TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 56
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 13 tháng 06 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 55, bắt đầu xem từ hàng thứ bảy:
“Năm là hoặc ẩn hoặc hiện đều thành tựu chúng sanh. Đại Sớ nói: như mảnh trăng trong vắt trên không, đều có sáng lẫn tối”. Đây là lời đại sư Thanh Lương nói trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, đoạn này nói với chúng ta, ẩn và hiện không hai. Khi đại sư Huệ Năng kiến tánh, ngài nói ra dáng vẻ của việc kiến tánh, ngài đã nói năm câu, câu thứ ba là “nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, đây là ẩn; câu cuối cùng là “nào ngờ tự tánh có thể sanh vạn pháp”, đây là hiện. Khi không có duyên, không thể nói nó không có, nó là thật có, trong tự tánh không thiếu thứ gì. Lời đại sư Huệ Năng nói rất đơn giản, ngài thưa với thầy mình, ngài báo cáo với thầy, hòa thượng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn vừa nghe liền hiểu rõ, không phải là ngài nói với chúng ta. Nếu duyên đầy đủ thì nó sẽ hiện, cho nên Phật pháp nói “nhân duyên quả”, không nói nhân sanh, mà nói duyên sanh, điều này rất có đạo lý. Nhân là trong tự tánh thảy đều đầy đủ, nhân gì vậy? Nhân và quả của y chánh trong mười pháp giới thảy đều đầy đủ, chờ có duyên thì nó sẽ hiện tiền, có nhân mà không có duyên thì sẽ không hiện tiền. Hiện nay chúng ta nhìn thấy trước mắt, bạn thấy pháp giới người trong mười pháp giới, duyên của pháp giới người đầy đủ, chúng ta liền cảm nhận được y chánh trang nghiêm trong pháp giới người, song còn chín pháp giới kia, hiện nay chúng ta tuy biết được, nhưng chưa nhìn thấy. Hướng lên trên là cõi trời, cõi a-tu-la, cao hơn nữa là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, chúng ta không có duyên nên không thể thấy được. Hướng xuống bên dưới, dưới có súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Chúng ta có thể nhìn thấy được một phần của cõi súc sanh, còn phần khác thì không thấy được; ngạ quỷ và địa ngục thì chúng ta nghe nói là có, nhưng chưa nhìn thấy, duyên chưa đủ. Cho nên trong tất cả pháp thì duyên vô cùng quan trọng.
Y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới vốn sẵn có trong tự tánh, duyên như thế nào thì nó mới hiện ra? Trong nhà Phật nói duyên này là do “một niệm bất giác mà có vô minh”, cho nên Tướng tông nói “vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới do duyên trưởng lục thô”. Tam tế là có thể hiện, có thể sanh; còn thức là có thể biến, có thể biến những hiện tượng mà tự tánh hiện ra, gồm hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần, biến ra bao nhiêu? Vô lượng vô biên vô tận vô số, không có hạn lượng. Đây là tánh đức, không thể nghĩ bàn! Đạo lý này khoa học thời cận đại, cơ học lượng tử đã nói được một phần, nhưng chưa nói ra được duyên khởi thật sự, cũng chính là nói họ đã phát hiện ra năng biến sở biến của a-lại-da, cơ học lượng tử đã phát hiện, nhưng tầng cao nhất là tự tánh, năng hiện năng biến của tự tánh thì họ chưa phát hiện được, điều này rất khó được. Vì sao họ không thể phát hiện ra một niệm đầu tiên này? Vì phải buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì mới thấy được niệm đầu tiên này, nhà khoa học dùng công cụ khoa học, dùng toán học cao sâu mà phát hiện ra, không phải do họ buông xuống vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà phát hiện được. Chúng ta biết trong Phật pháp, ở Ấn Độ xưa, bất luận là học thuật hay tôn giáo, họ đều tu thiền định, thiền định là gì? Thiền định chính là buông xuống tạp niệm, khiến tâm thanh tịnh hiện tiền, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là trí tuệ, cho nên nó có thể đột phá các chiều không gian, có thể nhìn thấy cảnh giới mà mắt thịt của người thông thường không nhìn thấy, đó là cảnh giới trong định.
Thích-ca Mâu-ni Phật giảng kinh Hoa Nghiêm là ở trong định, người thông thường chúng ta nhìn thấy Thích-ca Mâu-ni Phật ngồi dưới cây bồ-đề, ngài nhập định, nhập định 21 ngày, ở trong định 21 ngày, ba lần bảy hai mươi mốt, 21 ngày. Sự việc này rất bình thường, chúng ta đều có thể tiếp nhận, vì sao vậy? Một số đại đức thời cận đại khi họ nhập định, xác thực họ có thể nhập định một tháng mới xuất định. Thời kháng chiến, ở Trung Quốc có vị pháp sư, mọi người gọi ngài là Phật sống Kim Sơn, ngài thường xuyên nhập định, làm ra hình tướng này cho chúng ta thấy, ngài thật sự có công phu này. Mọi người đều quen thuộc lão hòa thượng Hư Vân, khu vực Quảng Đông không ai không biết ngài, công phu nhập định của hòa thượng Hư Vân cũng là 1-2 tháng không xuất định. Cho nên trong định có cảnh giới, cảnh giới trong định là thật chứ không phải nằm mộng. Cảnh mộng là hư ảo, cảnh giới trong định không phải như vậy. Khi hòa thượng Hư Vân ở trong định, ngài có thể đến trời Đâu-suất nghe Bồ-tát Di-lặc thuyết pháp. Ở trong định, cảnh giới của trời Đâu-suất hiện tiền, ngài thật sự đã đến đó. Kinh sách nhà Phật ghi chép rất nhiều những câu chuyện như thế! Đại sư Trí Giả thời nhà Đường, có lần ngài nhập định, trở về thời Thích-ca Mâu-ni Phật ở núi Linh Thứu giảng kinh Pháp Hoa, ngài còn nghe được một giảng tòa, chính là nghe được một buổi giảng, khi xuất định ngài nói với mọi người, pháp hội Linh Sơn của Thích-ca Mâu-ni Phật, tức pháp hội giảng kinh Pháp Hoa hiện nay vẫn chưa tan, Phật vẫn đang giảng. Nhân đây có thể biết, thời gian và không gian không phải thật, nếu là thật thì sao có thể trở về quá khứ? Nó không phải thật. Thiền định có thể đột phá các chiều không gian, đột phá thời gian và không gian, có thể nhìn thấy quá khứ, cũng có thể nhìn thấy tương lai. Cho nên trước đây thầy Lý từng nói với tôi thế này, nói đến lời tiên tri, lời tiên tri của cổ nhân Trung Quốc, như cuốn sách tiên tri Thôi Bối Đồ, nó là suy đoán ra từ trong số học, kinh Dịch là số học cao sâu, có thể suy đoán. Thế nhưng nếu có một mảy may sai lầm, thì đúng như ngạn ngữ nói “sai một ly đi ngàn dặm”, sẽ hoàn toàn không đúng nữa. Thế nên có khi nói chính xác, có khi nói không chính xác, nó không nhất định. Nhưng những điều nhìn thấy trong thiền định thì không sai chút nào, đó là thật. Tổ sư đại đức trước đây cũng có một số lời tiên tri, điều này rất đáng tin, vì sao vậy? Bởi vì các ngài thấy được trong thiền định.