TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 8
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 12 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem bản kinh trang thứ bảy, dòng thứ tư. Chúng ta xem từ “còn về khế cơ thì càng là chỗ thù thắng độc đáo của kinh này”, bắt đầu xem từ chỗ này. “Pháp môn trì danh trong kinh trùm khắp ba căn, phàm thánh cùng thâu. Người thượng thượng căn thích hợp đảm đương toàn thể; người hạ hạ căn cũng có thể nương theo mà được độ”. Lần trước chúng ta học tập đến chỗ này. Tiếp theo nói: “Trên thì Văn-thù, Phổ Hiền, Pháp thân đại sĩ cũng đều phát nguyện cầu sanh”, đến phần sau chúng ta sẽ thấy Niệm lão trích dẫn kinh văn của kinh Hoa Nghiêm. “Dưới thì đến ngũ nghịch thập ác, lâm chung niệm Phật, cũng ắt được tùy nguyện sanh”, dưới thì nói đến đối tượng nào? Nói đến người ngũ nghịch thập ác. Ngũ nghịch là gì? Là kẻ tạo tác tội nghiệp cực nặng. Trong kinh nói tội ngũ nghịch thập ác nhất định đọa địa ngục A-tỳ, vào thì rất dễ, còn thoát ra rất vất vả, rất khó! Ngũ nghịch: thứ nhất là “giết cha”, thứ hai là “giết mẹ”. Ân đức của cha mẹ to lớn, trong kinh Phật có một bộ kinh chuyên giảng về điều này, là kinh Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo. Kinh này trong Đại tạng kinh là có hai bản dịch, thứ nhất là bản dịch của ngài An Thế Cao, bản này chắc chắn không sai, vì trong mục lục dịch kinh có bản này. Bản thứ hai do ngài Cưu-ma-la-thập dịch, bản này không đáng tin, vì trong mục lục các kinh do đại sư La-thập phiên dịch không thấy bộ này, rất có thể là do người đời sau ngụy tạo, mạo nhận tên đại sư La-thập. Thế nhưng kinh giảng cũng khá hay, chúng ta có thể xem như một loại sách khuyến thiện, thế nên Đại tạng kinh cũng thu nhận. Được thu nhận, tuy là có những thứ quả thật là ngụy tạo, nhưng do nội dung cũng rất tốt, nên cổ đại đức cũng thu nhận, chúng ta học tập kinh giáo không thể không biết điều này. Những loại này có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Nếu muốn học, muốn giảng giải bên ngoài, tốt nhất là dùng bản của ngài An Thế Cao, vì có căn cứ. Giết cha, giết mẹ thì sao có thể được!
Thứ ba là “giết A-la-hán”. A-la-hán cũng tương đương với thầy, trong thế gian này thì A-la-hán giáo hóa một phương, công đức cũng hết sức thù thắng, bạn giết hại ngài, bạn hại ngài. Hại ngài là chuyện nhỏ, ngài chẳng trách bạn, người ta đã chứng quả thành thánh nhân rồi, tuyệt chẳng ghi nhớ thù hận. Kết tội ở đâu? Chính là rất nhiều người không có ai giáo hóa, A-la-hán vốn dĩ giáo hóa vùng này, bạn giết ngài rồi thì duyên nghe pháp của người vùng này bị đoạn mất, kết tội ở chỗ này. Nếu phương diện giáo học của ngài rất rộng, thời gian rất dài, vậy tội của bạn sẽ rất sâu, rất nặng, đó gọi là tội đẳng lưu, vẫn đọa địa ngục A-tỳ.
