TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 35
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 10 tháng 05 năm 2010
Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 37, hàng thứ tư từ dưới lên:
“Lại nữa, hai loại Đại Tiểu bản của kinh này, bản dịch Tiểu bản đời Tần có câu ‘nhất tâm bất loạn’, nay Đại bản không nói ‘nhất tâm bất loạn’ mà chuyên chú ‘nhất hướng chuyên niệm’. Đối chiếu hai bản này với nhau thì tông chỉ của kinh này càng sáng tỏ, càng khế hợp căn cơ của chúng sanh, tỏ rõ ân đức vô cực của đấng Từ Tôn”. Chúng ta xem đến đây. Ba kinh một luận của Tịnh tông, đại đức xưa cũng thường gọi là kinh Vãng Sanh, chuyên giảng về việc vãng sanh thế giới Cực Lạc. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh A-di-đà là cùng một bộ, cho nên cổ đức gọi kinh Vô Lượng Thọ là Đại bản, kinh A-di-đà là Tiểu bản, tiểu bản có 2 bản dịch, Đại bản có 12 bản dịch. Bản dịch thời Tần do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch, thời Diêu Tần, trong kinh có câu “nhất tâm bất loạn”, có câu này. “Nay Đại bản không nói ‘nhất tâm bất loạn’ mà chuyên chú ‘nhất hướng chuyên niệm’”, tức là câu này có khác biệt. Tiểu bản là do đại sư Huyền Trang phiên dịch vào thời Đường, ngài không dịch là nhất tâm bất loạn, mà dịch là nhất tâm hệ niệm, đây là nguyên văn trong kinh điển bằng tiếng Phạn, là ý nghĩa của nguyên văn. Đại sư Huyền Trang dịch thẳng, đại sư Cưu-ma-la-thập dịch ý, ngài thoát khỏi văn tự mà dịch nghĩa trong kinh, cho nên chúng ta đọc bản dịch của ngài La-thập thì thấy giống như văn chương do người Trung Quốc viết, rất thích hợp với khẩu vị của người Trung Quốc, kinh Di-đà được lưu thông hết sức rộng rãi. Còn bản dịch của đại sư Huyền Trang trước giờ đều được cất giữ trong Đại tạng kinh, không ai đọc bản dịch của ngài, đọc bản ấy giống như đọc văn chương của người nước ngoài, chúng ta đọc lên không suôn.
Thật ra mà nói không dễ gì đạt được nhất tâm bất loạn, cho nên rất nhiều người nhìn thấy nhất tâm bất loạn trong kinh đều lắc đầu, nói không làm được. Nhất tâm hệ niệm thì đại khái cũng không thành vấn đề, nhất tâm hệ niệm nghĩa là trong tâm chúng ta thường xuyên nhớ đến, việc này dễ làm được. Nhất hướng chuyên niệm lại càng dễ làm hơn, một phương hướng là thế giới Tây Phương Cực Lạc, chuyên niệm A-di-đà Phật, chuyện này lại càng dễ. Ngài La-thập dịch là nhất tâm bất loạn, có phải ngài nâng cao cảnh giới này lên hay không? Ngài có lỗi hay không? Kỳ thực không có. Nếu bạn thật sự niệm đến công phu thành phiến thì chính là nhất hướng chuyên niệm, trong nhất hướng chuyên niệm cũng có ba bậc chín phẩm, nếu là bậc thượng, nghĩa là ba phẩm thượng, thì khi lâm chung Di-đà đến tiếp dẫn, trước tiên chắc chắn là ngài phóng quang chiếu rọi, quang minh vừa chiếu đến liền nâng cao công phu của bạn lên, nâng công phu tương đối ấy lên. Công phu thành phiến thì nâng lên thành nhất tâm bất loạn, trong nhất tâm bất loạn vẫn có ba bậc chín phẩm, sự nhất tâm có ba bậc