129Thứ Hai, 22/01/2024, 19:27
12 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 12

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 21/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 12 

Nếu chúng ta làm tròn bổn phận trong mỗi vai trò của mình lại biết tự khắc chế tập khí phiền não thì chính là đang làm tăng trưởng “Giới Định Tuệ” của chính mình. Tự thân có sự tu dưỡng như vậy là có “Tự lực” thì khi “Tha lực” của Phật Bồ Tát đến, mới có cơ duyên khai ngộ.

Trong tâm cảnh của người hiện đại, nếu không từ mọi nơi chốn, mọi hoàn cảnh để tu hành mà lại chọn một nơi tịnh tĩnh xa lánh thực tại, buông xuống mọi vai trò bổn phận thì rất khó thành tựu. Vì sao vậy? Vì con người ngày ngày tâm loạn động, bao chao, giải đãi nên nếu vào cảnh tĩnh thì rất khó tu.

Khi ở trong cảnh tĩnh mà tâm động, vậy thì hãy ở trong cảnh động mà làm các việc tích công bồi đức, lợi ích chúng sanh. Làm được như vậy sẽ không có thời gian rảnh rỗi để vọng tưởng hay tạo điều bất thiện. Người xưa dạy: “Nhàn cư vi bất thiện” - trên tướng thì nhàn rỗi còn trong nội tâm vẫn là phân biệt, vọng tưởng, chấp trước.

Ngày nay nhiều người mang danh học Phật nhưng không phải chân thật tìm đến người chân tu toàn tâm toàn ý vì Phật pháp, vì chúng sanh mà chỉ là tìm nơi danh cao tiếng tốt. Họ tìm một nơi an thân, nơi ăn uống nghỉ ngơi, đỡ tiêu tốn chi phí chứ không phải là đến chốn tu hành đạo nghiệp. Người học Phật mà có tâm thái như vậy thì họ không thu được kết quả. Bản thân họ vẫn là tâm tham, vẫn là tâm tư lợi.

Nguyên nhân là do không ai phân tích, giảng giải cho họ biết. Ngay đến khái niệm “Bố thí”, họ chỉ nghĩ đơn giản là mang vật phẩm đến cúng chùa, cúng Phật. Họ không biết rằng xả bỏ được tham ăn tham ngủ, tập khí phiền não của chính mình là bố thí hay một chút rau, trái ớt, trái bầu chia sẻ với hàng xóm cũng là bố thí. Cho nên Hòa Thượng nói mọi nơi mọi chốn đều là nơi chúng ta tinh tấn “Giới Định Tuệ”.

Sáng nay có người nhắn tin cho chúng tôi nói rằng xin phép được nghe pháp nhưng không mở hình vì phải xử lý vườn rau. Vườn rau được trồng để “vì chúng sanh phục vụ” cho nên vừa xử lý vườn rau vừa nghe cũng không sao bởi tâm “vì lợi ích chúng sanh” sẽ giúp mình thêm lớn đạo tâm. Nếu chỉ nghĩ cho mình thì đạo tâm bị thối rễ, tuy gốc cành lá vẫn còn nguyên.

Bản thân chúng tôi “lo nghĩ cho chúng sanh” bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Đó là tiết kiệm không tiêu sài lãng phí cho bản thân; là tu phước, tích phước và tiết phước. Đồng tiền bị lãng phí chính là tiền của Cha Mẹ, Thầy Cô và của người thành toàn cho mình. Chúng tôi luôn chọn vé hàng không giá rẻ để đi các nơi. Gần đây nhất là bữa tiệc tất niên cũng được tổ chức tiết kiệm. Mỗi trường và một số cá nhân phụ trách một số món ăn. Rau và đậu phụ trong bữa tiệc là mình tự làm. Trong khi bên mình đang tổ chức tiệc thì bên kia người ta đốt pháo bông. Thế là lên hình thêm hoành tráng hơn vì có cả pháo bông. Một sự trùng hợp như thể mình nhận được sự ủng hộ vô hình nào đó.

Giới Định Tuệ” tăng trưởng ngay khi chúng ta làm việc tốt một cách âm thầm. Đó thuộc về âm đức. Nếu nhiều người tán tụng mà sanh tâm ưa thích thì đã hưởng hết phước báu tạo ra từ việc tốt đó và mất đi tâm thanh tịnh.

Chúng ta phải giác ngộ rằng trong mọi cương vị công tác của mình, mỗi vai trò trong cuộc sống đều sẽ làm thêm lớn “Giới Định Tuệ” của mình, vậy thì không có nơi nào mình từ chối hay chọn lấy vì làm như vậy là đã rơi vào phân biệt chấp trước. Vậy thì tâm mình có chân thành không?

Hòa Thượng nói: “Tâm chân thành chính là đạo tâm”. Chúng ta dụng tâm chân thành khi đối đãi mọi sự mọi việc, trong khởi tâm động niệm và khi hành động tạo tác. Hôm qua cô giáo chuyên về nghệ thuật nói rằng người của Hệ thống diễn kịch càng lúc càng hay. Vì sao lại hay? Đơn giản vì dụng tâm chân thành nên các cô giáo diễn xuất toàn tâm toàn ý, hy sinh phụng hiến, chí công vô tư.

Hòa Thượng khai thị: “Việc trước nhất, chúng ta phải chuyển đổi được chính mình. Phải khắc chế được tập khí phiền não của chính mình!” Chúng ta chưa làm đến mức tuyệt đối như Phật Bồ Tát nhưng chúng ta có thể không để tập khí dấy khởi. Ví dụ khi tâm ảo danh ảo vọng hay tâm tham nổi lên thì mình nhận diện rõ và không để nó dẫn đạo.