/ 9
41

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 7

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 10 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem kinh trang thứ sáu, bắt đầu xem từ câu cuối cùng của hàng thứ ba:

“Do vậy, từ khi bản hội tập của thầy ra đời đến nay, không chân mà chạy khắp chốn”, bắt đầu xem từ câu này. Hoàng lão nói, sau khi bản hội tập này của Hạ lão được in ra, bèn được lưu thông rất nhanh, cho nên không có chân mà chạy khắp nơi. “Hĩnh” là cẳng chân, “không chân”, mặc dù nó không có chân nhưng chạy rất nhanh, truyền bá rất nhanh, nghĩa là truyền bá rất nhanh chóng, đây là tình hình lúc đó. Vì xã hội không an định, chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, đây là chuyện trước khi chiến tranh nổ ra, cả một vùng Sơn Đông cũng bị người Nhật chiếm đóng, cho nên công tác hoằng pháp của Hạ Liên lão đương nhiên gặp trở ngại. Mãi cho đến nay xã hội cũng không ổn định, sau khi toàn quốc được giải phóng lại trải qua nhiều tai nạn, trong phần sau Hoàng lão sẽ nói đến điều này. Sau cuộc cải cách mở cửa thì mới xem như ổn định, hoạt động tôn giáo dần dần được khôi phục. Vì thế, lão cư sĩ Hạ bảo ngài Hoàng Niệm Tổ, ngài nói tương lai bản hội tập này sẽ từ hải ngoại truyền về Trung Quốc. Hạ lão nói những lời này, các đồng học nghe xong đều không cho là như vậy, cảm thấy rất kỳ lạ. Mãi về sau này, mấy chục năm sau thì quả nhiên như vậy, do đây có thể biết, sự hưng suy của pháp vận, ngài đã nhìn thấy hết sức rõ ràng. Cho nên, năm ấy số lượng bản in lần đầu tiên không nhiều. Lần trước tôi đã nói, pháp sư Từ Châu giảng bản hội tập này tại Tế Nam, buổi giảng trước tôi đã thưa cùng quý vị, lúc ấy bản hội tập này nói chung vẫn chưa có bản hoàn chỉnh sau cùng, Hạ lão đã hiệu đính mười lần. Bản mà pháp sư Từ Châu dùng chưa phải là bản hiệu đính cuối cùng, chưa phải là bản hoàn chỉnh cuối cùng, vì tôi thấy bản khoa phán của ngài. Bản hội tập mà ngài dùng, toàn kinh tổng cộng được chia thành 37 phẩm, có lẽ là dùng ý nghĩa của 37 phẩm trợ đạo, tôi có một quyển khoa phán có 37 phẩm này. Không phải là bản mà hiện nay chúng ta đang dùng, bản hiện tại là bản hoàn chỉnh sau cùng, tổng cộng gồm 48 phẩm. Thế nhưng đối với Đại Kinh, pháp sư Từ Châu được xem là người đã lập ra tiền lệ đầu tiên, đem phần khoa phán để vào cuối kinh. Tôi dựa theo khoa phán của ngài, nhưng dùng bản hội tập hiện nay để viết một bản khoa phán tỉ mỉ hơn, chia đoạn rất chi tiết, chúng ta có bản khoa hội, tức là khoa phán và kinh được xếp chung với nhau. Bản khoa hội này cũng được lưu thông với số lượng rất lớn, ở đây chúng ta có khoa hội, không có bản gấp giấy, mà là bản đóng bìa, có khoa hội. Còn có một bản in chung với lời mi chú của thầy Lý, khoa hội và mi chú được in chung thành một bản, bản này cũng in rất nhiều, có thể giúp cho việc học tập, nghiên cứu Đại Kinh.

“Các bậc tôn túc trong giới Phật giáo đa số công nhận bản hội tập văn từ giản dị, nghĩa lý phong phú”, quả thật so với các bản dịch gốc và hai bản hội tập trước đó thì văn tự của bản hội tập này đơn giản và dễ hiểu hơn rất nhiều, hơn nữa ý nghĩa còn hết sức viên mãn. Những điều thiếu sót trong hai bản hội tập trước đã được Hạ lão bổ sung toàn bộ, điều này rất khó được. “Từ ngữ lưu loát, đạo lý viên mãn”, đạo lý viên mãn, không có khiếm khuyết, văn tự hết sức trôi chảy, khiến người đọc rất thoải mái. “Giảng nói, tán dương, lưu truyền trong và ngoài nước”, dùng bản này để giảng kinh Vô Lượng Thọ, giảng thuật, tán thán, tuyên dương, lưu truyền trong và ngoài nước, chúng tôi đang rất nỗ lực thực hiện công tác này, bắt đầu từ lúc nào? Sau khi thầy Lý Bỉnh Nam vãng sanh. Khi thầy còn sống, chúng tôi muốn làm nhưng thầy không đồng ý, nói bản này có những điều bị tranh luận, quả thật trong Phật môn có một số chướng ngại. Khi ấy tôi muốn giảng kinh này, thầy nói: “Chưa được, tuổi anh quá trẻ, chưa đủ năng lực. Nếu giảng kinh này, người khác phê bình thì anh sẽ không chống đỡ nổi”. Vì thế khi đó tôi đem bản này in một ngàn cuốn, tôi nhớ là vào dịp sinh nhật 50 tuổi của quán trưởng Hàn, chúng tôi muốn giảng kinh này để chúc thọ bà, thầy Lý không đồng ý, chúng tôi bèn đổi sang giảng kinh Lăng-nghiêm, vậy thì mọi người sẽ không bàn ra nói vào nữa. Sự tranh luận, dị nghị này quá nửa đều do đố kỵ chướng ngại, từ xưa đến nay không thể nào tránh được chuyện này. Hiện nay chúng ta sanh vào thời kỳ mạt pháp, bất luận đức hạnh hay trí tuệ đều không sánh bằng người xưa, ngay cả các ngài cũng gặp khó khăn nhiều dường ấy. Quý vị xem mấy năm trước, Đại Lục lên tiếng phản đối bản hội tập này, mọi người đều biết. Hiện nay lời phản đối ấy không còn nữa, vì Cục tôn giáo quốc gia đã thừa nhận bản này, mọi người không còn nói gì được nữa. Vì thế, chúng ta biết Hoàng lão chú giải bản kinh này không dễ dàng, vô cùng gian nan, chúng ta phải hiểu chân tướng sự thật này.

/ 9