chín phẩm. Ở thế giới này của chúng ta, cõi Phương tiện hữu dư của Thích-ca Mâu-ni Phật ở đâu? Ở tứ thánh pháp giới trong mười pháp giới, trong đó vẫn có bốn cấp bậc: Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật, bốn cấp bậc này đều gọi là cõi Phương tiện hữu dư, đều là sự nhất tâm bất loạn, thế nên sự khác biệt trong đó vẫn rất lớn, A-la-hán so với Phật, với Bồ-tát đúng là còn kém rất xa. Lý nhất tâm bất loạn là bình đẳng, sanh về cõi Thật báo trang nghiêm, công phu này thì càng khó hơn. Cho nên, đối chiếu kinh Vô Lượng Thọ với kinh Di-đà thì tông chỉ của bộ kinh này, tức là nguyên tắc chỉ đạo tu hành sẽ càng rõ ràng, càng sáng tỏ. “Càng khế hợp căn cơ của chúng sanh”, khiến tất cả chúng sanh xem đến kinh văn sẽ không hoài nghi, cảm thấy mình có thể tiếp nhận, vẫn có thể học tập, điều này tỏ rõ, Từ Tôn là A-di-đà Phật, ân đức của Di-đà đối với tất cả chúng sanh là vô hạn.
“Di-đà Yếu Giải nói: Nếu chấp trì danh hiệu mà chưa đoạn kiến tư hoặc, tùy theo công phu tán hay định mà cõi Đồng cư chia làm ba bậc chín phẩm”. Ba bậc chín phẩm trong cõi Đồng cư, do chấp trì danh hiệu mà chưa đoạn kiến tư phiền não, nên công phu có tán, có định, đây là nói về tâm của bạn. Bạn dùng tâm tán loạn trì danh liệu có khả năng vãng sanh hay không? Có khả năng, song không chắc chắn, then chốt là ở niệm cuối cùng, một niệm cuối cùng khi lâm chung là A-di-đà Phật thì nhất định được vãng sanh. Nguyện thứ 18 nói một niệm, mười niệm đều được vãng sanh, bởi vì một câu A-di-đà Phật này đã hàng phục được vọng niệm của bạn, vọng niệm của bạn biến thành A-di-đà Phật. Then chốt là ở một niệm cuối cùng, bình thường thì không sao, nhưng niệm cuối cùng có liên quan rất lớn. Được định là thật sự công phu đã thành phiến, công phu niệm Phật lúc bình thường thật sự hàng phục được tập khí phiền não, tuy chưa đoạn kiến tư phiền não, song ở cõi Phàm thánh đồng cư phẩm vị đã cao rồi. Ở đây nói rất rõ, ba bậc chín phẩm, ba bậc thượng trung hạ, trong mỗi bậc đều có ba phẩm thượng trung hạ. Đến cõi Thật báo trang nghiêm, trong kinh luận của Tịnh độ không có nói, nhưng trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng, 41 giai vị Pháp thân đại sĩ, có 41 cấp bậc, từ trong hội Hoa Nghiêm chúng ta hiểu rõ điều này, các giai vị này không thể nói có, cũng không thể nói không. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, cõi Thật báo trang nghiêm cũng có ba bậc chín phẩm, cũng như vậy, không thể nói là có, không thể nói là không. Điều thù thắng không gì bằng ở thế giới Cực Lạc thật ra mà nói chính là cõi Phàm thánh đồng cư, bởi vì nó là Đồng cư tịnh độ, trong mười pháp giới của chư Phật Như Lai khắp thế giới mười phương thì lục đạo đều là uế độ, không phải Tịnh độ; tứ thánh pháp giới là Tịnh độ, có nghĩa là tâm có tịnh uế. Trong uế độ thì có thiện ác, trong Tịnh độ thiện ác không còn, có thiện ác thì không thanh tịnh, nên không có thiện ác. Trong lục đạo có thiện ác, cho nên có ba đường thiện và ba đường ác.