Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 11/05/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 123
Hòa Thượng nói: “Khổng Lão Phu Tử nói “Tam thập nhi lập”. Nghĩa là chúng ta phải lập định chí hướng cho mình. Chúng ta không có chí hướng thì chúng ta trở thành người say sống mộng chết”. Chúng ta phải tự mình tu tập, tích công bồi đức, có cương lĩnh tu hành rõ ràng. Người không lập định chí hướng mà chỉ nương nhờ, ỷ lại thì không thể thành công. Chúng ta học Phật, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ giáo huấn của Phật, y giáo phụng hành.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ đây là chúng ta lập ra chí nguyện cao cả. Ngoài việc niệm Phật, vãng sanh thế giới Tây Phương thì không có việc gì là quan trọng”. Hằng ngày, trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta đã làm được như Bồ Tát chưa? Chúng ta không thể đợi đến một ngày chúng ta sẽ tự nhiên trở thành Bồ Tát. Ngay đời này, mọi hành động, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta phải giống như Bồ Tát.
Hòa Thượng nói: “Nhân đạo mà không có đạo lý thì đã trở thành ác đạo”. Hòa Thượng từng nhắc: “Chúng ta phải mau thúc đẩy văn hoá truyền thống, đem chuẩn mực Thánh Hiền truyền dạy cho người, vài chục năm sau, nói người khác cũng không nghe!”. Mỗi lần tôi đi ra ngoài, tôi tiếp xúc với nhân tình thế thái, tôi lại thấy người ngày nay, càng ngày càng xa rời chuẩn mực Thánh Hiền. Chúng ta phải nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy giáo dục Thánh Hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát.
Tôi đang ngồi tại một khoảng sân vườn của một ngôi nhà khang trang nhưng tôi thích về cái “chòi tranh” của mình hơn, vì có nhân duyên để làm lợi ích cho người nên tôi phải đi đến đây. Khi duyên đến, chúng ta phải nhìn thấu duyên này có phù hợp với đạo lý không. Chúng ta chỉ nên thường đến nơi có duyên giúp chúng ta tăng tấn đạo tâm, thêm lớn đạo nghiệp. Nơi nào làm chúng ta tăng thêm “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng ta nên tránh xa.
Hòa Thượng nói: “Tâm của Phật là thanh tịnh, bình đẳng. Tâm của Bồ Tát là tu lục độ, tâm của Thanh Văn là tu Tứ Đế. Tâm của Duyên Giác là tu 12 nhân duyên. Tâm của cõi trời tu Mười Thiện và bốn tâm vô lượng là tâm từ, bi, hỷ, xả. Tâm của cõi người là tu Mười Thiện và Năm Giới thanh tịnh. Tâm của A-tu-la là tu hạ phẩm Mười Thiện, thế nhưng tâm sân hận, đố kỵ của chúng sanh trong cõi Atula vẫn rất nặng. Tâm chủ yếu của chúng sanh cõi Ngạ quỷ là tâm tham. Tâm của chúng sanh cõi Súc sanh là ngu si. Nhân tố quan trọng nhất khiến chúng ta đọa Địa ngục là tâm sân hận. Chúng sanh trong mười pháp giới đều có nhân duyên, chúng ta tỉ mỉ phản tỉnh thì chúng ta sẽ biết chúng ta thuộc về cõi nào”. Tu Mười thiện cũng có bậc hạ, bậc trung và bậc thượng. Hằng ngày chúng ta đang phản tỉnh hay chúng ta mơ mơ, hồ hồ? Chúng ta thường không biết mình đang ở cõi nào, tâm trạng của mình như thế nào. Chúng ta không muốn ở ác đạo thì chúng ta đừng tạo nghiệp của ác đạo. Chúng ta muốn ra khỏi luân hồi thì chúng ta đừng tạo nghiệp nhân của sáu cõi. Hòa Thượng nói: “Phương pháp tốt nhất là chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”.
Hòa Thượng nói: “Mục tiêu, tông chỉ tu học của Tịnh Tông đều nằm trên Đề Kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Mục tiêu là Đại Thừa Vô Lượng Thọ trang nghiêm, tôn chỉ là thanh tịnh, bình đẳng giác. Vô lượng là tính đức viên mãn. Trong tất cả cái vô lượng lấy thọ mạng làm đại biểu. Thọ mạng là đại biểu cho tài năng, trí tuệ, đức hạnh, tướng hảo quang minh...chúng ta chỉ cần y theo tịnh mà không nhiễm, chánh mà không tà, giác mà không mê”. Trong tất cả vô lượng phước báu, vô lượng năng lực, vô lượng trí tuệ, vô lượng phước thọ thì phước thọ vô lượng là vô cùng cần thiết, nếu tuổi thọ ngắn ngủi thì chúng ta không thể thành tựu. Hòa Thượng Hải Hiền có thành tựu lớn lao vì Ngài có đến 92 năm niệm Phật. Hòa Thượng có quá trình 70 năm tu hành, hoằng pháp lợi sanh. Nếu chúng ta không có 50 năm trở lên thì chúng ta rất khó có thành tựu. Hòa Thượng nhắc chúng ta, mục tiêu chính là Đại Thừa vô lượng thọ trang nghiêm, tông chỉ chính là thanh tịnh, bình đẳng, giác. Tất cả những lời dạy của Hòa Thượng chính là giác, chánh, tịnh. Chúng ta “y giáo phụng hành”, nghe lời dạy và làm theo. Chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải làm giống, phải thật làm.
