/ 40
14

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 37

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 11 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 39, dòng thứ ba từ dưới lên, bắt đầu xem từ phần A.

“A - Vãng sanh bậc thượng chỉ là Bồ-tát, kinh này nêu rõ ba bậc vãng sanh, mỗi bậc lại chia làm ba phẩm, giống như chín phẩm trong Quán kinh. Các cổ đức trước đại sư Thiện Đạo thời Đường nói vãng sanh Cực Lạc thượng phẩm thượng sanh là Bồ-tát từ Tứ địa cho đến Thất địa”. Chúng ta học đoạn này trước, ở đây tiếp theo phần trước nói rằng: “Chỉ có Tịnh độ là hiếm lạ, đặc biệt, thù thắng, vi diệu, lập riêng phong cách”. Căn cơ được độ hóa nói ở đây không giống với các kinh luận khác. Từ xưa đến nay rất nhiều tổ sư đại đức, cách nói của các ngài không như nhau, tuy có nhiều cách nói nhưng quy nạp lại không ngoài ba loại lớn. Hạng người thứ nhất là vãng sanh bậc thượng, cũng chính là ba phẩm bậc thượng gồm: thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm, trong đây toàn là Bồ-tát; nói cách khác, không phải người thông thường. Tiếp theo Niệm công giải thích đơn giản cho chúng ta hiểu, kinh này, tức là kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh nói ba bậc vãng sanh, mỗi bậc lại chia làm ba phẩm, cùng với chín phẩm trong kinh Quán Vô Lượng Thọ là hoàn toàn tương đồng, ba lần ba là chín. Các cổ đức trước đại sư Thiện Đạo thời Đường, chính là những tổ sư đại đức thời xưa, các ngài chủ trương rằng người vãng sanh Cực Lạc thượng phẩm thượng sanh đều là Bồ-tát từ Tứ địa cho đến Thất địa, bốn cấp bậc 4 - 5 - 6 - 7 vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thượng thượng phẩm. “Thượng trung phẩm là từ Sơ địa cho đến Tứ địa”, cũng là bốn cấp bậc, đây là thượng trung phẩm. “Thượng hạ phẩm là Bồ-tát chủng tánh Đại thừa trở lên cho đến Sơ địa”, ở đây nói đến chủng tánh Đại thừa, chủng là hạt giống, nghĩa là trong a-lại-da thức, ngày nay chúng ta gọi là ấn tượng, nó có nghĩa là “năng sanh”, giống như hạt giống của cây vậy, “chủng” ở đây thêm vào chữ “tánh”, tánh là thể tánh, tánh có nghĩa là vĩnh hằng bất biến. Cho nên nói tánh thể, nghĩa là sao? Trong Hoàn Nguyên Quán nói là “thể tự tánh thanh tịnh viên minh”, trong triết học gọi là bản thể của vạn hữu, chắc chắn không thể rời khỏi nó được. Cũng như trong ví dụ của chúng tôi, thể ví như màn hình tivi, thức có thể sanh có thể biến, nó có sanh diệt, đó là những hình ảnh hiện ra trên màn hình. Nói chủng tánh nghĩa là bao gồm toàn bộ cái có thể sanh, có thể hiện, có thể biến, đều bao gồm hết, giáo pháp Đại thừa thường nói tâm hiện thức biến, chủng tánh có nghĩa là như vậy.

Chủng này là chủng tánh Đại thừa, trong kinh Anh Lạc nói có năm chủng tánh, có sáu chủng tánh, năm chủng tánh là từ nhân mà nói, sáu chủng tánh là vừa nhân vừa quả, ở đây chúng tôi giới thiệu sơ lược qua một chút. Thứ nhất là “tập chủng tánh”, ngạn ngữ Trung Quốc có câu “từ nhỏ thành như tánh, thói quen thành tự nhiên”, nhà Phật thường gọi là tập khí, chính là tập chủng tánh. Tập chủng tánh trong Đại thừa, đương nhiên là do bạn đã huân tập rất lâu trong Đại thừa, học tập kinh giáo Đại thừa, gọi là thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, huân tu nên thật sự có chủng tánh này, thật sự có chủng tánh này thì nó sẽ khởi tác dụng. Khởi tác dụng gì vậy? Trong Hoàn Nguyên Quán nói “ngũ chỉ lục quán”, nó khởi lên tác dụng này, tác dụng này có thể soi thấy năm uẩn đều không, có thể phá kiến tư phiền não. Nếu không thể soi thấy năm uẩn đều không thì không thể đoạn được kiến tư phiền não, không đoạn được thì không ra khỏi tam giới, không ra khỏi lục đạo luân hồi, không ra khỏi mười pháp giới. Những điều trong kinh Anh Lạc nói là Đại thừa, Đại thừa có Biệt giáo và Viên giáo, cảnh giới của Biệt giáo và Viên giáo khác nhau rất lớn. Hoa Nghiêm nói về Viên giáo, nhưng thông thường thì nói nhiều về giáo nghĩa của Biệt giáo, như điều trong kinh Anh Lạc nói, đó chính là giáo nghĩa của Biệt giáo, vì còn ở trong địa vị tam hiền. Đoạn hết kiến tư phiền não thì công phu đoạn chứng bằng với A-la-hán, người này đạt đến cảnh giới nào? Đến pháp giới Thanh văn trong tứ thánh pháp giới. Trong Hoa Nghiêm thì người này đạt đến địa vị Thất tín trong Thập tín, vẫn chưa đến Sơ trụ, Sơ trụ là chứng quả, không phải là nhân. Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn trong mười pháp giới, theo giáo lý Đại thừa thì đều ở nhân vị, đều đang tu nhân. Do đây có thể biết, quán “không” là quan trọng, “nghiên cứu học tập quán không”. Cũng chính vì lý do này mà ở Trung Quốc, sự nổi tiếng của kinh Kim Cang được xếp hàng đầu trong số các kinh điển, rất nhiều người đều biết kinh Kim Cang, còn những kinh khác thì họ không biết, không ai không biết kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang là phá không, “phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng”. Dạy chúng ta tu hành phải hạ thủ công phu từ đâu? Từ phá bốn tướng, không tướng ta, không tướng người, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả. Nếu bạn thật sự nhìn thấu bốn tướng này thì không còn chấp trước nữa, không tướng ta là không còn xem thân này là ta nữa, thật sự xem thân này như quần áo, là cái của ta, đây là chân tướng sự thật. Xem thân này là ta thì sai rồi, sẽ không ra khỏi lục đạo luân hồi, dù tu đức hạnh gì, làm việc tốt nào, hành thiện tích đức, quả báo đều ở cõi trời người, không thoát khỏi lục đạo, nguyên nhân do đâu? Vì chấp thân này là ta.

/ 40