/ 30
12

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 28

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 03 tháng 05 năm 2010

Địa điểm: Tịnh tông học viện Úc Châu

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi tám, đoạn thứ hai, “tiếp theo nói rõ về thú”. Mời xem kinh văn:

“Phàm chỗ mà tông quy về gọi là thú. Chỗ quy về của phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm là ở vãng sanh Cực Lạc Tịnh Độ, chứng ba loại bất thoái. Cho nên kinh này lấy sanh trọn vào bốn cõi, chóng lên ngôi bất thoái làm thú”. Trước hết sẽ giải thích đơn giản dễ hiểu về khoa đề này, đoạn thứ nhất trước đó giảng về nêu rõ tông, tức là nói rõ nguyên tắc chỉ đạo tối cao khi tu học bộ kinh này, cũng chính là phương hướng. Trong đoạn này, thú là chỗ hướng đến, quy hướng, chúng ta nương theo tông chỉ, nguyên tắc chỉ đạo này để học tập thì sau cùng chúng ta sẽ đạt được kết quả thế nào, đây là thú. Trong phần trước đã nói tông chỉ là “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”, hai câu này hết sức quan trọng. Phát tâm Bồ-đề là gì, cần hiểu cho rõ ràng sáng tỏ. Trong phần trước đã nói đơn giản, phát tâm Bồ-đề chính là phát tâm thành Phật, phát tâm làm Phật. Làm Phật nghĩa là gì? Làm Phật chính là muốn phổ độ hết thảy chúng sanh, giúp những chúng sanh mê hoặc điên đảo trở nên giống như chư Phật, giống như chính mình, cũng đều trở về tự tánh, đều chứng đắc Bồ-đề viên mãn rốt ráo, đây chính là thú. Niệm niệm không đánh mất tâm Bồ-đề, câu này rất quan trọng, trong kinh Hoa Nghiêm nói: nếu quên mất tâm Bồ-đề, mà tu hết thảy pháp thì đều gọi là ma nghiệp, nghiệp là sự nghiệp, những việc mà bạn làm đều dính dáng tới ma. Vì sao vậy? Vì đều là phước báo trong tam giới, không thoát khỏi lục đạo luân hồi, nên gọi đó là ma! Phật là ra khỏi luân hồi, ra khỏi mười pháp giới, bạn không thể thoát ra, nên gọi là giày vò, bạn vẫn bị giày vò trong lục đạo, phải hiểu ý nghĩa này một cách rõ ràng sáng tỏ.

Cho nên chúng ta học Phật, mục tiêu là thế giới Cực Lạc, sau cùng chúng ta là vãng sanh về thế giới Cực Lạc, khi nào vậy? Ngay trong đời này. Đến thế giới Cực Lạc để làm gì? Để chứng ba loại bất thoái, vị bất thoái là vĩnh viễn không còn thoái chuyển về địa vị phàm phu trong mười pháp giới. Quý vị phải biết, lục đạo trong mười pháp giới gọi nội phàm, là phàm phu trong tam giới; tứ thánh pháp giới được gọi là ngoại phàm, ở ngoài lục đạo, nhưng chưa ra khỏi mười pháp giới, họ vẫn phàm phu. Tiêu chuẩn phân biệt phàm thánh ở đâu? Phàm phu dùng a-lại-da, tức là vọng tâm; thánh nhân dùng chân tâm, dùng tự tánh, khác biệt ở chỗ này. Hễ dùng a-lại-da thì sẽ không ra khỏi mười pháp giới. Tuy tứ thánh pháp giới dùng vọng tâm, nhưng dùng được chánh, hoàn toàn tuân theo giáo huấn của Phật Bồ-tát, y giáo phụng hành, thế nên họ rất giống Phật Bồ-tát, song không phải là chân thật, dáng vẻ rất giống, nhưng trên thực tế không giống, cũng tức là họ chưa chuyển thức thành trí. Chuyển tám thức thành bốn trí thì là Phật thật, là thánh nhân thật sự. Chúng ta hiểu rõ ràng sáng tỏ những sự lý này, chính mình thuộc hạng người nào, không cần hỏi người khác, bản thân hiểu quá rõ. Ta là phàm phu hay là Phật Bồ-tát, chẳng phải đã rõ rồi sao? Nếu là phàm phu thì phải hết lòng nỗ lực, nương theo tông thú của kinh giáo để tu hành. Tâm Bồ-đề là tâm thành Phật, tâm độ chúng sanh, thành Phật bằng cách nào? Làm sao độ chúng sanh? Nói cho bạn biết, dùng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, dùng những điều này để viên thành Phật đạo, cũng dùng những điều này để giáo hóa chúng sanh thì sẽ không sai. Bản thân thành tựu không dễ, giáo hóa chúng sanh càng khó hơn, cho nên nếu đem những điều mình đã tu, đã hành hồi hướng về Tịnh độ, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chuyện này dễ dàng, đỡ tốn công hơn! Sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, tuy chưa đoạn tập khí phiền não, nhưng cũng như đã chuyển thức thành trí rồi. Ở thế giới Cực Lạc, trong một đời chắc chắn chứng đắc quả vị rốt ráo, chứng đắc vị bất thoái, hạnh bất thoái, niệm bất thoái.

