12019/01/2024, 17:18 19/01/2024, 17:19
10 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 10

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 19/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 10 

Hoằng dương Phật pháp hay thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền phải chờ cơ duyên chín muồi. Nếu cưỡng cầu thì không có hiệu quả giống như trẩy quả thì phải trẩy trái chín cây, trái còn xanh thì để lại chờ đủ thời gian chín.

Hòa Thượng nói: “Ngày nay truyền đạo, hoằng đạo phải dùng tâm tùy duyên không dùng tâm nóng vội. Đây là nguyên tắc lớn.

Vì không nắm được nguyên tắc này nên có người khi nghe Hòa Thượng tán thán một ai đó trên giảng đài thì họ liền nghĩ rằng Ngài đang ấn chứng cho người ấy. Đây là cách nhìn nhận của người có tâm nóng vội.

Hòa Thượng đối với mọi người luôn là một mảng tâm chân thành, không thiên lệch nên Ngài không ấn chứng mà chỉ đơn giản là khen người tốt vì làm việc tốt. Nếu vì lời khen mà họ nghĩ rằng được ấn chứng thì đã rơi vào “ảo danh ảo vọng”.

Điều này cho thấy tâm chúng sanh rất mong manh dễ vỡ, vẫn là bị xoay vần trong tập khí phiền não. Gần “Danh, Lợi” thì dính “Danh Lợi” và gần “Tài Sắc Thực Thùy” thì càng khó giữ hơn.

Hôm trước chúng tôi gặp mấy học trò cũ nên ngỏ ý về chương trình làm đậu phụ cúng dường, ai nấy cũng đều tay bắt mặt mừng. Lắp đặt xong là chín giờ tối. Trong khi mẻ đậu đang sôi, chúng tôi đã đi ngủ thì họ gọi điện xin trả lại thiết bị.

Qua sự việc này mới thấm thía lời Hòa Thượng dạy: “Việc tốt lắm dày vò”. Cho nên phải xem cơ duyên có chín muồi không? Có chân thật lợi ích chúng sanh hay không? Không nên cưỡng cầu mà hết sức tùy duyên. Tùy duyên thì không vội vàng.

Sự việc càng giúp chúng ta thấy rõ tâm mong manh dễ vỡ của chúng sanh. Nếu họ không nhận thì có thể báo ngay trước khi xe chở thiết bị chuyển bánh nhưng lại để dây chuyền lắp đặt xong, lò đậu đang sôi sùng sục thì mới báo.

Đây là thái độ tùy tiện. Nguyên nhân là do tập khí “Tham”. Ngay từ đầu họ đã không nhận ra một hành động của mình sẽ làm tiêu hao lãng phí công sức của bao người. Bài học này cho chúng ta sự phản tỉnh vì chính chúng ta cũng có tập khí này.

Hãy quan sát lại xem chúng ta có phải đang phụ công phụ đức của bao người không? Cha Mẹ mong ta thành rồng thành phượng, Thầy Cô mong ta thành tài thành đức, Phật Bồ Tát mong ta thành Phật thành Bồ Tát, nhưng chúng ta có đáp ứng được kỳ vọng như thế chưa? Mình cũng đang phụ rẫy những ân đức ấy nhưng trong một hình thái và hoàn cảnh khác.

Cho nên sự việc không thành công là do duyên, Hòa Thượng nói: “Khi duyên chín muồi thì sự việc tự nhiên sẽ thành công. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa nói pháp cũng chính là như vậy. Nếu như có một hai người có duyên chín muồi thì mình nên vì một hai người đó mà tận tâm tận lực”.

Nghe lời Hòa Thượng, chúng tôi từ lâu duy trì tinh thần như vậy để dạy học. Lớp học Hán Ngữ của chúng tôi lúc đầu là 60 người, sau này chỉ còn sáu bảy người thậm chí bốn người, chúng tôi vẫn dạy. Kết quả là sự trải nghiệm sâu sắc ấy giúp chúng tôi cho ra đời bộ đĩa Nhi Đồng Học Phật và đưa lên mạng phục vụ chúng sanh.

Ngài tiếp lời: “Nếu như mọi người hay số đông có duyên chín muồi rồi thì Phật sẽ vì số đông mà nói pháp. Cho nên tất cả là tùy duyên mà nói pháp. Nhà Phật có câu Ứng Cơ Thí Giáo – tùy căn tánh để đưa ra giáo huấn. Việc làm khéo léo tùy duyên thì mới chân thật lợi ích chúng sanh, giúp ích chúng sanh.

Nghe đến đây bỗng tôi muốn tri ân tới Phật Bồ Tát vì các Ngài quá lao nhọc, dùng tất cả phương tiện khéo léo nhất cứu giúp chúng sanh. Vì vậy, những vất vả của chúng ta chưa thấm vào đâu hay nói cách khác cho dù lò đậu đang sôi mà gọi điện báo trả lại thì việc này chưa là gì cả.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Chúng ta sống ở đời, lúc nào cũng có hai thời đại. Một là trị thế hai là loạn thế. Trị thế thì lòng người thuần hậu. Con người tuân thủ pháp luật, tuân thủ giáo huấn của Thánh Hiền. Người lớn dạy, người nhỏ nghe theo. Cho nên mọi phương diện trong cuộc sống đi theo một trình tự tốt đẹp. Người tu hành rất dễ có thành tựu.

“Nếu vào thời loạn thế thì con người không có quy củ. hoàn cảnh sống bị biến đổi khôn lường cho nên tu hành Phật pháp phải có tâm địa thanh tịnh, phải có trí tuệ để tùy hoàn cảnh sống mà có tâm thái tiếp nhận cho phù hợp. Như vậy mình mới có thể tự độ mình và độ người.