/ 30
14

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 29

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 04 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang ba mươi, dòng thứ sáu từ dưới lên.

“Hơn thế nữa, như Yếu Giải nói: Nên biết đại sự nhân duyên của bọn ta, cửa ải Đồng cư này là khó thấu tỏ, vượt qua nhất”. Đây là lời đại sư Ngẫu Ích nói trong Yếu Giải, đoạn văn tự về tông thú này rất dài, điều này chứng tỏ đây là khoa đề vô cùng quan trọng trong tu học Tịnh tông, nói về phương hướng và mục tiêu tu học của chúng ta, phải hiểu cho rõ ràng sáng tỏ thì đời này chúng ta mới có thể thành tựu. Trong câu này đại sư Ngẫu Ích nhắc nhở chúng ta, nên biết rằng, bọn ta ở đây, nói theo hiện nay là chúng ta, những người phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, đây là chuyện lớn, không có chuyện nào lớn hơn chuyện này. Dứt sanh tử, thoát tam giới, thành Phật quả viên mãn rốt ráo, còn có chuyện nào lớn hơn chuyện này? Thế Tôn nói trong kinh Pháp Hoa: ngài là vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, nói cách khác, những chuyện khác thì bậc thánh hiền, hào kiệt thông minh trí tuệ trong thế gian này có thể giải quyết, chỉ riêng chuyện này thì họ không có cách nào, không ai có thể giải quyết, thế nên chư Phật Bồ-tát mới xuất hiện ở đời, nếu có người có thể giải quyết thì chư Phật Bồ-tát sẽ không rước lấy phiền phức. Khải thị này rất quan trọng, chúng ta cần phải học tập. Việc lớn khó khăn nhất này chính là cửa ải Đồng cư, những cõi trên đều thuận tiện hơn, đúng như ngạn ngữ thế gian nói: “vạn sự khởi đầu nan”. Tu học Phật pháp, trở về tự tánh, cũng là bước khởi đầu rất khó, khó thấu tỏ, vượt qua nhất, thấu tỏ là hiểu rõ, vượt qua là giải thoát, thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi tam giới.

Tiếp theo Niệm lão nói: “Bởi vì phàm phu trong cõi Đồng cư”, tức là phàm phu trong lục đạo, “phải đoạn hết hai thứ kiến hoặc và tư hoặc, mới đắc lậu tận thông, mới cắt đứt dòng sanh tử, ra khỏi cõi Đồng cư, lên cõi Phương tiện hữu dư. Đây gọi là vượt dọc tam giới, chuyện này rất khó”. Phàm phu trong lục đạo, do đâu mà có lục đạo? Hiện nay chúng ta cũng hiểu rõ, lục đạo là cảnh giới do kiến tư phiền não biến hiện ra. Thấy sai lầm, nghĩ sai lầm, kiến hoặc là cách nhìn sai lầm, tư hoặc là cách nghĩ sai lầm, cũng có nghĩa là bạn đã nhìn sai, nghĩ sai về chân tướng của vũ trụ nhân sinh, cho nên mới biến hiện cảnh giới sai lầm, cảnh giới sai lầm chính là lục đạo luân hồi. Đây là cõi Phàm thánh đồng cư, trong đó có cả phàm lẫn thánh, phần trước đã giới thiệu rồi. Phải đoạn hai loại phiền não lớn này, hai loại phiền não lớn này đều là vô lượng vô biên, để tiện cho việc dạy học, đức Phật đã quy nạp chúng lại, quy nạp kiến hoặc thành 88 phẩm, quy nạp tư hoặc thành 81 phẩm, chia ra thành 9 địa, mỗi địa gồm 9 phẩm, 9 lần 9 là 81 phẩm, đều phải đoạn sạch hết thì mới có thể cắt đứt dòng sanh tử, tức là đoạn sanh tử luân hồi trong lục đạo, lục đạo không còn nữa, cho nên lục đạo là giả, không phải thật. Bạn đã đoạn kiến tư phiền não thì sẽ không còn lục đạo; họ chưa đoạn kiến tư phiền não, nên họ vẫn ở trong lục đạo. Cộng nghiệp và biệt nghiệp khác nhau! Kiến tư phiền não nhiều như thế, Phật dùng phương tiện quy nạp kiến tư phiền não thành năm loại lớn để tiện nói. Kiến giải sai lầm đầu tiên là hiểu lầm thân thể là chính mình, đây là sai lầm đầu tiên, cho nên đoạn kiến hoặc, đầu tiên là phá thân kiến, thật sự giác ngộ được thân không phải là ta. Thân là gì? Thân là cái của ta, không phải là ta. Rốt cuộc trong Phật pháp có nói đến ta hay không? Có, có chân ngã. Bạn thấy trong đại Bát-niết-bàn của Như Lai có bốn tịnh đức, có bốn thứ chân thật, đó là thường - lạc - ngã - tịnh, bốn tịnh đức này thật sự có. Thường là gì? Vĩnh hằng, không sanh không diệt, không biến đổi, đây là chân thường. Chân lạc là gì? Hai bên khổ vui đều không có, đó gọi là chân lạc; khổ vui là đối lập, đối lập thì không vĩnh hằng. Vì thế Phật dạy chúng ta, ngay cả sự vui trên thế gian này cũng phải từ bỏ, trong đây có đạo lý, nó là giả, không phải thật. Nếu là thật thì có bỏ cũng không bỏ được, thứ giả thì có sanh có diệt, phàm có sanh có diệt thì gọi là pháp sanh diệt, đều không phải thật.

