Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 22/01/2024
****************************
TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ
BÀI 13
Chúng sanh ở mỗi giai đoạn, mỗi lứa tuổi hay hoàn cảnh khác nhau sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác biệt. Cho nên bất kỳ phương tiện nào mang lại lợi ích chân thật, giúp họ lìa khổ được vui thì đó là Chánh pháp. Phật pháp không cứng ngắc cố định ở một chỗ.
Hòa Thượng nói: “Phật đà giáo hóa chúng sanh đều là tuy cơ nói pháp, tuyệt nhiên không có định pháp. Việc gì có thể giúp đỡ chúng sanh khai ngộ, lìa khổ được vui thì đều là Chánh pháp.”
Ví dụ như vào ngày Tết, những người giàu có gói bánh chưng, ngồi uống trà trông nồi bánh và hàn huyên nói chuyện về ý nghĩa ngày Tết truyền thống, về phương pháp giáo dục các thế hệ trong gia đình thì đó vẫn là Phật pháp cho dù trong câu chuyện không nhắc đến một từ Phật pháp nào.
Giáo hóa chúng sanh không nhất thiết là gặp ai chúng ta cũng nói niệm Phật đi, không niệm Phật là khổ, là đọa địa ngục đấy. Không phải như thế mới gọi là Phật pháp. Nói pháp không khéo theo cách này sẽ khó lòng được chúng sanh tiếp nhận. Họ đang nghĩ cuộc sống tốt đẹp mà mình lại cứ nhắc đến cái chết thì có lẽ họ sẽ ác cảm với chúng ta mà cho rằng chúng ta là người đầu óc có vấn đề nên mới nói như vậy.
Cho nên Hòa Thượng khẳng định rằng “Phật pháp không có định pháp”. Tuy nhiên, chúng sanh lại có định pháp và cho rằng cái này là đúng, cái kia là sai và việc mình đang làm là đúng còn người khác là sai.
Hòa Thượng nói: “Nếu bạn đem khuôn mẫu nhất định của mình hay cách làm cố định mà ban cho là đúng rồi lan tỏa đi các nơi thì bạn sẽ đoạn duyên của chúng sanh thậm chí đoạn đi giới thân huệ mạng của họ.”
Hôm trước chúng tôi đến thăm một vị Thầy, Thầy hỏi chúng tôi mỗi sáng dậy điều gì? Chúng tôi trình bày rằng: “Thưa Thầy, như bài học sáng nay, Thầy của con dạy là người làm bất cứ việc gì lợi ích cho cộng đồng phải dùng tâm thái thấp nhất, không được dùng tâm cống cao ngã mạn. Con cũng nhớ đến hai nguyên tắc bất di bất dịch mà Thầy của con dạy thứ nhất là dùng tâm chân thành để làm tất cả mọi việc, bắt đầu từ khởi tâm động niệm khi đối nhân xử thế, đối người tiếp vật, hành động tạo tác. Thứ hai là dùng tâm thanh tịnh, luôn để tâm rỗng rang, không bị vướng mắc, ô nhiễm. Buồn vui, thành công thất bại cũng không hề gì vì đều đặt trên nền tảng của tâm chân thành”. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy mà Thầy đã cảm nhận và gật đầu.
Đối với các bậc tri thức có danh vọng địa vị cao, nếu chúng nói họ phải ăn chay, niệm Phật, bố Thí thì sai rồi vì họ sẽ khó tiếp nhận. Cho nên Hòa Thượng nói “Phật pháp không có định pháp mà bạn tự định ra pháp và cho rằng phải như vậy mới đúng thì đó chỉ là sự chấp trước kiên cố của bạn, bạn chỉ phá hoại Phật pháp.”
Năm 2000, có thông tin rộ lên rằng Hòa Thượng Tịnh Không nói năm 2000 nhất định có tai nạn sẽ xảy ra, họ cắt chương đoạn ngữ làm cho lòng người xao động. Giải thích việc này, Hòa Thượng khẳng định Phật còn không có định pháp vậy thì “Tịnh Không tôi làm sao có định pháp”. Cho dù tai nạn sắp xảy ra mà lòng người thay đổi tốt thì tai nạn có thể không xảy ra. Thời gian đó, chúng tôi mau chóng dịch bài giảng: “Bốn điều khai thị cho đồng tu Bắc Kinh” để trấn an đại chúng. Đây cũng là thời gian những thông tin không chính xác bị đưa lên trang “tinhtong.vn”. Hiện tại, chúng tôi đã mua lại tên miền “tinhtong.vn” và kết nối vào trang tên miền “tinhkhongphapngu.net”.
Vì nhiều người không giác ngộ rằng Phật pháp không có định pháp nên khi thấy người khác dùng nhiều phương tiện độ chúng sanh thì liền cho họ là xen tạp. Vậy hiểu xen tạp thế nào cho đúng? Đó là khi tâm bị dính mắc. Chúng ta niệm Phật hoặc làm bất cứ việc gì mà thấy mình bỏ công sức ra làm hoặc xem thấy người này xen tạp, người kia không chuyên thì mình đã bị dính mắc xen tạp rồi.
Lục Tổ Huệ Năng từng nói: “Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Hòa Thượng chỉ dạy là người tu học không rảnh ràng để nhìn lỗi thế gian vì họ kiểm soát lỗi của mình còn không đủ thời gian.
Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành không có thời gian rảnh để nhìn lỗi người khác. Minh tự cho mình là người tinh chuyên, mình thấy người khác xen tạp, vậy thì trong tâm đã khởi lên tự khen mình chê người rồi.