36Chủ Nhật, 12/05/2024, 21:07

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 12/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 124

Người học Phật thường phải giữ tâm cảnh giác cao độ vì mỗi ngày qua đi, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, chẳng có gì vui. Người giác ngộ phải có tầm nhìn xa, thấy phước báu và sự an vui trước mắt không phải là thật. Người học Phật xem việc tu hành của chính mình là để giúp đỡ người khác giác ngộ, sanh khởi tín tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.

Hòa Thượng nói: “Tự hành, hóa tha không hề có chướng ngại. Hóa tha là tận tâm tận lực giúp đỡ người khác giác ngộ, nhìn thấu, buông xả, sanh khởi tín tâm đối với Tịnh Độ, chân thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ còn chính mình tu hành là vì để giúp đỡ người khác.

Mỗi chúng ta học Phật đều mang trong mình một sứ mạng. Mọi khởi tâm động niệm, hành động tạo tác của chúng ta đều có sứ mạng làm ra tấm gương cho chúng sanh bao gồm cả loài người và vô lượng vô biên các chúng ở các tầng không gian từ thấp đến cao nhìn vào.

Các chúng trong cõi tâm linh cấp thấp như yêu ma quỷ quái đều đọc rõ tâm niệm của chúng ta, huống chi Thánh chúng ở cõi Tây Phương Cực Lạc đều là Bồ Tát bất thối và Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền là các Đại Bồ Tát thì càng hiểu tường tận về chúng ta hơn. Cao hơn nữa là Phật A Di Đà hiểu rõ chúng ta có đủ tư cách vãng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc hay không!

Cho nên chúng ta làm ra tấm gương tốt để giúp người khác giác ngộ, nhìn thấu, buông xả, khởi tín tâm chân thật với Tịnh Độ, với Phật pháp thì cũng chính là giúp đỡ chúng ta tu hành. Tụng Kinh, bái sám, nấu ăn, đi lại, tiếp xúc mọi người đều là tấm gương mô phạm nên chúng ta không dám buông lung, chểnh mảng mà luôn thúc liễm thân tâm.

Tinh thần của người học Phật pháp Đại Thừa là luôn “vì người mà lo nghĩ” chứ không phải vì mình mà lo nghĩ. Điểm này có nhiều người thờ ơ. Họ nghĩ rằng tu hành là chỉ giúp chính mình. Nếu hiểu rõ việc này thì chúng ta niệm Phật mới có lực. Hòa Thượng cũng dạy chúng ta về tông chỉ, mục tiêu của người tu Tịnh Độ đều ở trên đề Kinh Vô Lượng Thọ.

Mục tiêu là “Đại Thừa, Vô Lượng Thọ, Trang Nghiêm” còn tông chỉ hằng ngày là “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”. Hằng ngày làm sao chúng ta đạt được tông chỉ, mục tiêu này, chỉ cần chúng ta “Giác mà không Mê” là quy y Phật, “Chánh mà không Tà” là quy y pháp, “Tịnh mà không Nhiễm” là quy y Tăng.

Phật Bồ Tát nói thì chúng ta tin còn yêu ma quỷ quái nói thì chúng ta không tin. Có người bản thân trải qua sáu đời chồng nhưng lại nói mình là Quan Âm Bồ Tát nhập thân thì chúng ta không tin vì đó là yêu ma. Phật Bồ Tát không cần thiết phải dựa vào thân nhơ uế, đầy tội lỗi và tham cầu dục vọng của chúng sanh, các Ngài chỉ cần thị hiện một thân tướng tu hành nghiêm túc là đã độ được chúng sanh.

Người tu hành không có mục tiêu, phương hướng, cương lĩnh rõ ràng thì mới bị Ma lừa, Ma dựa, Ma phá. Cũng vậy, chúng ta không ngày đêm đèn sách học tập mà mong mình có năng lực rồi một ngày tự nhiên mình có năng lực đó thì đây chính là năng lực của Ma. Tất cả đều có Nhân-Quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

Hòa Thượng lại nhắc nhở chúng ta: “Qua năm mới, người người hân hoan chúc tụng nhau thế nhưng người giác ngộ thì cảm thấy lo lắng hơn vì thời gian chết đã đến gần. Đúng như Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Ngày nay đã qua. Mạng sống giảm dần. Như cá cạn nước. Có gì là vui”. Đây là cái nhìn, cái thấy của người giác ngộ.

Từng ngày, từng tháng, từng năm qua đi, chúng ta tiến gần hơn đến cái chết nên chẳng có gì vui. Người giác ngộ luôn cảnh giác về tuổi thọ đang giảm dần. Năm mới đến không phải được sống thêm một tuổi mà là bớt đi một tuổi. Người không tu thì đón năm mới rất hân hoan vui mừng, chúc tụng nhau.

Tuổi thọ giảm dần đồng nghĩa với việc chúng ta phải thúc liễm thân tâm, xả ly sự vướng bận hay ân tình ở thế gian. Chúng ta xả trên tâm chứ không xả trên tướng nghĩa là phải: “Dốc hết trách nhiệm trong vai trò của mình nhưng giữ tâm chân thành không cho vọng niệm, chỉ một lòng nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ” như Ấn Tổ đã dạy.

Nếu chúng ta không giữ tâm mà cứ chìm trong “danh vọng lợi dưỡng”, “được mất hơn thua” thì tâm chúng ta không thanh tịnh, đề khởi câu Phật hiệu không thanh tịnh. Để không vướng vào tâm “được mất”. Chúng ta nên tư duy là “được” là do chúng sanh có phước mà “mất” thì chẳng sao cả. Tâm tịnh mới tương ưng cõi tịnh.