Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 20/01/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 11
Hòa Thượng nói: “Con người ở thế gian phải học dưỡng, phải biết làm mọi việc”. “Học” là học tập. Chúng ta phải học tập để chúng ta có thể làm được mọi việc. “Dưỡng” là tu dưỡng, chúng ta phải biết dùng phương thức thỏa đáng, thích hợp, khéo léo nhất để đối nhân xử thế, tiếp vật. Chúng ta phải luôn tìm cầu học tập, làm mọi sự, mọi việc trên nền tảng tâm chân thành, tâm cung kính.
Hòa Thượng cũng từng nhắc chúng ta: “Chúng ta nói chúng ta độ chúng sanh nhưng cơm chúng ta còn không biết nấu!”. “Biết nấu” nghĩa là chúng ta có thể nấu món ăn bằng những nguyên liệu sẵn có. Hôm trước, tôi nấu một bữa ăn mời mọi người, ai cũng khen ngon nhưng không ai đoán được tôi nấu bằng nguyên liệu gì. Tôi đã bỏ lớp gai của trái sầu riêng, ướp, rán và cho vào nồi kho.
Hằng ngày, chúng ta hoang phí thời gian là chúng ta đã có “tội” vì chúng ta đã quên đi sự kỳ vọng của Cha Mẹ, Thầy Cô, Phật Bồ Tát và những chúng sanh đau khổ. Hòa Thượng nói: “Chúng ta chậm một ngày thành tựu thì chúng sanh thêm một ngày đau khổ!”. Những lời nhắc nhở của Hòa Thượng đều rất khẩn thiết, điều quan trọng là chúng ta có thể phản tỉnh đến mức độ nào! Chúng ta học Phật là học giác ngộ, giác ngộ chính là phản tỉnh.
Tổ Ấn Quang dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận”. Dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Chúng ta làm tốt vai trò làm chồng, làm vợ, nhưng chúng ta không chìm đắm trong vai trò, bổn phận cá nhân mà chúng ta phải mở tâm nghĩ đến chúng sanh. Chúng ta vẫn lập gia đình, chúng ta không cần cạo đầu, mặc áo cà sa để có thể toàn tâm toàn ý vì chúng sanh.
Khi chúng ta làm việc, chúng ta làm dư thừa hay làm thiếu thì việc làm của chúng ta cũng sẽ mất tác dụng do vậy chúng ta cần phải “học dưỡng” suốt cuộc đời. Người xưa nói: “Sống đến già, học đến già”. Người thế gian học để nâng cao tri thức, để có được danh vọng, địa vị, chúng ta học để hoàn thiện chính mình để chúng ta phục vụ chúng sanh được tốt hơn. Chúng ta không biết nấu cơm, không biết lái xe, không biết giặt ủi quần áo, chúng ta để người khác lo lắng cho mình thì chúng ta không thể phục vụ được mọi người. Nếu chúng ta có sức phản tỉnh thì những lời dạy tha thiết của Hòa Thượng sẽ giúp chúng ta hoàn thiện. Chúng ta càng “học dưỡng” thì chúng ta sẽ càng hoàn thiện nhân cách, càng phục vụ chúng sanh được tốt hơn. Đây chính là chúng ta: “Tự tha lưỡng lợi”. Tự lợi và lợi tha đều đạt đến viên mãn.
Chúng ta lười biếng, chểnh mảng thì chúng ta thấy việc gì cũng khó. Hôm qua, tôi làm nhiều việc nên hôm nay, vai của tôi vẫn mỏi; buổi sáng, tôi gói hơn 30kg gạo nếp; buổi chiều tôi làm đậu và cắt dọn bốn giàn rau; buổi tối, 7 giờ 15 phút tôi mới ăn tối, 7 giờ 30 tôi phải lên lớp dạy chữ Hán. Chúng ta không học tập, không có năng lực thì chúng ta sẽ không biết mình cần phải làm gì. Tôi đã ở Sơn Tây gần một tháng nhưng tôi làm vẫn chưa hết việc. Chúng ta làm nhiều việc nhưng chúng ta làm với tâm vụ lợi, hư danh, ảo vọng thì chúng ta sẽ “tự tha bất lợi”. Ta và người đều bất lợi.
Hòa Thượng nói: “Mỗi hình thái công việc đều giúp chúng ta thành tựu Giới - Định - Tuệ. Giới - Định - Tuệ biểu hiện ngay trong cuộc sống hằng ngày với vô số những hình thái khác nhau. Việc Ngài Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham vấn các vị thiện tri thức chính là ví dụ tốt nhất cho chúng ta. Có những lúc chúng ta nhìn thấy họ đang phá giới nhưng trên thực tế không phải như vậy mà trái lại những tác pháp này là chân thật trì giới”. Hôm qua có người hỏi tôi, các đạo tràng niệm Phật ngày nay ngoài niệm Phật thì có phóng sanh, làm từ thiện, đây là họ đã phát Tâm Bồ Đề chưa? Tôi nói, việc của chúng ta là niệm Phật, ngoài ra, chúng ta phải thay Phật phát Tâm Bồ Đề để cứu giúp những chúng sanh đau khổ. Ngày trước, có giai đoạn, tôi đã mất niềm tin vào Phật pháp, tôi đã nói mọi người rằng, khi mọi người đến nhà tôi không ai được nói về Phật pháp.
Ngày trước, các Phật tử nước ngoài đã gửi một công-te-nơ các thùng pháp của Hòa Thượng về Việt Nam, nếu muốn nhận những thùng pháp này thì sẽ phải đóng thuế nên không ai muốn nhận, các thùng pháp này đã nằm trong kho khoảng hơn 8 năm, khi họ chuẩn bị mang tiêu huỷ thì Sư Bà Quảng Tâm đã xin về. Tôi đã có nhân duyên rất lớn để có thể đến được Thiền đường Thiền Quang và gặp được thùng Kinh. Ngày trước, tôi học tiếng Hán ở Đại học, tôi được qua Bắc Kinh học một thời gian, sau đó, tôi phát tâm đi dạy các lớp chữ Hán và được mời đến dạy lớp gia giáo ở Thiền đường Thiền Quang. Ban đầu, tôi nhận thấy Hòa Thượng phát âm tiếng Hán rất hay, tôi nghe đĩa là vì tôi muốn học phát âm tiếng Hán theo ngữ điệu Bắc Kinh, sau khi nghe một thời gian tôi nhận thấy những lời giảng của Hòa Thượng rất sâu sắc. Chúng sanh không dễ tiếp nhận được Phật pháp chân chính, để gặp được Phật pháp, chúng ta phải có rất nhiều nhân duyên. Ngày nay, chúng ta được tiếp nhận Phật pháp một cách quá dễ dàng nên chúng ta không biết trân trọng.