/ 56
2

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 55

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 12 tháng 06 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 54, hàng thứ hai từ dưới lên, chúng ta xem huyền môn thứ tư “các pháp chính là nhau nhưng lại tự tại”.

“Ở trên cho thấy ‘hàm chứa nhau’, ở đây biểu thị ‘chính là nhau’. Phẩm Thập Trụ trong bản dịch kinh Hoa Nghiêm đời Tấn nói: một chính là nhiều, nhiều chính là một. Ví như nước và sóng, nước ví cho một, sóng ví cho nhiều, sóng chính là nước, nước chính là sóng, cái này chính là cái kia, song mỗi thứ đều tự tại, cho nên nói ‘chính là nhau nhưng lại tự tại’”. Đây là giải thích tiêu đề của huyền môn thứ tư. Trước đó là “một và nhiều tương dung” và “rộng hẹp tự tại”, đều hiển thị tất cả pháp hàm chứa nhau, chẳng những hàm chứa nhau, mà còn chính là nhau, một là tất cả, tất cả là một. Mười huyền môn không gì ngoài việc nói rõ cho chúng ta về thật tướng các pháp, về chân tướng của tất cả các pháp, đây là cảnh giới Hoa Nghiêm, cảnh giới của chư Phật Như Lai, có thể khế nhập cảnh giới này, trong Tông môn gọi là đại triệt đại ngộ, Giáo hạ gọi là đại khai viên giải, Tịnh độ tông gọi là lý nhất tâm bất loạn. Từ đó cho thấy, nghĩa lý của kinh này có độ sâu tương đối. Về sự thì sao? Sự thì ở ngay trước mắt chúng ta, ngay trong cuộc sống thường ngày. Chư Phật Bồ-tát, đây là pháp thân Bồ-tát, các ngài giác mà không mê; chúng sanh trong mười pháp giới thì càng không cần nói đến, mê mà không giác, sự ở ngay trước mắt, nhưng mê mà không giác. Tác dụng của giác là gì? Tác dụng của giác là sự sự vô ngại, chúng ta ngày nay sự sự đều có chướng ngại. Xác thực nhiều năm qua, làm một chút việc tốt đều bị chướng ngại trùng trùng, đó là gì? Mê mà không giác. Thế nên kinh văn của khoa này, chính là đoạn lớn nói về mười huyền môn, đối với việc tu học, giác ngộ và nâng cao cảnh giới của chúng ta có sự giúp đỡ rất lớn, cho nên ở đoạn này chúng ta dùng thời gian nhiều một chút, cố gắng học tập.

Đại sư trích dẫn kinh Hoa Nghiêm, là Lục Thập Hoa Nghiêm dịch vào đời Tấn, trong kinh có câu “một chính là nhiều, nhiều chính là một”, ý nghĩa trong đây rất sâu. Một là bất kì cái nào, không phải là nhất định một cái, một chính là tất cả pháp, một pháp. Một pháp nào vậy? Thế nào gọi là một pháp? Một vi trần cũng gọi là một pháp, một sợi lông cũng gọi là một pháp, nhiều chính là gì? Nhiều là pháp giới, nhiều là vũ trụ. Vì sao một chính là nhiều, nhiều chính là một? Bởi vì tất cả pháp không rời tự tánh. Chúng ta đã học tập lâu như vậy, ít nhất cũng có khái niệm, một pháp, tất cả pháp từ đâu mà có? Chỉ do tâm hiện, chỉ do thức biến. Chúng ta nói tâm hiện, tâm này là tự tánh, một pháp là từ tự tánh hiện ra, tất cả pháp cũng là từ tự tánh hiện ra, nó là một hay là nhiều? Trong Sớ Sao của ngài Thanh Lương, ở đây cũng có trích dẫn, tiếp theo nói: “Lại nữa, Đại Sớ nói, như vàng và màu sắc của vàng, hai thứ chẳng rời nhau”. Vàng là một pháp, màu sắc của vàng cũng là một pháp, dùng vàng để ví cho thể, dùng sắc để ví cho tướng, chúng ta dần dần sẽ thể hội được ý nghĩa này. Thể là tịch, trong Tịnh độ gọi là Thường tịch quang, thể là tịch, là bất động; tướng là quang, bạn xem tịch và quang; “hai thứ chẳng rời nhau” chính là thường, vĩnh hằng bất biến. Nó khởi tác dụng, thể có biến đổi hay không? Không có. Thể biến thành hiện tượng vật chất, biến thành hiện tượng tinh thần, sao lại nói là không biến đổi? Biến ở đây là thức biến, thức là vọng thức, không phải thật, nó là giả, là vọng. Vọng nương chân mà khởi, nếu không có chân thì lấy đâu ra vọng! Thế nên đức Phật nói với chúng ta chân vọng không hai. Đây đều là chân tướng sự thật, nếu bạn giác ngộ, hiểu rõ rồi thì hóa ra vọng chính là chân, chân không rời vọng. Giác và mê khác nhau ở chỗ nào? Sau khi giác rồi thì không còn chấp trước, chẳng những không chấp trước, mà cũng không phân biệt; chẳng những không phân biệt, mà đối với tất cả pháp không khởi tâm không động niệm, đây là giác. Cho nên thọ dụng mà họ đạt được là vô ngại, tự tại vô ngại. Khi mê thì đối với sắc, với tâm, với một, với nhiều đều không tự tại, nơi nơi đều là chướng ngại. Chướng ngại từ đâu mà có? Chướng ngại từ mê mà có, từ bất giác mà có. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý, chân tướng sự thật này.

/ 56