29Thứ Bảy, 11/05/2024, 08:29

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 10/05/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 122

Trong bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta: “Tiêu chuẩn của vãng sanh mà Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta trong “Niệm Phật Viên Thông Chương” là: “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau”. Nghĩa là chúng ta chuyên tưởng, chuyện niệm A Di Đà Phật, chuyên tưởng, chuyên niệm đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, không xen tạp, không gián đoạn”. Hòa Thượng nhắc chúng ta chỉ chuyên nghĩ, chuyên niệm đến A Di Đà Phật và thế giới Tây Phương Cực Lạc. Hằng ngày, tâm chúng ta không những xen tạp mà còn đứt đoạn việc nghĩ Phật, niệm Phật. Có những ngày, từ sáng đến chiều, tôi không nhớ đến việc niệm câu Phật hiệu. Hiện tại, hằng ngày tôi viết câu Phật hiệu bằng chữ Hán, việc này vừa giúp tôi rèn luyện chữ, vừa giúp tôi nhắc mình niệm Phật. Hòa Thượng dạy: “Chúng ta phải dũng mãnh, tinh tấn một cách đặc biệt”. Chúng ta dũng mãnh, tinh tấn một cách đặc biệt thì chúng ta mới có thể vượt qua tập khí, phiền não của chính mình.

Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Chúng ta dốc hết trách nhiệm trong vai trò, trách nhiệm của mình, khi có thời gian thì chúng ta giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Hằng ngày, chúng ta phải dụng tâm chân thành, tận tâm, tận lực hoàn thành vai trò, bổn phận của mình. Những việc trong bổn phận, trách nhiệm của chúng ta không có nhiều, chúng ta không mất nhiều thời gian, sức lực để làm.

Hiện tại, chúng ta thường dùng phần lớn thời gian để vọng tưởng, tâm chúng ta luôn vọng tưởng về quá khứ và tương lai nên chúng ta cảm thấy mệt mỏi. Tổ Sư Đại Đức đã nói: “70% năng lượng của chúng ta tiêu hao bởi vọng tưởng”.

Sáng nay, sau khi thức dậy, tôi lạy Phật gần 300 lạy, trước và sau khi lạy Phật tôi đều viết một câu “A Di Đà Phật”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải đem câu “A Di Đà Phật” biến thành chủng tử của mình. Chúng ta khởi tâm động niệm đều phải nghĩ đến Phật. Nếu chúng ta không đem câu “A Di Đà Phật” biến thành chủng tử thì khi lâm chung, chúng ta sẽ rất khó đề khởi được câu “A Di Đà Phật”. Trong ngày, chúng ta phải dùng cách nào đó để chúng ta nhớ niệm câu “A Di Đà Phật”. Xung quanh nơi tôi ở có đặt rất nhiều máy niệm Phật nhưng tôi vẫn không nhớ để niệm câu Phật hiệu, tôi chọn cách là viết chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” để tự nhắc mình niệm Phật. Hiện tại, tôi viết chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trên khổ giấy rộng 50 cm, không giới hạn độ dài chữ, việc viết chữ lớn giúp tôi lưu lại ấn tượng.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thường lưu lại ấn tượng rất sâu sắc đối với những việc không cần thiết. Chúng ta phải tìm cách gieo vào trong tiềm thức, lưu lại ấn tượng về câu “A Di Đà Phật” để chúng ta luôn nhớ niệm Phật. Tôi có quen một người làm nghề DJ, điều khiển nhạc, họ không cần đeo tai nghe nhưng trong tai vẫn luôn nghe thấy tiếng nhạc. Hằng ngày, họ đều nghe nhạc nên tiếng nhạc tích chứa, lưu lại ấn tượng trong tâm họ. Đối với câu Phật hiệu cũng như vậy, chúng ta lưu lại ấn tượng một cách sâu sắc với câu Phật hiệu thì chúng ta sẽ luôn nhớ niệm Phật. Hằng ngày, chúng ta lưu lại rất nhiều ấn tượng đối với những việc thế gian. Thí dụ, chúng ta tình cờ gặp lại người đã từng phụ tình chúng ta hay một người mà chúng ta ghét thì những hình ảnh trong quá khứ hiện về một cách rõ ràng. Chúng ta phải tìm cách để mình có ấn tượng sâu sắc đối với câu Phật hiệu, đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc, đối với giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Hòa Thượng thường nhắc: “Nói một cách đơn giản là chúng ta phải lặp đi lặp lại nhiều lần câu Phật hiệu”. Chúng ta lặp lại câu Phật hiệu nhiều lần trong nhiều thời điểm, hoàn cảnh khác nhau thì chúng ta nhất định sẽ có ấn tượng sâu sắc. Khi tôi còn nhỏ, tôi may mắn được các Thầy dạy chữ Hán, sau đó tôi tự học và dịch đĩa của Hòa Thượng và sách Thánh Hiền. Nhờ được học tập nên tôi có sự nhận biết sâu sắc hơn với những lời Phật dạy.

Từ khi tay tôi bị thương tổn nghiêm trọng, tôi không thể sử dụng máy tính, không thể ngồi dịch, hiện tại, tôi viết chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” bằng chữ Hán, để rèn luyện sức định, lưu lại ấn tượng đối với câu Phật hiệu và tặng chữ cho mọi người, nhắc nhở, khuyến khích mọi người cùng viết câu Phật hiệu. Hôm qua, có người xin tôi 100 chữ để họ đóng vào khung và mang tặng mọi người. Chúng ta chỉ tặng chữ này cho người có một chút hiểu biết, họ sẽ cảm nhận được nét chữ có hồn, có sức định, có sự mạnh mẽ. Nếu người không có hiểu biết thì họ sẽ tưởng là tôi viết bùa. Tùy theo sở thích của chúng ta, chúng ta sẽ chọn cách phù hợp để lưu lại ấn tượng một cách sâu sắc với câu Phật hiệu.