/ 36
14

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 31

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 06 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang 32, hàng thứ năm từ dưới lên.

“Phàm phu mang nghiệp vãng sanh về cõi Đồng cư, do đích thân nghe lời Phật dạy nên không thoái chuyển. Do thọ mạng vô lượng nên thảy đều trong một đời, đoạn trừ sạch các hoặc, trọn lên bốn cõi thanh tịnh. Cho nên sanh về cõi Đồng cư cũng chính là sanh về ba cõi trên, vậy nên nói là sanh trọn bốn cõi”. Đoạn kinh văn này tổng kết bốn loại Tịnh độ mà chúng ta đã học phần trước, trong bốn loại Tịnh độ này thì thù thắng không gì bằng chính là cõi Đồng cư. Chẳng những trong tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói 49 năm, đây là điều thù thắng nhất, mà trong tất cả pháp môn vô lượng mà chư Phật ở mười phương thế giới đã nói thì cõi Đồng cư của thế giới Cực Lạc vẫn là thù thắng nhất. Nếu chúng ta không nhận thức rõ ràng, nhận thức sáng tỏ sự việc này thì đối với với tin sâu nguyện thiết sẽ cảm nhận không đủ, chỉ sau khi thông đạt hiểu rõ thì việc tin sâu nguyện thiết mới viên mãn; tín nguyện viên mãn thì như đại sư Ngẫu Ích nói “nhất định vãng sanh”. Vãng sanh về cõi Đồng cư, rốt cuộc thù thắng ở chỗ nào? Đoạn nhỏ này sẽ nói rõ cho chúng ta. “Phàm phu mang nghiệp”, phải biết chúng ta là phàm phu, chúng ta không phải là thánh nhân, chẳng những không có phần của đại thánh, mà tiểu thánh cũng không có phần, tiểu tiểu thánh chúng ta cũng không làm được, từ việc này chúng ta cảm nhận sâu sắc, và cũng vô cùng hổ thẹn. Phải học Phật như thế nào? Đầu tiên phải trì giới, không trì giới thì không có gốc. Cho nên người tại gia học Phật có ba gốc, người xuất gia học Phật có bốn gốc. Thứ hai là phải tu hành, phải thật tu hành thì bạn mới có thành tựu. Thật tu hành, chúng ta mang nghiệp cầu vãng sanh, đó chính là phải phát nguyện, phải niệm Phật, ba điều kiện tín nguyện hạnh bạn phải có đầy đủ. Thật sự có nguyện, nguyện làm sao sanh ra? Biết thế gian này là khổ, khổ không nói nên lời, biết là khổ thì chúng ta mới muốn thoát ly thế gian này.

Thế gian này có quá nhiều thứ cám dỗ, cám dỗ của ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, biết là khổ thì không bị cám dỗ. Nếu ta muốn được sự hưởng thụ của thế gian, thì chính mình nhất định phải nghĩ xem, cái giá sẽ trả là bao nhiêu? Có đáng hay không? Không đáng. Cho dù làm quốc vương ở thế gian này, người thế gian thường nói “sang như thiên tử, giàu có bốn biển”, bạn có thể hưởng thụ được mấy năm? Đại khái trong số đế vương các đời, người hưởng thụ lâu nhất không ai hơn Khang Hy. Khang Hy làm hoàng đế 61 năm. Càn Long không dám vượt hơn ông nội, cho nên làm vua 60 năm, đem vương vị nhường cho con trai, bản thân làm Thái thượng hoàng 4 năm rồi cũng ra đi. Cho nên bạn nghĩ xem, có thể hưởng thụ bao lâu? Sau khi hưởng hết phước báo rồi thì đi về đâu? Không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Đã không ra khỏi lục đạo luân hồi thì có thể suy ra mà biết được, đời sau không bằng đời trước, chúng ta nói về kiếp, kiếp sau không bằng kiếp trước, đây là sự thật. Đây chính là cái giá mà bạn phải trả, tu phước bao nhiêu đời mới được một lần làm hoàng đế, nhưng một lần đã hưởng hết phước rồi, lại phải lưu lạc bao nhiêu đời nữa, hà tất phải như vậy? Đây là việc chúng ta phải nhìn cho rõ ràng sáng tỏ, rồi sau đó không những ngôi vị đế vương của thế gian không cách nào cám dỗ được chúng ta, mà Đại Phạm thiên vương, Ma-hê-thủ-la thiên vương cũng không thể dụ hoặc được người tu hành. Người tu hành đã giác ngộ, hiểu rõ rồi, vô lượng kiếp ở thế gian chẳng qua chỉ là một khảy ngón tay mà thôi, phải nên xác định rõ mục tiêu và phương hướng, quyết định trở về tự tánh, trở về đại viên mãn, tự tánh là đại viên mãn. Trong kinh Hoa Nghiêm, Thế Tôn nói với chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng và trí tuệ của Như Lai”, chúng ta phải tìm lại chúng, chúng là thứ vốn có, vốn có thì nhất định sẽ tìm lại được. Lục đạo và mười pháp giới vốn là không có, chỉ là cơn ác mộng, là ác mộng thì chắc chắn có thể tỉnh lại, tỉnh lại rồi thì không còn nữa. Chúng ta tin rằng, dù thật sự đã tỉnh lại rồi nhưng tâm vẫn còn khiếp sợ, lục đạo khổ, mười pháp giới khổ, đây là cơn ác mộng. Cho nên thức tỉnh lại, thật sự thức tỉnh lại không dễ dàng.

/ 36