TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 61
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 18 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 58, hàng thứ 8:
“Mười là huyền môn chủ bạn viên minh đầy đủ công đức. Vạn pháp ngang dọc hợp thành một đại duyên khởi, các pháp quán triệt lẫn nhau; nên hễ nêu một pháp thì hết thảy pháp còn lại là bạn mà làm duyên khởi. Cũng tức là lấy một pháp làm chủ, thì tất cả pháp khác đều là bạn để giúp một pháp này. Lại lấy pháp khác làm chủ thì những pháp kia đều trở thành bạn mà hết lòng phối hợp. Do vậy một pháp viên mãn công đức của hết thảy pháp, đó gọi là viên mãn đầy đủ công đức”. Chúng ta đọc đến chỗ này. Đây là huyền môn cuối cùng của mười huyền môn, giống như các thể loại văn chương thông thường, huyền môn đầu tiên là tổng cương lĩnh, huyền môn cuối cùng là tổng kết, đều hết sức quan trọng. Đặc biệt phần tổng kết ở đây quá thù thắng, thế nào gọi là chủ? Thế nào gọi là bạn? Thế nào gọi là viên minh đầy đủ công đức? Trong đoạn này đều có giải thích. Mời xem kinh văn, “vạn pháp ngang dọc”, tám huyền môn trước đó nói về ngang, huyền môn thứ chín nói về dọc. Ngang là gì? Ngang là nói về không gian, ngang khắp mười phương; dọc là nói về thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lai, dọc suốt ba đời. Ở đây bao gồm toàn bộ vũ trụ, không sót một thứ gì. Pháp thế xuất thế gian không rời thời gian và không gian, trong Phật pháp gọi là ngang dọc, vạn sự vạn vật trong thời gian và không gian gọi là vạn pháp, bao gồm chúng ta ở trong đó. Chẳng những tất cả con người ở trong đó, tất cả động vật ở trong đó, cây cối hoa cỏ ở trong đó, núi sông đất đai ở trong đó, vô lượng tinh cầu, tinh hệ đều ở trong đó, mà những chiều không gian khác nhau cũng ở trong đó, trước đó đã nói hàm chứa nhau, chính là nhau trùng trùng vô tận. Đây là gì? Đây là tự tánh. Trong kinh đức Phật nói tự tánh là pháp vốn như vậy, pháp này vốn dĩ là như vậy, không phải do con người làm ra, không phải sáng tạo ra, mà tánh đức vốn là như vậy, trong giáo pháp Đại thừa thì đức Phật thường dùng một câu để hình dung, gọi là “không thể nghĩ bàn”, bạn không suy nghĩ được, bạn nhất định nghĩ không ra, nếu bạn suy nghĩ thì càng nghĩ càng phức tạp. Tại sao vậy? Suy nghĩ là ý thức thứ sáu, công năng của ý thức thứ sáu là có thể biến, vạn pháp là thứ được biến ra, bạn càng nghĩ thì nó biến hóa càng nhiều, cho nên không thể dùng suy nghĩ. Bàn là gì? Bàn là bàn luận, là nói, nói không ra, không cách nào nói được. Không thể nghĩ bàn là thật, nếu con người thật sự buông xuống ý niệm, không nghĩ, không nói nữa thì tuyệt vời, chân tướng liền hiện tiền. Chỉ cần bạn không suy nghĩ, không nói nữa thì bạn đại triệt đại ngộ, tánh tướng, lý sự, nhân quả trong vũ trụ đều bày trước mặt bạn, bạn hiểu được toàn bộ.
Đạo lý này là thế nào? Quý vị lẽ ra phải hiểu, chúng ta đã học trong giảng đường nhiều năm như thế rồi, nếu thứ gì bạn cũng không nghĩ, thứ gì bạn cũng không nói thì chẳng phải đã buông xuống hết vọng tưởng phân biệt chấp trước rồi sao? Buông xuống hết chẳng phải thành Phật rồi sao? Như vậy bạn đã thật sự vào cảnh giới Hoa Nghiêm. Chúng ta không vào được vì chúng ta vẫn còn suy nghĩ, vẫn còn thảo luận, vẫn còn bàn luận, như vậy không được, hễ bạn có suy nghĩ, bạn vẫn đang bàn luận thì nói thật ra, mép rìa bạn cũng không có phần. Bạn xem trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm là đại học Phật giáo, trường học này là một trường học viên mãn, từ tiểu học cho đến đại học, lớp một tiểu học là Bồ-tát Sơ tín vị trong Thập tín, Sơ tín là Bồ-tát lớp một tiểu học. Chúng ta có cách nào vào được không? Không có. Vì sao vậy? Bởi điều kiện để vào là phải buông xuống thứ thô nhất, phiền não thô nhất chính là kiến hoặc, tam giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, phải buông xuống quan niệm sai lầm của tam giới. Quan niệm sai lầm rất nhiều, đức Phật quy nạp chúng thành 88 phẩm, phẩm chính là loại, chia thành 88 chủng loại. Trong quá trình dạy học, Thích-ca Mâu-ni Phật phương tiện khéo léo, lại quy nạp 88 loại này thành 5 loại lớn, như vậy dễ học, tiện lợi cho hàng sơ học. Năm loại lớn này, thứ nhất là thân kiến, phàm phu lục đạo chúng ta đều xem thân này là chính mình, đức Phật nói cho chúng ta biết, đây chính là kiến giải sai lầm đầu tiên. Thân là gì? Thân không phải là ta. Không phải ta thì là gì? Thân là cái ta sở hữu, không phải là ta. Giống như quần áo, quần áo không phải là ta, quần áo là cái của ta. Bạn xem, chẳng những chúng ta đã nhìn sai, mà trong lục đạo, trời Dục giới, trời Sắc giới, trời Vô sắc giới cũng đều sai, đều xem thân này là ta. Trời Vô sắc giới thông minh hơn chúng ta, vì sao vậy? Họ không có thân, tuy không có thân nhưng họ xem linh hồn là chính mình, vẫn là sai lầm, linh hồn không phải là ta. Cái gì là ta? Linh tánh mới là ta.