TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 57
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 14 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 55, hàng cuối cùng:
“Sáu là an lập tương dung vi tế. Đại Sớ nói, như bình lưu ly đựng nhiều hạt cải. Các huyền môn trước đều nêu rõ ý nghĩa: rộng hẹp vô ngại, một và nhiều tương dung. Còn huyền môn thứ sáu này, lại chỉ rõ bất luận trong thứ gì dẫu vi tế đến đâu cũng có thể dung chứa hết thảy các pháp, trong một sợi lông, một vi trần có vô biên cõi nước, hết thảy các pháp đồng thời hiện ra, như trong một tấm gương hiện ra bóng của vạn vật”. Chúng ta xem đến đây. Huyền môn này nói về an lập tương dung vi tế, năm huyền môn mà chúng ta đã học phần trước, đều nói rõ cho chúng ta biết hết thảy pháp thế xuất thế gian, không một pháp nào ngoại lệ, đều là hiện tượng rộng hẹp vô ngại, bao hàm nhau, chính là nhau. Hôm nay đại sư giảng cho chúng ta huyền môn thứ sáu, môn thứ sáu này nói càng vi tế hơn, chỉ ra bất luận trong thứ gì dẫu vi tế đến đâu, ý nghĩa của câu này rất sâu rất rộng. Theo sự tiến bộ của khoa học, chúng ta thấy báo cáo của các nhà khoa học, từ phòng thí nghiệm họ đã thấy được nguồn gốc của vũ trụ, khởi nguồn của vũ trụ, họ đã báo cáo với mọi người chúng ta, đó chính là khoa học lượng tử ngày nay. Trong báo cáo nói, hết thảy mọi thứ trên thế giới kỳ thực đều khởi nguồn từ vật chất tương đồng, vật chất tương đồng này là ánh sáng vô cùng vi tế (tốc độ ánh sáng), danh từ khoa học gọi là nhóm lượng tử, tốc độ chấn động của nó không hề như nhau, có nghĩa là có nhanh có chậm. Kỳ thực cho dù nói nó chậm thì chúng ta cũng không thể nào tưởng tượng được, nói nó nhanh thì nhanh đến mức độ nào, chậm thì chậm đến mức độ nào, đều không phải là điều mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Họ nói có một số ánh sáng khi chấn động chậm thì biến thành thể rắn, chúng ta nhìn thấy cát, đá, núi đá, đây là tần số chấn động chậm, nhanh hơn một chút thì nó biến thành động thực vật, nhanh hơn nữa thì biến thành sóng điện từ mà hiện nay nói, đây là điều mà người cận đại phát hiện ra.
Nhà khoa học còn báo cáo tỉ mỉ hơn cho chúng ta, giải thích cho chúng ta chân tướng sự thật. Đây là nhà khoa học người Đức, ông chuyên nghiên cứu cơ học lượng tử, ông nói nguồn gốc và sự tồn tại của tất cả vật chất trên thế gian đều do một sức mạnh có thể khiến nguyên tử và phân tử chấn động. Trong Phật pháp nói tự tánh là thanh tịnh, là sáng rỡ, là vĩnh hằng, là bất động. Khi đại sư Lục tổ Huệ Năng khai ngộ, ngài đã nói ra chân tướng sự thật bằng ngôn từ rất đơn giản. Nguyên tử, electron và photon mà nhà lượng tử học nói đều là vật chất, vật chất không rời khỏi chấn động. Cũng có nhà khoa học gọi nó là dao động sóng, đều cùng một ý nghĩa, chúng ta biết tần số chấn động và dao động sóng là cùng một ý nghĩa. Nếu không có dao động sóng thì không có các hiện tượng, điều này hết sức tương tự với khởi nguồn của vũ trụ mà trong Phật pháp nói. Đức Phật nói với chúng ta, đây cũng là cảnh giới mà ngài đích thân chứng được, ngài chứng được bằng cách nào? Ngài thấy được từ trong thiền định rất sâu. Thiền định là gì? Thiền định là tâm thanh tịnh, là tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh sanh trí tuệ, tâm bình đẳng chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Công phu của người xưa đều học tập trong định, nói công phu là nói về thiền định, thiền định chính là tâm thanh tịnh, tâm của bạn thanh tịnh đến mức độ nào. Đức Phật nói với chúng ta, tâm thanh tịnh này chúng ta thảy đều có, là chân tâm của chúng ta, là bản tánh của chúng ta, nó vốn là như vậy. Hiện nay thì sao? Hiện nay vẫn như vậy. Vì sao chúng ta biến thành phàm phu lục đạo? Trong kinh Đại thừa nói rất rõ ràng, chúng ta đã quên, quên rồi thì liền mê, chúng ta không dùng chân tâm, có chân tâm mà không dùng. Chúng ta dùng tâm nào? Dùng vọng tâm. Thế nào là vọng tâm? Trong giáo pháp Đại thừa nói a-lại-da chính là vọng tâm.
Chúng ta học pháp tướng duy thức, chúng ta không chuyên tu môn này, chúng ta chỉ học một chút thường thức, như Bách Pháp Minh Môn Luận và Tam Thập Tụng, chúng ta đã học qua những môn này, do vậy biết được một niệm bất giác, một niệm bất giác này gọi là vô thỉ vô minh. Vì sao gọi là vô minh? Bởi vì chân tâm là quang minh, dao động sóng cực kỳ vi tế vừa khởi, quang minh này liền biến mất, quang minh liền biến thành tối đen, cho nên sự tối đen đó gọi là vô minh, vô minh chính là tối đen, đây là vọng tâm. Thật không may là vọng tâm lại đang làm chủ, chân tâm ở bên cạnh không khởi tác dụng, lục đạo là như vậy, tứ thánh pháp giới cũng như vậy. Khi nào giác ngộ, không dùng vọng tâm? Quý vị phải biết, chúng ta khởi tâm động niệm, ý niệm đầu tiên nghĩ đến điều gì? Nghĩ đến ta. Dù bạn vô ý hay cố ý thì ý niệm đầu tiên chắc chắn là ta, không quên được ta. Đức Phật nói chúng sanh trong lục đạo, ý niệm về ta là giả, không phải thật, cho nên trong lúc dạy học, Phật thường dạy chúng ta không có ta, đây là thật, không phải giả. Người học Phật chúng ta, nhất là người sơ học, nếu nghe nói không có ta liền sợ, không có ta thì còn gì nữa đây? Cho nên họ không dám bước vào cửa Phật. Cho nên Thế Tôn có phương tiện khéo léo, phần trước nói về ẩn hiện, đối với người sơ học, Phật không nói không có ta, Phật nói có ta, có ta thì mọi người sẽ hưng phấn, có thường lạc ngã tịnh. Đức Phật không nói dối, thật có ta, thật có thường lạc ngã tịnh. Ta có nghĩa là gì? Ta nghĩa là chủ tể, nghĩa là tự tại, đức Phật thêm định nghĩa cho nó. Chúng ta thử nghĩ xem, hiện nay cái ta này của chúng ta có ý nghĩa chủ tể hay không? Có tự tại hay không? Tự tại chính là vô ngại mà mười huyền môn nói đến, sự sự vô ngại. Chúng ta không cảm nhận được mình có thể làm chủ, nếu ta có thể làm chủ thì ta mong muốn vinh hoa phú quý, khỏe mạnh sống lâu, chúng ta có thể làm được hay không? Không làm được. Không làm được là bạn không có ta, thật sự làm được mới là có ta.