TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 40
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 15 tháng 05 năm 2010
Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 42, dòng thứ hai từ dưới lên, chúng ta bắt đầu xem từ câu thứ hai:
“Kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới cũng nói: Bồ-tát biết rõ chư Phật và hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng, bèn đắc tùy thuận nhẫn, hoặc vào Sơ địa, xả thân rồi nhanh chóng sanh về thế giới Diệu Hỷ, cõi Cực Lạc Tịnh Độ”. Hôm qua chúng ta học đến đây, do hết giờ nên không thể giảng kỹ, đoạn kinh văn ngắn này rất quan trọng. “Bồ-tát biết rõ”, biết là hiểu, rõ là sáng tỏ, ở trong Phật pháp thì đây cũng được xem là khai ngộ. Nhưng ngộ có giải ngộ và chứng ngộ, giải ngộ thì có thể đạt được cảnh giới này, gọi là thâm nhập kinh tạng, huân tu lâu dài. Trong đây cũng có hai trường hợp, đều có thể được lợi ích, loại thứ nhất là đọc nhiều, học rộng nghe nhiều. Thời đại hiện nay hạng người như thế rất nhiều, họ đều đọc qua hết tám tông phái của Phật giáo Đại thừa, nhưng phải có thời gian, cũng phải có thầy giỏi hướng dẫn. Đối với cảnh giới của chư Phật Như Lai, họ có thể hiểu được, đây thuộc về giải ngộ, bản thân không đạt được thọ dụng giống như Pháp thân Bồ-tát. Cách thứ hai là thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, hạng người này dành thời gian rất lâu để tu học một bộ kinh, một pháp môn, nhất định có thể được tam-muội, được tam-muội thì có thể hàng phục phiền não, họ liền được tự tại, liền khai trí tuệ. Công phu tam-muội sâu liền bất chợt đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đó là họ chứng ngộ, hoàn toàn khác với cảnh giới giải ngộ, họ thật sự ra khỏi lục đạo, ra khỏi mười pháp giới, được thọ dụng chân thật. Hai loại này đều có thể biết rõ, biết rõ điều gì? Chư Phật và hết thảy pháp đều chỉ là tâm lượng. Ngày nay nhà khoa học gọi là cơ học lượng tử, rất tương ưng với câu kinh văn này.
Lượng tử là gì? Là một điểm sáng cực kỳ vi tế. Điểm sáng này từ đâu mà có? Từ chấn động mà có, nó không phải là tĩnh, nó là động. Giống như tia chớp vậy, ánh sáng loé lên, lóe sáng, tốc độ của nó rất nhanh, một tia chớp chính là một hiện tượng lượng tử, thứ này rất giống với ý niệm được nói trong kinh Đại thừa, ý niệm cực kỳ vi tế. Trong kinh Nhân Vương, đức Phật nói cho chúng ta biết, một khảy ngón tay có 60 sát-na, 1/60 của một cái búng tay gọi là một sát-na, một khảy ngón tay có 60 sát-na, trong một sát-na có 900 sanh diệt; nói cách khác, trong lượng tử, đó chính là tia chớp của điểm sáng được nhìn thấy, một sát-na có 900 lần lóe sáng. Trong tia chớp ấy có hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất, khi không mê thì hiện tượng tinh thần là thấy nghe hay biết, khi mê thì gọi là thọ tưởng hành thức. Thọ tưởng hành thức chính là thấy nghe hay biết, do mê ngộ khác nhau. Trong thấy nghe hay biết chẳng những không có phân biệt chấp trước, mà ngay cả khởi tâm động niệm cũng không có, nó là thứ tự tánh sẵn có, nó không có sanh diệt. Khi mê thì hiện tượng này gọi là a-lại-da, gọi là vọng tâm, có sanh diệt, thời gian sanh diệt rất ngắn, nhà khoa học đã phát hiện ra rồi. Chúng ta đọc đoạn đối thoại giữa Thế Tôn và Bồ-tát Di-lặc thì thấy nói càng chi tiết hơn. Bồ-tát Di-lặc nói một khảy ngón tay, một khảy ngón tay có 32 ức trăm ngàn niệm, ngài không gọi là sát-na, cũng không gọi là sanh diệt. Một khảy ngón tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 sanh diệt, vẫn chưa gọi là nhiều, không nhiều bằng Bồ-tát Di-lặc nói. Bồ-tát Di-lặc nói một khảy ngón tay có 32 ức trăm ngàn niệm, chúng ta tính ra thì bằng 320 ngàn tỉ, một khảy ngón tay có 320 ngàn tỉ ý niệm, đây chính là điểm sáng mà trong cơ học lượng tử thấy được, mỗi điểm sáng đều độc lập, tia chớp này vừa diệt thì tia chớp khác lại lóe lên. Nhà khoa học suy nghĩ cũng rất có lý, sau khi tia chớp của điểm sáng trước diệt thì điểm sáng sau lại tiếp tục lóe sáng, ở giữa nhất định có khe hở, dù vi tế đến đâu thì ở giữa vẫn có khe hở, không thể không có khe hở. Giống như cuộn phim điện ảnh vậy, khi đặt vào máy chiếu để chiếu ra cũng là ống kính đóng mở, mở là sanh, đóng là diệt, giữa sự đóng mở của mỗi tấm hình chắc chắn có khoảng cách, nhưng cự ly của khoảng cách này quá ngắn, mắt thịt của chúng ta chưa phân biệt kịp thì nó đã biến mất rồi, nhưng chắc chắn là có. Cho nên tất cả đều là tâm hiện thức biến.