Từ vô lượng kiếp chúng ta đã tạo ra rất nhiều nghiệp, đời này nếu duyên chín muồi thì nghiệp lực sẽ dẫn dụ, lôi kéo chúng ta. Hòa Thượng thường nói: “Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn”. Các Ngài là Phật Bồ Tát mà các Ngài vẫn không ngừng tinh tấn. Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng, nếu chúng ta không tinh tấn thì cho dù đời này chúng ta không tạo nghiệp lớn thì những tập khí, nghiệp lực từ vô lượng kiếp cũng sẽ dẫn dắt chúng ta.
Ngày trước, Hòa Thượng Tịnh Thuận dạy chúng tôi, một con Giao Long khi vào chỗ nước cạn thì con tôm nhỏ cũng xem thường, con cọp là mãnh hổ nhưng khi con cọp xuống đồng bằng thì cọp cũng bị những con chó khinh thường. Các Thầy cũng thường nhắc: “Tăng ly chúng tăng tà, hổ ly sơn hổ bại”. Nghĩa là trong sự tu hành chúng ta phải nương vào đại chúng để mọi người phát hiện sai lầm của chúng ta. Chúng ta ở một mình, làm một mình, khi chúng ta làm sai thì chúng ta không có cơ hội để sửa. Chúng ta phải nương vào chúng, dựa vào chúng để tấn tu đạo. Chúng ta có rất nhiều tập khí, phiền não, chúng ta chưa đủ sức để tự mình tu. Chúng ta tự tu thì nếu chúng ta có sai lầm sẽ không ai giúp chúng ta.
Hằng ngày, khi chúng ta học tập, chúng ta nên mở camera để mọi người nhìn thấy biểu thái của chúng ta. Mọi người nhìn biểu thái, nghe âm thanh tôi nói thì sẽ biết tôi khỏe hay không. Chúng ta nghe âm thanh, nhìn biểu thái của một người thì chúng ta có thể biết họ có sự kiên định hay không. Hằng ngày, nếu chúng ta tách rời đại chúng thì chúng ta tưởng mình đang tu tốt nhưng chúng ta rất dễ tu theo tà ma, ngoại đạo, tu theo danh lợi. Trước khi vãng sanh, Hòa Thượng Tịnh Thuận nhắc: “Đừng tu quanh tu quẹo, đừng tu danh tu lợi, đừng tu dục tu tình, đừng tu gian tu dối”.
Hòa Thượng nói: “Trang nghiêm là bên ngoài thân tướng đầy đủ chân thiện mỹ huệ. Cho nên chỉ cần tịnh mà không nhiễm, chánh mà không tà, giác mà không mê, y theo tông chỉ này mà nỗ lực tu hành thì mục tiêu ở phía trước nhất định sẽ đạt được. Phương pháp tu hành chính là niệm Phật. Chúng ta có thể quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, trì danh niệm Phật”. Diện mạo bên ngoài là biểu hiện nội tâm của chúng ta. Hôm nào chúng ta cảm thấy phiền não hay một đêm chúng ta không ngủ thì mọi người nhìn mặt chúng ta sẽ nhận ra. “Quán tưởng” là chúng ta nhớ đến Phật niệm Phật. “Quán tượng” là chúng ta nhìn tượng Phật niệm Phật. “Trì danh niệm Phật” là chúng ta nhớ đến danh hiệu Phật mà niệm Phật. Hòa Thượng từng nói, chúng ta trì danh niệm Phật, niệm niệm nối nhau là được. Chúng ta quán tưởng tướng hảo của Phật để niệm Phật thì sẽ rất khó.
Hòa Thượng nói: “Điều quan trọng là chúng ta không làm trái với tông chỉ tu học, nếu chúng ta niệm Phật rất chăm chỉ nhưng trong tâm chúng ta vẫn là mê, vẫn là tà, vẫn là nhiễm thì chúng ta niệm Phật nhất định không có thành tựu”. Có những người niệm Phật nhưng vẫn chìm đắm trong ảo danh ảo vọng. Thí dụ, chúng ta ở cùng mọi người thì chúng ta có thể niệm Phật năm sáu tiếng nhưng khi chúng ta ở một mình thì chúng ta niệm Phật khoảng một giờ đã cảm thấy rất mệt. Đây là chúng ta vẫn đang mê, tà, nhiễm. Tâm của Phật là thanh tịnh, bình đẳng, Tâm của Bồ Tát thì tu lục độ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Thanh văn thì tu tứ đế, quán thân vô thường. Duyên giác thì tu mười hai nhân duyên. Chúng ta tu pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta chỉ cần giữ chặt câu Phật hiệu, chúng ta không cần quán.