“Cho nên kinh này lấy sanh trọn vào bốn cõi”, phía trước thêm chữ “trọn”, trọn là viên mãn. Đối với bốn cõi này, bạn chỉ cần sanh vào một cõi thì đều viên mãn sanh vào bốn cõi. Hơn nữa, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc liền chứng đắc ba loại bất thoái. Nguyện thứ 19 của A-di-đà Phật nói rõ với chúng ta, vãng sanh thế giới Cực Lạc đều là Bồ-tát A-duy-việt-trí, A-duy-việt-trí chính là ba loại bất thoái, bạn liền chứng đắc viên mãn ba loại bất thoái. Đây là điều hiếm có khó gặp! Phải biết chuyện này là chân thật, chuyện này mới gọi là việc lớn, trong cõi nước của tất cả chư Phật tận hư không khắp pháp giới không có chuyện nào lớn hơn chuyện này. Ngày nay chúng ta may mắn gặp được rồi, lẽ nào không cảm ơn, lẽ nào không trân trọng, lẽ nào không phát tâm thành tựu ngay trong đời này! Nếu không như vậy thì bạn hết sức sai lầm, không có gì quan trọng hơn chuyện này. Phải làm thế nào thì mới được? Ấn tổ dạy chúng ta, đem chữ “chết” dán trên trán, từng giây từng phút nghĩ ta sắp chết rồi, điều này có nghĩa là gì? Chính là bảo bạn buông xuống thân tâm thế giới, “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”, dạy bạn điều này. Tôi cũng thường nói, khuyên các đồng học, hãy xem ngày hôm nay là ngày cuối cùng của mình trên thế gian này, hôm nay là ngày cuối cùng của ta, chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm, chẳng phải đều hiểu rõ ràng sáng tỏ rồi sao! Chuyện nên làm chính là phát tâm niệm Phật, cầu Phật tiếp dẫn, những chuyện khác đều là thứ yếu, kém quan trọng hơn. Trong những chuyện thứ yếu, thứ nhất là giúp chúng sanh có duyên, khuyên họ phát tâm niệm Phật, đây là chuyện thứ yếu, chuyện kém quan trọng hơn thì có thể buông xuống. Khi cần thiết thì chuyện này cũng có thể buông xuống luôn, về thế giới Cực Lạc trước đã, đến thế giới Cực Lạc, sau khi thành tựu rồi trở lại cũng không muộn! Thế Tôn xuất hiện ở thế gian là vì một đại sự nhân duyên, đây chính là đại sự nhân duyên, chúng ta không thể không biết điều này, phải nắm chắc duyên phận này.

/ 30