TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 63
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 20 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 58, hàng thứ hai từ dưới lên, bắt đầu xem từ giữa:
“Phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của kinh này nói, cho đến đạt được một niệm tịnh tâm, phát một niệm tâm, niệm đức Phật kia. Người ấy đến lúc lâm chung như ở trong mộng, thấy A-di-đà Phật. Nhất định sanh về nước kia, được bất thoái chuyển nơi vô thượng Bồ-đề. Điều này chứng tỏ tịnh tâm niệm Phật một tiếng, công đức vô lượng không thể nghĩ bàn”. Chúng ta xem đến đoạn này. Phẩm Thế Giới Hoa Tạng và phẩm Thế Giới Thành Tựu trong kinh Hoa Nghiêm, hai phẩm kinh văn này phân lượng cũng tương đối nhiều, nói rõ về vũ trụ, vũ trụ làm sao xuất hiện, trước đây tôi đã nói qua. Vũ trụ vô cùng rộng lớn, đúng như cổ nhân Trung Quốc nói “lớn mà không có ngoài”, lớn đến mức độ nào? Tìm không thấy bờ bến, chính là không có bờ bến; “nhỏ mà không có trong”, trong một vi trần, khoa học ngày nay gọi vi trần là hạt, hạt cơ bản. Ý nghĩa của hạt cơ bản, theo sự tiến bộ của khoa học mà thường xuyên được điều chỉnh, trước đây nửa thế kỷ, đại khái đều cho rằng thứ nhỏ nhất là hạt quark, hiện nay khoa học đã tiến bộ, lại phát hiện hạt quark còn có thể chia nhỏ. Trong Phật pháp gọi là cực vi chi vi, tức là không thể chia nhỏ được nữa, đây là cảnh giới tuyệt đối, không cách nào chia nhỏ được nữa, đương nhiên là mắt thịt của chúng ta không thấy được. Trong một vật chất nhỏ như vậy, kinh Phật gọi là một trần, trong một trần này có thế giới. Cho nên hiện nay chúng ta thấy khoa học kỹ thuật, một cái thẻ nhớ chỉ nhỏ bằng móng tay, trong đó lưu trữ biết bao nhiêu thông tin, chúng ta cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Không biết rằng trong một vi trần chứa thông tin của toàn bộ vũ trụ, trong ấy có cả vũ trụ không tăng không giảm. Ngày nay khoa học gọi là thế giới vi mô, cơ học lượng tử gọi vũ trụ lớn là thế giới vĩ mô, trong Phật pháp nói vĩ mô và vi mô là một không phải hai.
Tất cả cõi nước của chư Phật trong vũ trụ, ngày nay gọi là tinh hệ, tinh cầu, vô lượng vô biên, vô tận vô số. Vì sao đức Phật biết được? Khoa học không ngoài việc trước tiên dùng toán học để suy đoán, sau đó dùng công cụ khoa học để quan sát phát hiện. Nếu căn cứ theo lịch sử Trung Quốc ghi chép thì Thích-ca Mâu-ni Phật nhập niết-bàn đến nay là 3.037 năm, nhưng người ngoại quốc chỉ công nhận là 2.554 năm, sự khác biệt này rất lớn, cách biệt nhau gần 500 năm. Những việc này chúng ta không cần phải khảo cứu, không sao cả, tại sao vậy? Bởi thời gian không phải là thật, không gian cũng không phải là thật, thời gian và không gian là một loại khái niệm trừu tượng, chắc chắn không phải là sự thật. Trước đây chúng ta đã đọc qua chương này, mười đời xưa nay, trường kiếp có thể biến thành một niệm, một niệm triển khai ra có thể biến thành vô lượng kiếp. Chính là nói thời gian có thể kéo dài, có thể rút ngắn, điều này khoa học hiện nay vẫn chưa làm được. Trong Phật pháp, vận dụng linh hoạt như thế, vậy cái nó dùng là gì? Cái dùng là ý niệm, chính là ý thức. Công năng của ý thức rất lớn, bên ngoài có thể duyên đến toàn bộ vũ trụ, bên trong có thể duyên đến a-lại-da, hiện nay chúng gọi là hạt cơ bản, có thể duyên đến hạt cơ bản. Thế nhưng không duyên đến được tự tánh, khẳng định không duyên đến được bổn tánh, vì sao vậy? Nếu bạn thật sự muốn thấy được bổn tánh thì bạn buộc phải buông xuống khởi tâm động niệm, buông xuống phân biệt chấp trước, bạn sẽ thấy được, như vậy mới thấy được chân tướng sự thật.
Cho nên nếu bạn hỏi toàn bộ vũ trụ, bất luận là vĩ mô hay vi mô, vì sao ngài biết được rõ ràng như vậy? Ngài đã nhìn thấy. Làm sao ngài thấy được? Thấy được nhờ thiền định. Thiền định này là như thế nào? Là tự tánh vốn định. Thông thường chúng ta tu học công phu thiền định không đủ, chưa có năng lực cao như vậy, chỉ có thể thấy được tình trạng như nhà khoa học hiện nay nhìn thấy, như vậy đã giỏi lắm rồi. Nếu muốn kiến tánh, thấy được tự tánh thì buộc phải dùng công phu bên trong, không thể dùng bên ngoài, gọi là công phu thiền định, công phu thiền định đến cực điểm thì trở về tự tánh. Khi đại sư Huệ Năng kiến tánh đã nói, “nào ngờ tự tánh vốn không dao động”, đó chính là tự tánh vốn định, đến lúc đó thì thứ gì bạn cũng đều nhìn thấy. Thế giới đó, bất luận là vĩ mô hay vi mô thì chúng ta đều biết, vì sao vậy? Toàn bộ đều là hoàn cảnh sinh sống của chúng ta. Những vũ trụ mà Phật nói đến, trong đời quá khứ chúng ta đã từng sống ở đó, tương lai thì sao? Tương lai cũng rất có khả năng lại đến đó ở, do vậy bạn không thể không biết, đây là nguyên nhân vì sao Phật nói rõ cho chúng ta, chúng ta thật sự có cơ hội. Nếu bản thân chúng ta tu thiền định, quý vị phải biết rằng, tu thiền định là khái niệm chung trong Phật pháp. Nhà Phật nói 84.000 pháp môn, vô lượng pháp môn, pháp là phương pháp, môn là con đường, phương pháp con đường này tu điều gì? Đều tu thiền định. Quý vị nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, không phải chỉ có Thiền tông mới tu thiền định, nói như vậy là sai, hễ là Phật pháp thì đều tu thiền định, song sử dụng phương pháp không như nhau. Hiện nay chúng ta dùng phương pháp gì? Hiện nay chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm Phật để tu thiền định. Phương pháp tuy khác nhau nhưng thiền định đạt được thì như nhau, đều là một sự việc. Trên đề kinh của kinh này, thiền định có ba cấp bậc lớn, thứ nhất là thanh tịnh, thiền định là tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh chắc chắn không có ô nhiễm, đây là thiền định thứ nhất. Thứ hai, công phu này sâu hơn, là tâm bình đẳng, Bồ-tát đạt được; A-la-hán đạt được tâm thanh tịnh. Cao nhất là chánh giác, đây là Phật đạt được, là thiền định viên mãn rốt ráo. Chúng ta dùng phương pháp niệm Phật, niệm Phật nhất định phải niệm sạch hết vọng tưởng phân biệt chấp trước thì công phu niệm Phật mới thành tựu.