/ 30
6

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 30

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 05 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang ba mươi hai, chúng ta xem từ dòng thứ nhất.

“Các đại sĩ trong cõi ấy, sắc và tâm tự tại, thân và cõi hiện lẫn nhau, nơi một đầu lông hiện cõi bảo vương, trong một vi trần chuyển đại pháp luân. Xứng tánh trang nghiêm, không có chướng ngại”. Lần trước chúng ta học tập tới đây, chúng ta xem đoạn văn tiếp theo: “Từ bậc Sơ trụ của Viên giáo trở lên cho đến Đẳng giác Bồ-tát, 41 giai vị Pháp thân đại sĩ đều thuộc cõi này, giai vị nào cũng đều phần chứng Thường tịch quang”. Đây là câu cuối cùng trong đoạn này. Đoạn này nói về cõi Thật báo trang nghiêm, cõi Thật báo trang nghiêm là báo độ do Pháp thân Bồ-tát cảm được. Bồ-tát Sơ trụ của Viên giáo phá vô minh, chứng pháp thân. Vô thỉ vô minh chính là khởi tâm động niệm, chúng ta rất khó thể hội điều này, cũng có thể nói là phàm phu trong lục đạo bất luận dùng phương pháp gì cũng không thấu hiểu được, nghĩ không ra chuyện này, cũng nói không ra, đúng như trong giáo pháp Đại thừa thường nói “dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành”, hai câu này chính là nói về cảnh giới này. Đức Phật nói rất hay: “Chuyện này chỉ có chứng thì mới biết được”, bản thân bạn chứng đắc thì sẽ hiểu rõ ràng sáng tỏ. Sau khi bạn chứng đắc, bạn cũng không thể diễn tả được. Không diễn tả được, Phật có phương tiện, đây chính là trí tuệ viên mãn, phương tiện khéo léo của Phật. Tuy Phật đã nói ra, nhưng phàm phu chúng ta vẫn không hiểu. Ai hiểu được? Pháp thân Bồ-tát hiểu. Kế đó, hàng quyền giáo Bồ-tát đã buông xuống phân biệt, chấp trước cũng có thể hiểu, trong kinh gọi là giải ngộ, không phải là chứng ngộ, họ có thể nghe hiểu. Tâm của họ thanh tịnh hơn tâm chúng ta nhiều, kinh Vô Lượng Thọ nói họ đắc tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, cho nên họ hiểu. Nhất định phải phá vô minh, chứng pháp thân thì họ mới thật sự hiểu. Vì sao vậy? Đó là cảnh giới của họ, từ Sơ trụ trở lên cho đến Đẳng giác.

Bốn mươi mốt giai vị Pháp thân đại sĩ đều thuộc cõi này, đây là báo độ của các ngài. Pháp thân đại sĩ đã chứng đắc thân pháp tánh, hoàn cảnh mà họ cư trụ là cõi pháp tánh, khác biệt nhiều so với cõi của chúng ta. Bên này của chúng ta nói tịnh, nói nhiễm là uế độ, lục đạo là uế độ, tứ thánh pháp giới là Tịnh độ. Trong cõi pháp tánh không có tịnh uế, càng không có thiện ác, ngay cả những danh từ ấy còn không nghe thấy, thì làm gì có các hiện tượng đó. “Giai vị nào cũng đều phần chứng Thường tịch quang”, nói thật ra, Tịch quang là lý thể của hết thảy y báo và chánh báo, nói theo danh từ triết học thì là bản thể của hết thảy y báo và chánh báo. Trước đó chúng tôi đã nhiều lần dùng tivi làm thí dụ, Tịch quang là gì? Tịch quang là màn hình tivi, các cõi Đồng cư, Phương tiện và Thật báo là những hình ảnh hiện trên màn hình, chúng có mối quan hệ như vậy. Cho nên, chúng ta biết mình có ở trong cõi Thường tịch quang hay không? Có ở! Chưa từng rời khỏi Thường tịch quang, rời khỏi Thường tịch quang là rời khỏi màn hình, rời khỏi màn hình thì thứ gì cũng đều không có. Ở đây vì sao nói giai vị nào cũng đều phần chứng Thường tịch quang? Vì các ngài đã chứng đắc, phần chứng ở đây chính là minh tâm kiến tánh. Tánh là gì? Thường tịch quang là tánh, các ngài đã kiến tánh. Tuy tự tánh của chúng ta ở ngay trước mặt, nhưng không nhìn thấy! Giống như chúng ta xem tivi, chỉ thấy hình ảnh, không thấy màn hình, màn hình có tồn tại hay không? Ở ngay trước mặt nhưng không thấy màn hình, chỉ thấy hình ảnh trên màn hình. Pháp thân đại sĩ không như vậy, các ngài thấy hình ảnh, đồng thời biết rằng hiện tượng này ở trên màn hình, chúng với màn hình là một, không phải hai, có quan hệ “chẳng phải một, chẳng tách rời” với màn hình. Chúng không rời khỏi màn hình, nhưng cũng không phải là màn hình, chẳng phải một, chẳng tách rời. Thường tịch quang, thường là vĩnh hằng, chưa từng gián đoạn. Gọi là “cõi Thường tịch quang” cũng được, mà nói “thân Thường tịch quang” cũng được, thân và cõi là một, cho nên kinh Đại thừa có khi tỉnh lược thân và cõi, chỉ gọi là Thường tịch quang, để chúng ta đừng phân biệt chấp trước nữa, là ý nghĩa như vậy. Nói về cõi Thật báo tới đây là xong.

/ 30