/ 30
131

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 5

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 09 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải hàng thứ nhất, trang thứ ba, xem từ hàng thứ nhất.

“Một câu Phật hiệu này, đúng như sách Yếu Giải đã chỉ ra, tức là lý tánh bổn giác của chúng sanh, nên biết cái tâm năng niệm nhỏ nhiệm này chính là quả giác của Như Lai”. Phần trước chúng ta đã đọc tới chỗ này rồi, câu này vẫn phải nói rõ ràng cặn kẽ hơn một chút, nó có quan hệ rất lớn đối với việc niệm Phật của chúng ta, cái tâm năng niệm nhỏ nhiệm này là chân tâm, mà cũng là vọng tâm, nhưng trong các thứ vọng tâm thì nó gần với chân tâm nhất. Vì sao vậy? Khởi tâm động niệm, không khởi tâm, không động niệm là chân tâm, khởi tâm động niệm là vọng tâm, nhưng nhỏ nhiệm là vừa mới móng tâm. Bạn xem, nó nằm ở biên giới của chân vọng, cái tâm này khó được, dùng cái tâm này để niệm Phật thì cái tâm ấy chính là quả giác của Như Lai được nói đến ở đây, người ấy không mê, họ không có hoặc, tức là không mê hoặc, lúc một niệm tâm này vừa khởi lên thì chính là A-di-đà Phật, niệm Phật phải niệm theo cách như vậy. Hiện nay chúng ta là phàm phu, là phàm phu lục đạo chính cống, nếu như trong kinh Đại thừa, đức Phật không nói ra cho chúng ta biết thì chúng ta vĩnh viễn không phát giác được niệm tâm này, nó quá vi tế, nhỏ nhiệm có nghĩa là vi tế, cực kỳ vi tế, chúng ta không có cách nào nghĩ tưởng được.

Vì khi chúng ta vừa khởi lên một niệm suy tưởng, Bồ-tát Di-lặc nói với chúng ta, trong một niệm suy tưởng này có “ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, đây là cái tâm niệm nhỏ nhiệm, chúng ta vừa mới nghĩ tưởng, vừa mới khởi ý niệm, bèn có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Bồ-tát Di-lặc nói với chúng ta, chỉ là một khảy ngón tay, trong khoảng khảy ngón tay, cho nên không cách nào thể hội được điều này. Trong kinh, đức Phật cũng nói rất hay, khi nào bạn mới có thể cảm nhận, quán sát được những ý niệm vi tế này tồn tại? Khi thành Bồ-tát Bát địa, tức là Bồ-tát Bát địa trong kinh Hoa Nghiêm. Trước Thất địa đều không cách nào cảm nhận ra được, Bồ-tát Bát địa có công phu định lực đến như thế, chúng ta gọi [công phu ấy] là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh ấy đạt đến mức độ tinh thuần như vậy, nên các ngài mới cảm nhận được. Cao hơn nữa là Cửu địa, Thập địa, Thập nhất địa, trên nữa là Diệu giác, đó chính là viên mãn, tức là quả vị Phật cứu cánh viên mãn. Ngày nay chúng ta nên học như thế nào? Phải rèn luyện trong cuộc sống thường ngày. Về phương pháp rèn luyện trong cuộc sống thường ngày thì đại sư Ấn Quang có bí quyết, chúng ta có thể học tập, bí quyết đó là gì? Chính là chữ tử trong từ “sanh tử”, thường nghĩ sắp chết đến nơi rồi. Chết không đáng sợ, bạn phải biết được, chết là thân có sanh tử, chứ linh hồn không có sanh tử. Nếu sau khi chết mà không còn gì nữa, linh hồn cũng không còn, vậy chúng ta cũng không cần phải học Phật, cũng không cần phải tu hành, giống như người thông thường nói : “người chết như đèn tắt, chết là hết”. Không phải vậy, thân chết nhưng linh hồn không chết, linh hồn lại đi đầu thai, đây là nói luân hồi trong lục đạo, chuyện này phiền phức lắm. Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ ràng sáng tỏ chân tướng sự thật này thì nhất định không được chết. Trước kia khi giảng kinh, tôi đã nói rất nhiều lần, chết rồi thì nguy lắm! Phiền phức rất lớn, nhất định phải vãng sanh Tịnh độ ngay trong đời này, vãng sanh Tịnh độ là thành Phật!

Có thể làm được hay không? Ai cũng có thể làm được, chỉ cần bạn hiểu lời khai thị này của pháp sư Ấn Quang, thường nghĩ thọ mạng của mình chỉ còn một ngày hôm nay, đừng nghĩ sẽ có ngày mai, chỉ có hôm nay thôi, vậy bạn còn có gì mà không buông xuống được? Chỉ còn một ngày hôm nay, hôm nay là ngày cuối cùng, ta phải làm chuyện gì? Thật thà niệm Phật, vậy chẳng phải là thành công rồi sao? Cách niệm như thế nào? Mỗi tế bào trên thân thể ta đều là A-di-đà Phật, mỗi sợi lông đều là A-di-đà Phật. Ta lại mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới bên ngoài, nghe âm thanh bên ngoài, những thứ mà sáu căn tiếp xúc, chẳng có thứ nào không phải là A-di-đà Phật, A-di-đà Phật trùm khắp pháp giới, đó chính là niệm Phật. Đức Phật nói rất hay trong kinh Đại thừa, hết thảy chúng sanh, chúng sanh ở đây là hiểu theo nghĩa rộng, không phải nghĩa hẹp, hiện tượng do các duyên hòa hợp mà sanh ra thì gọi là chúng sanh, có hiện tượng nào chẳng phải do các duyên hòa hợp đâu? Cái thân động vật của chúng ta đây là do các duyên hòa hợp, gọi theo danh từ Phật học là tứ đại ngũ uẩn, tứ đại là vật chất, ngũ uẩn là tinh thần của chúng ta, tức là thọ, tưởng, hành, thức, tứ đại và ngũ uẩn tổ hợp thành thân thể này. Cây cối hoa cỏ thì sao? Cây cối hoa cỏ cũng vậy, cũng do các duyên hòa hợp mà sanh ra. Chúng ta thấy thân tướng của chúng là hiện tượng vật chất; chúng có thọ, tưởng, hành, thức hay không? Có, nhưng không rõ ràng như động vật, trì độn hơn động vật nhiều, nhưng chúng có [thọ, tưởng, hành, thức]. Nếu không có thì làm sao chúng ta có thể khởi cảm ứng đạo giao với chúng được?

/ 30