Thứ tư là “làm thân Phật ra máu”. Phước báo của Phật lớn, không ai có thể hại chết Phật, nhưng có thể khiến Phật chảy một chút máu. Chuyện này xuất phát từ Đề-bà-đạt-đa, Đề-bà-đạt-đa muốn hại Thích-ca Mâu-ni Phật, ông ta rất đố kỵ với Thích-ca Mâu-ni Phật, mặc dù là đệ tử Phật, trong quan hệ thế gian thì là anh em họ, cho nên có quan hệ rất sâu, là anh em họ. Đố kỵ là vì Thích-ca Mâu-ni Phật sau khi thành Phật có nhiều tín đồ, được mười phương cung kính cúng dường, ông thấy vậy không chịu được, luôn nghĩ đủ mọi cách để hại Phật. Có một ngày ông mưu tính, mỗi ngày Thích-ca Mâu-ni Phật ra ngoài khất thực phải đi qua một con đường dưới vách núi, Đề-bà-đạt-đa chuẩn bị sẵn một tảng đá lớn trên đỉnh vách núi, thấy Thích-ca Mâu-ni Phật đi qua phía dưới, bèn lăn đá xuống, muốn đè chết Phật. Phật có phước báo lớn, có thần hộ pháp, thần hộ pháp chính là Bồ-tát Vi-đà, ở trên không trung dùng chùy Kim Cang chặn tảng đá lại, vừa chặn lại thì tảng đá bèn vỡ vụn, vỡ thành từng mảnh, sau khi các mảnh đá rơi xuống, một mảnh đá đập trúng chân Phật, chảy một chút máu, gọi là “làm thân Phật ra máu”. Hiện nay chúng ta muốn làm thân Phật ra máu, nhưng Phật không còn ở đời nữa, cho nên đây là chuyện không thể làm được, thế nhưng có chuyện giống như vậy, tương đương như vậy, đó là gì? Chính là khởi ác niệm muốn hủy diệt hình tượng Phật, điều này cũng tương đương với làm thân Phật ra máu.
Do vậy, công đức tạo tượng không thể nghĩ bàn, tạo một pho tượng ở nơi đó, bao nhiêu người nhìn thấy bức tượng Phật ấy liền gieo một hạt giống Phật vào trong a-lại-da thức, họ liền có duyên với Phật. Hạt giống ấy trong đời này chưa thể nảy mầm, chưa thể trưởng thành, không sao cả, đời sau kiếp sau gặp duyên thì hạt giống này sẽ khởi hiện hành, sẽ khởi tác dụng. Cho nên Phật hóa độ chúng sanh, chính là những chúng sanh căn cơ đã chín muồi, Phật nhất định sẽ giúp người ấy thành Phật trong đời này. Chúng sanh căn cơ đã chín muồi là do đời đời kiếp kiếp trong quá khứ đã tích lũy các công đức, đến đời này công đức tu học đã chín muồi. Trong Thiền tông, bậc đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật chính là chúng sanh căn cơ chín muồi; nếu luận về căn tánh thì họ là người thượng thượng căn, đều thuộc về bậc thượng thượng căn; trong Giáo hạ thì gọi là đại khai viên giải, họ thật sự triệt ngộ rồi, có cảnh giới tương đồng với minh tâm kiến tánh trong Thiền tông; trong pháp môn niệm Phật thì gọi là lý nhất tâm bất loạn. Bạn thấy danh xưng khác nhau, Tịnh tông là lý nhất tâm bất loạn, Giáo hạ là đại khai viên giải, Tông môn là đại triệt đại ngộ, nhưng thảy đều là minh tâm kiến tánh. Bạn phải biết được, mục tiêu sau cùng của niệm Phật vẫn là minh tâm kiến tánh. Cho nên đức Phật mới nói, như trong kinh Kim Cang nói “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, vì sao bình đẳng? Vì cùng đạt tới mục tiêu như nhau là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh trong niệm Phật là lý nhất tâm bất loạn, sự nhất tâm bất loạn vẫn chưa đạt đến minh tâm kiến tánh. Trong mười pháp giới, tứ thánh pháp giới là sự nhất tâm bất loạn, công phu ấy xem như khá lắm, vượt thoát lục đạo luân hồi; chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi thì công phu niệm Phật ấy là công phu thành phiến. Công phu thành phiến cũng có chín phẩm, vì trong cõi trời từ trời Tứ Vương cho đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ là 28 tầng, mỗi tầng khác nhau. Đây là một số kiến thức Phật học thông thường, chúng ta phải biết. Trong sự nhất tâm bất loạn có tứ thánh pháp giới, trong Tiểu thừa có Tứ hướng tứ quả, nhưng trong tứ thánh pháp giới, trên A-la-hán còn có Bích-chi Phật, còn có Bồ-tát, còn có Phật, thảy đều thuộc về sự nhất tâm bất loạn. Nếu chứng đắc lý nhất tâm bất loạn thì sẽ vượt thoát, không còn ở trong mười pháp giới nữa, đã thành Phật rồi, họ đến nhất chân pháp giới, sanh vào cõi Thật báo trang nghiêm. Đây là chúng sanh có duyên với Phật.