/ 36
3

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 36

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 10 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 38, hàng thứ hai từ dưới lên, cũng chính là mục thứ năm: “Căn khí được độ”.

“Trên đã nêu rõ kinh này rộng thâu vạn loại, trùm khắp ba căn”, chữ “trùm” này âm Hán Việt không đọc là “bị”, mà đọc là “phi”, đọc âm “phi” nghĩa là trùm lên trên mình, âm xưa đọc là phi, trùm khắp ba căn. “Nay sẽ nói rõ hơn: trong vạn loại, thế nào là căn khí phù hợp; trong ba căn, ai là hạng đương cơ?” Đầu tiên, trước đây đã nói bộ kinh này, pháp môn này là tất cả căn tánh thảy đều có thể nhận được lợi ích. Cho nên Tịnh tông thường nói “trùm khắp ba căn, lợi độn cùng thâu”, đây là nói về sự rộng lớn của pháp môn. Đồng thời cũng nhắn nhủ rằng, đối với nhiều người căn tánh không như nhau, rốt cuộc căn tánh như thế nào thì khế hợp với căn khí của pháp môn này nhất? Điều này không thể không biết. Tiếp theo nói cho chúng ta biết, “về căn khí thì có căn khí phù hợp và căn khí không phù hợp”, khí ở đây là thí dụ cho vật đựng, ví như cốc trà, cốc trà này, dùng cái này để thí dụ. “Căn khí phù hợp” là vật đựng đã hoàn thiện, có thể chứa nước; “căn khí không phù hợp” tức là trong đó bị bể, rò một lỗ dưới đáy, bị nứt, nên không còn là vật đựng nữa, chúng ta đựng nước thì sẽ rò rỉ hết, đây gọi là căn khí không phù hợp. Dùng điều này để thí dụ cho người như thế nào thì có thể tiếp nhận được pháp môn này, người tiếp nhận được là căn khí phù hợp, không thể tiếp nhận là căn khí không phù hợp. “Căn khí rò rỉ chẳng thể thọ nhận cam lộ pháp”, pháp là Phật pháp, cam lộ là nước cam lộ, chính là thứ tuyệt vời nhất trong Phật pháp. Bởi vì đây cũng là một thí dụ cho thức uống của người trời, cam lộ là thức uống tốt nhất. Nếu vật đựng bị nứt, bạn dùng đựng cam lộ, vậy cam lộ sẽ chảy hết. Cho nên không thể thọ nhận cam lộ của Phật pháp, đây gọi là “căn khí không phù hợp”. Ở đây giải thích sơ lược ý nghĩa của danh tướng.

Tiếp theo dẫn lời đại sư Liên Trì trong Sớ Sao nói về “ba loại căn khí không phù hợp”, ba hạng người này không cách nào tiếp nhận được giáo huấn của Tịnh tông, thứ nhất là “vô tín”, họ không tin tưởng; thứ hai tuy có tín nhưng họ không muốn cầu vãng sanh, họ rất lưu luyến thế gian này, cảm thấy thế gian này rất tốt đẹp, rất thú vị nên không muốn đi; thứ ba là “vô hạnh”, tuy cũng muốn vãng sanh nhưng không chịu làm, không thể y giáo tu hành, ba hạng người này chính là căn khí không phù hợp. “Ngược lại thì là căn khí phù hợp”, còn như ngược lại thì phù hợp, họ có thể tin, có thể nguyện, thật làm, người như thế nhất định được sanh, buộc phải đầy đủ ba điều kiện này. Có tín có nguyện, mà hành không đắc lực, không thật sự hành, không thật làm, nếu khi lâm chung gặp được bạn lành; một điều kiện quan trọng khi lâm chung là đầu óc sáng suốt, nếu đầu óc không sáng suốt thì không có cách nào. Cho nên, nếu người già bị chứng mất trí thì không có cách nào, cả đời niệm Phật niệm đến cuối cùng bị tình cảnh này thì không thể nắm chắc được vãng sanh. Người già bị chứng mất trí, trong Phật pháp nói là do oán thân trái chủ, là nghiệp chướng! Cho nên, học Phật không thể không biết một số chân tướng sự thật này. Những ngày chúng ta còn sống, không nói đến năm, sống một ngày thì phải biết nỗ lực tiêu trừ nghiệp chướng, tiêu trừ nghiệp chướng một ngày, nhất định không kết oán thù với người, phải học đâu đâu cũng chịu thiệt, chịu thiệt là thật sự có phước! Chịu thiệt thì bạn mới có thể tiêu trừ nghiệp chướng, không chịu thiệt thì nghiệp chướng không tiêu được; nếu còn muốn chiếm một chút tiện nghi thì mỗi ngày bạn đang tăng trưởng nghiệp chướng, như vậy hoàn toàn sai rồi. Ở thế gian này, dù bạn có được cả thế giới thì có ý nghĩa gì, chỉ tạo nghiệp tội lớn! Giống như quyển sách này nói, thời đại đế quốc La Mã, đại đế Caesar phái đoàn quân đến xâm lược Trung Quốc, mười mấy vạn người, vào thời đó là hành quân đường bộ, đã đi hết một năm hai tháng mới đến được biên giới của Trung Quốc, vất vả biết bao! Đi bộ chặng đường dài như thế, đội quân đã mất đi gần một phần ba người, phần thì bị bệnh chết, người già yếu cũng đều chết hết. Cho nên đến Trung Quốc, còn chưa vào được Trung Nguyên, lúc đến khu vực Cam Túc hình như chỉ còn lại hơn 6.000 người, bạn nghĩ xem mười mấy vạn người mà chỉ còn lại hơn 6.000 người. Đánh được vài trận chỉ còn lại 600 người, cuối cùng còn lại 600 người; 600 người này sau khi đánh nhau với một tướng quân của Trung Quốc thì còn lại 200 người, cuối cùng toàn bộ đều tự sát, toàn quân bị tiêu diệt. Bạn nói xem có ý nghĩa gì đâu! Đó là do dục vọng của Caesar quá lớn, muốn chinh phục toàn thế giới, hơn ba năm, gần bốn năm, mười mấy vạn người đều chết hết. Cho nên, chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật của thế gian này, dù bạn có được cả thế giới thì bạn có thể hưởng phước được mấy năm? Bạn tạo ra tội nghiệp nặng cỡ nào! Sau khi chết đọa vào địa ngục A-tỳ, điều này là chắc chắn. Cho nên hiểu được chân tướng sự thật về nhân quả thì bạn sẽ không có ý niệm này, ý niệm này là ý niệm bất thiện.

/ 36