa Thượng dạy học Phật chính là học giác ngộ và mỗi người làm ra tấm gương như pháp chính là đang giáo hóa chúng sanh. Ngài chỉ dạy từ bi của thế gian là dùng cảm tình còn từ bi của Phật gắn liền với trí tuệ.

Hòa Thượng nói: “Từ bi của người thế gian phần nhiều là dùng cảm tình mà làm. Từ bi của Phật, Bồ Tát được xây dựng trên nền tảng của trí tuệ. Cho nên Từ bi mà không có Trí tuệ thì Từ bi ẩn chứa nhiều họa hại.

Người xưa nói: “Giao tình của người Quân tử nhạt như nước” trong khi giao tình của đa phần người thế gian rất nồng hậu, ấm áp, thiết tha nhưng trong đó mang nhiều “tư lợi, tư dục, tư tình”, “cảm tình dụng sự” chứ không phải là tâm chân thật. Lúc yêu thương thì thế mà lúc ghét thì họ muốn chúng ta biến khỏi thế gian này.

Từ bi của Phật dựa trên nền tảng của lý trí nên các Ngài thường tiêu dao tự tại. Từ bi của chúng sanh là “cảm tình dụng sự” thường dẫn đến phiền não khổ đau. Từ bi của chúng sanh nhiều họa hại.

Chúng ta hãy quán sát xem, chúng ta quan tâm đến người khác trên nền tảng từ bi và trí tuệ hay dùng “tư lợi, tư dục, tư tình”. Nếu chỉ “cảm tình dụng sự” thì đó là lý do chúng ta tu lâu năm mà vẫn không an vui. Ba ngày đi công tác vừa rồi, chúng tôi làm như lời Hòa Thượng dạy là dụng tâm thiện đãi đối với mọi người nên mọi việc tự nhiên tốt đẹp, rất nhiệm màu.

Hòa Thượng nói: “Mỗi người chúng ta đều có sứ mạng giáo hóa chúng sanh. Giáo hóa chúng sanh không nhất định phải giảng Kinh thuyết pháp. Pháp môn của Phật là vô lượng vô biên. Dẫn chúng tu hành hay giảng Kinh thuyết pháp có công đức như nhau.

Mỗi một người có thể làm được thân tâm thanh tịnh, khởi tâm động niệm đều như pháp thì chúng ta đã làm ra tấm gương giữa bao nhiêu người. Đây mới là chân thật giáo hóa chúng sanh.

Nếu chúng ta không giảng Kinh thuyết pháp mà chỉ làm việc chăm chỉ, làm ra tấm gương tốt trong vai trò, cương vị công tác của mình thì đã là giáo hóa chúng sanh. Nếu chỉ nói cho nhiều, giảng cho hay hoặc làm lãnh đạo dẫn dắt người khác nhưng bản thân không thật làm thì không làm ra tấm gương để giáo hóa ai.

Có câu chuyện về một cụ bà lớn tuổi, ốm o gầy mòn nhưng lúc nào cũng mong muốn độ chúng sanh. Bà không biết giảng Kinh thuyết pháp và không có cơ hội tiếp độ chúng sanh thế nhưng bà tinh tấn niệm Phật, tới lúc vãng sanh, bà để lại xương nhiều màu sắc.

Mọi người thấy vậy đều xin mẩu xương về để kỷ niệm, lấy tinh thần khích lệ tu học. Rất nhiều người lấy xương nhưng đống xương vẫn còn nguyên. Như vậy, bà đã thực hiện được mong nguyện độ chúng sanh của chính mình.

Cho nên độ chúng sanh không cứ phải giảng Kinh thuyết pháp. Hằng ngày khởi tâm động niệm, hành động tạo tác đúng như pháp, phù hợp với giáo huấn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền, đúng theo pháp luật thì đây chính là chân thật giáo hóa chúng sanh.

Hòa Thượng nói về tâm Bồ Đề: “Trong Tịnh Độ tông nói phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm. Trong tâm Bồ Đề, quan trọng nhất là phải biết việc lớn sinh tử, con đường luân hồi là vô cùng hiểm ác, chân thật tin tưởng Thế Giới Tây Phương Cực Lạc mà xả bỏ luân hồi cầu sanh Tịnh Độ. Đây là tâm Bồ Đề vô thượng.

Hòa Thượng muốn nói tâm Bồ Đề ở ngay nội tâm chúng ta. Ngài đang nói về việc cầu vãng sanh tức là đang giải thích ý “Trên cầu Phật đạo”. Ở bài giảng khác Ngài lại nói rõ về “Dưới hóa độ chúng sanh”.

Ý Hòa Thượng muốn nói là khi chúng ta phát tâm Bồ Đề thì chúng ta phải thấy được sinh tử là việc lớn, thấy được vòng luân hồi rất đáng sợ. Một đồ vật bị rơi vào dòng thác thì không thể nào tìm thấy, cũng vậy, một khi rơi vào vòng luân hồi thì biết đến bao giờ mới thoát ra được.

Hòa Thượng sách tấn chúng ta chân thật tin vào Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Một khi đã tin thì phải xả ly luân hồi. Muốn thực sự xả ly thì phải không tạo nghiệp luân hồi. Nghiệp luân hồi chính là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần, tham sân si mạn”.