Người xưa thường kể câu chuyện, có hai Thầy trò cùng tu trong một ngôi chùa ở trên núi, một hôm có một đoàn khách đến thăm chùa, người học trò nhìn thấy một cô gái rất dễ thương, sau đó, người học trò đó nói với Thầy. Người Thầy nói với học trò: “Con ơi! Đó là cọp đó”. Người học trò quán không ra người con gái đó là cọp mà càng quán thì càng thấy người con gái đó dễ thương. Chúng ta muốn quán tâm vô thường, pháp vô thường nhưng chúng ta thấy tất cả đều như thật.
Hòa Thượng nói: “Hằng ngày, chúng ta chỉ cần tỉ mỉ phản tỉnh thì chúng ta biết rõ là chúng ta đang ở cõi nào trong mười pháp giới”. Chúng ta sân hận thì chúng ta ở Địa ngục. Chúng ta khởi tham lam thì chúng ta ở cõi Ngạ quỷ. Chúng ta làm mọi việc một cách mơ mơ, hồ hồ, y theo vọng tưởng của chính mình, chúng ta không y theo giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền thì chúng ta sẽ rơi vào cõi Súc sinh. Chúng ta minh bạch, tường tận câu “A Di Đà Phật”, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn thì chúng ta chắc chắn sẽ vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta quán sát thì sẽ biết rõ tâm cảnh của chúng ta. Có người hỏi Hòa Thượng là họ có thể vãng sanh không. Hòa Thượng nói: “Việc này không cần hỏi ai mà chỉ cần hỏi chính mình. Chính mình sẽ biết rõ là mình có thể vãng sanh không!”.
Hòa Thượng nói: “Trong tu hành chúng ta phải cải tiến, thay đổi”. “Cải tiến” chính là thay đổi tự làm mới. Chúng ta phải cải sửa tập khí, tâm bệnh của chính mình thì chúng ta mới có thể tiến bộ. Nếu chúng ta không thể thay đổi tập khí, không thể tự mình làm mới thì chúng ta không thể có thành tựu. Người thế gian thường thay đổi hoàn cảnh sống, thay đổi kiểu tóc, quần áo nhưng không thay đổi tập khí xấu ác của chính mình. Nhiều người tưởng rằng họ đang tu hành rất tốt nhưng tập khí, cố tật của họ vẫn còn nguyên.
Tôi đang ngồi nói ở một nơi mà khung cảnh thiên nhiên rất đẹp nhưng nơi này không có từ trường tốt cho việc tu hành. Ban đầu, tôi khởi ý niệm là hôm nay sẽ không niệm Phật vì hoàn cảnh xung quanh không tốt, khi tôi khởi ý niệm này thì tập khí lười biếng trong tôi liền ủng hộ. Sau đó, khi tôi đang lạy Phật thì tập khí lười biếng trong tôi nói chỉ cần lạy 100 lạy, 200 lạy là được nhưng tôi nói với chính mình là tôi phải lạy đủ. Tôi còn dạy thêm vài lạy vì tập khí lười biếng đã cản trở tôi niệm Phật.
Tu hành không phải là việc gì lớn lao mà là chính là chúng ta thay đổi thói quen của mình. Trước đây, chúng ta chểnh mảng trong mọi sự mọi việc thì bây giờ chúng ta chăm chỉ, nỗ lực. Có người nói rằng, họ chỉ tinh tấn niệm Phật hay có người nói họ chỉ chăm chỉ khi làm việc. Chúng ta phải tạo thói quen là không chểnh mảng trong tất cả mọi việc. Nếu chúng ta không thay đổi tập khí của phàm phu thì chúng ta không bao giờ có cơ hội trở thành Thánh Hiền, trở thành Phật Bồ Tát. Hòa Thượng nói: “Tu hành chỉ là thay đổi thói quen mà thôi”. Chúng ta niệm danh lợi, thương ghét quá nhiều nên chúng đã trở thành quen. Chúng ta không quen niệm Phật. Chúng ta phải đem cái lạ thành cái quen, đem cái quen thành cái lạ. Chúng ta đã quen với tham lam thì chúng ta dùng bố thí để đối trị. Chúng ta dùng chuyên cần, tinh tấn để đối trị lười biếng, chểnh mảng. Mỗi chúng ta đều có thể làm được điều này!
****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!