/ 9
16

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 9

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 13 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem kinh, trang thứ bảy, hàng thứ sáu từ dưới lên: “Lại nữa, khế cơ còn bao hàm ý nghĩa khế hợp thời cơ”, đây là Niệm lão sau khi giới thiệu sự khế cơ thù thắng độc đáo của kinh này, chính là chỗ đặc biệt thù thắng của kinh này xong, lại nói với chúng ta: kinh này không chỉ là trùm khắp ba căn, lợi độn cùng thâu, mà còn thích hợp với thời đại. Thời đại này là chỉ cho các thời đại khác nhau, khu vực khác nhau, bối cảnh văn hóa khác nhau, thảy đều thích hợp, một bộ kinh như vậy quả thực chẳng dễ tìm, bộ kinh này chính là như vậy. Tiếp theo nói: “Như Lai rủ lòng từ”, đây là chỉ cho Thích-ca Mâu-ni Phật, mà cũng là nói A-di-đà Phật vô cùng từ bi. “Riêng lưu lại kinh này một trăm năm cuối cùng sau khi các kinh bị diệt hết”, trong kinh Pháp Diệt Tận, Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói về tình hình Phật pháp vào thời kỳ suy diệt trong tương lai: hết thảy các kinh đều bị diệt mất, đều chẳng tồn tại nữa, đến sau cùng, kinh Vô Lượng Thọ còn được lưu truyền một trăm năm, đó là một trăm năm cuối cùng. Bản nào của kinh Vô Lượng Thọ sẽ được lưu lại vậy? Theo các bậc đại đức thời ấy, không phải thời đại của chúng ta, có lẽ là thời đại của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, trước tôi một thế hệ, cùng thế hệ với thầy tôi, họ khẳng định là bản hội tập này của lão cư sĩ Hạ. Vì sao vậy? Phần trước tôi đã giới thiệu với quý vị, bản này thật sự là bản tiêu chuẩn của bộ kinh bậc nhất trong Tịnh tông, là bản hội tập hoàn chỉnh từ năm bản dịch gốc, quả thật là bản kinh tốt nhất của bộ kinh bậc nhất trong Tịnh tông. Sau khi chúng tôi nghe xong thì một chút cũng không hoài nghi, thật sự là bộ kinh này. Lão cư sĩ Hạ xuất hiện trong thời đại này, chúng tôi tin ngài là bậc tái lai, ngài đến là để làm chuyện này, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ xuất hiện ở thế gian cũng là để làm chú giải cho bản này, các ngài đến thế gian để làm nhiệm vụ đặc biệt này, các ngài đã hoàn thành xong rồi. Do đây có thể biết, thời mạt pháp về sau còn chín ngàn năm nữa, cho nên chúng ta nói: đối với các khu vực khác nhau, thời gian khác nhau, văn hóa khác nhau, kinh này đều có thể thích ứng.

“Điều này cho thấy kinh này có thể khế hợp với xã hội hiện tại và tương lai”, bất luận khu vực nào cũng đều cần bản kinh này. “Hiện tại khoa học phát triển, nhân loại cần phải có tri thức rộng hơn”, chúng ta ngày càng cần nhiều tri thức hơn, đây có phải là chuyện tốt hay không? Nói thật ra, đây không phải là chuyện tốt, người thật sự tu đạo không cần học những thứ ấy. Tổ tiên, cổ thánh tiên hiền từ lâu đã nói với chúng ta, như nhà Đạo nói: “Tu đạo thì ngày một giảm bớt, cầu học thì ngày một tăng thêm”, cầu học thì chính là điều ở đây nói, hiện tại khoa học kỹ thuật phát triển, đây là cầu học, mỗi ngày bạn phải nâng cao những thứ ấy, nâng cao tri thức của bạn; nhưng tu đạo thì mỗi ngày phải buông xuống, thảy đều buông xuống thì đạo của bạn mới thành tựu. Đạo là gì? Đạo là thứ mà bản thân bạn sẵn có. Hiện nay, đạo của bạn không thể hiện tiền là do bạn có chướng ngại, có phiền não, nhà Phật gọi nó là nghiệp chướng. Chướng ngại nhiều vô lượng vô biên, vô tận vô số, nhưng quy nạp lại thì không ngoài hai loại lớn là phiền não chướng và sở tri chướng. Hai loại lớn này đều chướng ngại bạn kiến tánh, chướng ngại tâm thanh tịnh của bạn, chướng ngại tâm bình đẳng của bạn. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” chính là đạo, là tựa đề của bộ kinh này, chúng ta tu đạo là tu thứ này. Nếu tâm địa mỗi năm một thanh tịnh hơn thì đạo nghiệp của bạn đang tăng trưởng. Bất luận tu học pháp môn nào, tông phái nào trong mười tông phái của Phật pháp Đại thừa Trung Quốc, “pháp môn”, pháp là phương pháp, môn là lối vào, con đường, là con đường để trở về tự tánh, trong kinh nói tám vạn bốn ngàn pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn nhằm đối trị tám vạn bốn ngàn phiền não. Bồ-tát vô cùng tuyệt vời, có thể triển khai thập thiện nghiệp đạo thành tám mươi bốn ngàn tế hạnh, công đức này viên mãn thì thành Phật rồi.

Đạt đến “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là cảnh giới như thế nào? Nửa đầu tựa đề kinh này nói về quả, nửa sau nói về nhân, tu nhân thì chứng quả. Quả thứ nhất là Đại thừa, Đại thừa là trí tuệ, trí tuệ bát-nhã vốn có trong tự tánh hiện tiền. Trí tuệ không phải do học mà có, tri thức là do học mà được, trí tuệ không phải do học được, mà từ tâm thanh tịnh sanh ra. “Vô lượng thọ” là đức, “trang nghiêm” là tướng hảo. Bạn xem, đây chẳng phải như kinh Hoa Nghiêm đã nói “hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai” đó sao? Tựa đề kinh chính là trí tuệ và đức tướng của Như Lai, “Đại thừa” là trí tuệ, “vô lượng thọ” là đức, “trang nghiêm” là tướng, bạn liền đạt được. Đến khi nào đạt được vậy? Ở cõi Thật báo trang nghiêm của chư Phật Như Lai, bạn tu thành tựu tâm thanh tịnh, bình đẳng thì bạn liền trở về cõi Thật báo trang nghiêm. Tựa đề kinh này hay, nhưng không phải do người hội tập tự lập đề mục, như cư sĩ Vương Long Thư [đặt tên cho] bản hội tập của mình là kinh Đại A-di-đà, bản của Ngụy Mặc Thâm là kinh Ma-ha Vô Lượng Thọ, họ đều tự lập đề mục, chỉ riêng Hạ lão thì ngay cả đề mục cũng là hội tập, thật sự là không thêm một chữ nào, đây mới gọi là bản hội tập tiêu chuẩn, ngay cả đề mục cũng là hội tập. Nửa đầu đề mục là tựa đề kinh của bản dịch đời Tống, nửa sau “thanh tịnh, bình đẳng, giác” là từ bản dịch đời Hán, đem tựa đề kinh của các bản dịch gốc hội tập lại, cho nên ý nghĩa càng rõ ràng hơn.

/ 9