Thân thể có sanh có diệt, linh tánh không sanh không diệt, linh tánh là chính mình. Đại sư Huệ Năng kiến tánh, đã tìm được linh tánh, linh tánh có hình dáng thế nào? Đầu tiên là thanh tịnh, “nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh”, trước giờ chưa từng bị ô nhiễm, cho dù đọa lạc trong ngạ quỷ hay địa ngục cũng không bị ô nhiễm. Phật cũng thường nói tới ô nhiễm, cái gì bị ô nhiễm? A-lại-da bị ô nhiễm, bản thân a-lại-da cũng là pháp sanh diệt, cho nên nó không thật. Nó là từ chân mà khởi vọng, đã biến thành vọng, đây là cái đầu tiên, là khởi nguồn của hết thảy sự huyễn hóa không chân thật. Trong các tôn giáo thường nói tới đấng tạo hóa, ai là đấng tạo hóa? A-lại-da là đấng tạo hóa, giáo pháp Đại thừa giảng điều này rất rõ ràng. Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán cũng nói với chúng ta rằng, một niệm bất giác thì từ trong tự tánh biến hiện ra a-lại-da. A-lại-da có ba tướng tế: tướng nghiệp, tướng chuyển, tướng cảnh giới, nói theo danh từ khoa học hiện nay là: năng lượng, thông tin, vật chất, chúng có cùng một nghĩa với a-lại-da. Năng lượng là tướng nghiệp của a-lại-da, thông tin là tướng chuyển của a-lại-da, vật chất là tướng cảnh giới của a-lại-da, ngoài những thứ này ra thì tận hư không khắp pháp giới không có pháp nào có thể được, hết thảy mọi y chánh trang nghiêm đều từ nó mà biến hiện ra, nên bảo là chỉ do thức biến. Nó là thứ biến ra, hết thảy pháp là thứ được biến ra, có thứ biến ra thì nhất định phải có thứ sanh ra, nếu không có thứ sanh ra thì cái gì được biến ra? Tự tánh có thể sanh, có thể hiện, a-lại-da là thứ biến ra và thứ được biến ra, Phật pháp nói được rất rõ ràng, thấu triệt. Trong Phật pháp thì a-lại-da còn được gọi bằng danh từ thần thức, thần thức là gì? Người thế gian chúng ta gọi là linh hồn, cũng có người gọi nó là linh tánh, đều được cả. Khi nó giác ngộ thì gọi là linh tánh, khi nó mê thì gọi là linh hồn, linh tánh và linh hồn là một chuyện, là một thứ, là chính mình, còn thân thể không phải là chính mình. Trong Phật pháp nói linh hồn, trong siêu độ thì gọi là vong linh, đó là linh hồn, nó không thoát khỏi tam giới, cũng không thoát khỏi lục đạo luân hồi. Nếu có thể đoạn hết kiến tư thì sẽ ra khỏi lục đạo luân hồi, không gọi là linh hồn nữa, mà gọi là linh tánh, vì sao vậy? Nó đã giác ngộ. Không giác thì không thể thoát khỏi luân hồi, hễ giác ngộ liền vượt thoát, cho nên A-la-hán được gọi là chánh giác. Người thế gian cũng giác ngộ, nhà khoa học giác ngộ, nhà triết học giác ngộ, nhà tôn giáo cũng giác ngộ, không thể nói họ không giác ngộ. Tuy giác ngộ, nhưng Phật không gọi họ là chánh giác, chánh là tiêu chuẩn của Phật pháp, dựa theo tiêu chuẩn nào thì mới được gọi là giác? Không có kiến tư phiền não thì gọi là chánh giác, nếu còn kiến tư phiền não thì gọi là tà giác, không gọi là chánh giác. Kiến phiền não là sai lầm về mặt kiến giải, bạn còn có thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến, dẫu giác ngộ lớn đến đâu cũng không được gọi là chánh giác; bạn còn có tham sân si mạn nghi, đây là tư hoặc, tức là suy nghĩ sai lầm. Phật quy nạp vô lượng vô biên kiến tư phiền não thành mười điều, kiến hoặc gồm năm điều, tư hoặc gồm năm điều, hễ có những thứ này thì không thể gọi là chánh giác. Chánh giác không có mười thứ này, điều này không dễ! Nhưng mười điều này nhất định phải đoạn, vì sao vậy? Chúng không thật, trong tự tánh không có những thứ này.

/ 30