TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 34
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 09 tháng 05 năm 2010
Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 36, dòng thứ 3 từ dưới lên.
“Hơn nữa, bốn cách niệm Phật khó dễ khác xa nhau. Dường như có sâu cạn khác biệt, nhưng thật ra lý và sự không hai, sâu chính là cạn, cạn chính là sâu. Đối với người viên dung thì xưng danh liền thầm hợp đạo mầu, vừa cất bước đã về đến nhà. Do vậy, trì danh niệm Phật nào khác thật tướng niệm Phật”. Đến đây là một đoạn nhỏ, đoạn này Niệm lão nói chi tiết cho chúng ta về công phu tu hành, tu là sửa đổi cho đúng, hành là tư tưởng hành vi. Hành vi gồm có ba loại, khởi tâm động niệm là hành vi của ý; ngôn ngữ là hành vi của miệng; tất cả động tác thân thể là hành vi của thân, hành vi dù nhiều đến đâu cũng không ngoài ba loại thân khẩu ý. Nếu tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta sai lầm, nhất là trong Phật pháp Đại thừa, tiêu chuẩn là tự tánh, cũng gọi là pháp tánh, thứ tương ưng với tự tánh và pháp tánh thì chính xác, là hành vi đúng đắn; thứ trái ngược với tánh đức, đó chính là hành vi sai lầm. Hành vi đúng đắn thì khỏe mạnh, đối với bản thân mà nói là thân tâm khỏe mạnh, chúng ta thường gọi là gia đình hòa thuận, sự nghiệp thuận lợi, xã hội an định, thế giới hòa bình, từ góc độ gần mà nói, đây là lợi ích đạt được từ việc sửa đổi hành vi; nếu nhìn từ góc độ xa rộng thì tâm hạnh của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến hoàn cảnh xung quanh chúng ta, hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, ảnh hưởng đến cây cối hoa cỏ, ảnh hưởng đến núi sông đất đai, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ vũ trụ. Vì sao vậy? Trong Phật pháp Đại thừa có hai câu nói vô cùng quan trọng, đó là nguyên tắc tối cao, là thân chứng của chư Phật Như Lai, ngày nay người thông thường chúng ta gọi là chân lý, chư Phật Như Lai đã đích thân chứng đắc. Đó chính là “tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”, “hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh”, chư Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh giảng kinh dạy học, bất luận là ở thế giới này hay phương khác, ngày nay chúng ta nói là giáo hóa tất cả chúng sanh trong các chiều không gian khác nhau, đều không rời hai câu này. Hai câu này nếu chúng ta hiểu thấu, thật sự hiểu rõ thì vấn đề của bản thân chúng ta đã giải quyết xong, vấn đề trong vũ trụ cũng giải quyết xong, thật sự không thể nghĩ bàn!
Phật nói những gì ngài chứng đắc, chẳng phải chỉ riêng ngài có, những người nào có vậy? Phật nói tất cả chúng sanh người nào cũng có, chúng sanh ở đây không phải là nói rất nhiều rất nhiều người, nếu chúng ta hiểu như vậy thì phạm vi này quá hạn hẹp. Nghĩa gốc của từ “chúng sanh” mà trong kinh Phật nói, đó là hiện tượng do các duyên hòa hợp sanh ra thì gọi là chúng sanh. Chúng ta nghĩ xem, bất luận là hiện tượng gì, có hiện tượng nào không phải do các duyên hòa hợp mà sanh khởi hay không? Tìm không ra. Chúng ta là động vật, con người là động vật, Phật nói do cái gì hòa hợp mà thành? Do tứ đại ngũ uẩn, tứ đại là nói về vật chất, ngũ uẩn là nói toàn thể, sắc trong ngũ uẩn chính là tứ đại, nếu nói tỉ mỉ về sắc thì chính là tứ đại, thọ tưởng hành thức là tinh thần, toàn bộ vũ trụ cũng không ngoài hai thứ vật chất và tinh thần. Trong vật chất có tinh thần, trong tinh thần có vật chất, đây là khoa học cao cấp, triết học cao cấp trong Phật pháp. Vũ trụ từ đâu mà có? Sinh mạng từ đâu mà có? Ta từ đâu mà có? Trong kinh điển Đại thừa đã nói rất rõ ràng, rất sáng tỏ, là do tâm hiện thức biến. Tâm ở đây chính là tánh, tánh là nói về thể, cho nên tâm tánh đôi khi cùng một ý nghĩa, có khi chia ra làm hai ý, xem bạn dùng nó vào chỗ nào, cũng có thể nói liền tâm tánh với nhau. Tâm tánh là chân tánh, trong tâm tánh không có vật chất cũng không có tinh thần, giống như bản thể được nói trong triết học, bản thể của vũ trụ vạn hữu, trong giáo pháp Đại thừa gọi là tâm tánh, nó không phải là tinh thần, cũng không phải là vật chất, nhưng nó có thể biến hiện ra vật chất, cũng có thể biến hiện ra tinh thần; nói cách khác, hiện tượng tinh thần và vật chất, hai hiện tượng này đều từ tâm tánh biến hiện ra, đều từ tâm tánh mà có. Chỉ có tâm tánh là vĩnh hằng, không sanh không diệt, nó không sanh thì đương nhiên là không diệt, nó không có gì hết nhưng chẳng thể nói nó là không; nó có thể sanh vạn pháp, nhưng không thể nói vạn pháp là có.