/ 30
26

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 25

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 29 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi bốn, dòng thứ năm từ dưới lên, mời xem từ đầu.

“Lại nữa, trong Tông Yếu, sư Nguyên Hiểu xứ Hải Đông nói: Phát tâm Bồ-đề là chỉ rõ chánh nhân”. Đại sư Nguyên Hiểu là người Hàn Quốc, chúng tôi đã giới thiệu sơ lược ở phần trước, Tông Yếu là tên gọi bản chú sớ của ngài, là giảng giải kinh Vô Lượng Thọ, tức là chú giải kinh Vô Lượng Thọ. Ở đây ngài nói phát tâm Bồ-đề là chỉ rõ chánh nhân, các tổ sư đại đức đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phát tâm Bồ-đề; nếu không phát tâm Bồ-đề thì như đại sư Thiện Đạo nói: đến sau cùng không thể vãng sanh Tịnh độ. Cho nên chúng ta phải coi trọng hai nguyện trong bốn mươi tám nguyện, chứ không phải một nguyện, nhiều người coi trọng nguyện thứ mười tám, nguyện thứ mười tám là mười niệm ắt sanh, nguyện thứ mười chín nói phát tâm Bồ-đề, nói những ai sanh về thế giới Cực Lạc đều là Bồ-tát A-duy-việt-trí, nguyện thứ mười chín nói những điều này. Trong Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, ngài nói có thể vãng sanh hay không hoàn toàn do có tín nguyện hay không, nếu bạn có tin sâu nguyện thiết thì có thể vãng sanh, có thể thấy tầm quan trọng của phát tâm Bồ-đề; công phu niệm Phật sâu hay cạn sẽ giúp bạn nâng cao phẩm vị sau khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Nếu niệm Phật không có công phu, nhưng thật sự có tin sâu nguyện thiết, nguyện ấy chính là tâm Bồ-đề, thật sự có tâm độ chúng sanh, thật sự có tâm làm Phật, vậy thì khi lâm chung, một niệm hay mười niệm đều có thể vãng sanh. Khai thị này vô cùng quan trọng, chúng ta nhất định không được lơ là.

Tiếp theo nói rõ cho chúng ta về tâm Bồ-đề. “Lại nói, phát tâm Bồ-đề có hai loại”, “lại nói” này vẫn là sách Tông Yếu nói. Thứ nhất là “phát tâm trên mặt sự, vô biên phiền não, nguyện đều đoạn hết; vô lượng thiện pháp, nguyện đều tu trọn; vô biên chúng sanh, nguyện đều độ hết. Tâm này tuy có quả báo là Bồ-đề, nhưng hoa báo của nó là Tịnh độ”. Điều này cũng nói rất hay, chúng ta đọc đoạn này liền biết đó là tứ hoằng thệ nguyện: “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, đây là tứ hoằng thệ nguyện. Trong đây nói ba nguyện, nói ba điều, quả báo của sự phát tâm này tuy là Bồ-đề, Bồ-đề là Chánh giác, Bồ-đề là Chánh đẳng chánh giác, nhưng hoa báo của nó là Tịnh độ. Nói cách khác, quả báo là thành tựu vô thượng Bồ-đề ở Tịnh độ, tới thế giới Tây Phương Cực Lạc để thành tựu nguyện cuối cùng: “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, đây là quả báo viên mãn rốt ráo. “Nguyên nhân đó là do”, đây là câu trả lời, “tâm lượng Bồ-đề rộng lớn vô biên, dài lâu vô hạn”, tâm Bồ-đề là tâm giác viên mãn trong tự tánh, trong kinh Hoa Nghiêm, Thế Tôn nói với chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai”, tâm Bồ-đề chính là trí tuệ. Nói thật ra, một là hết thảy, hết thảy là một, nói đến trí tuệ thì đương nhiên đức năng và tướng hảo phía sau đều bao gồm trong đó, một tức là nhiều, nhiều tức là một. Trước hết nói tới tâm lượng, tâm lượng rộng lớn vô biên là nói về không gian, không có bờ bến, lớn mà không có ngoài, “dài lâu vô hạn” là nói về thời gian, thời gian và không gian đều là vô lượng vô biên, vô tận vô hạn. Cho nên trong Đại thừa thường nói một câu, đây là sự thật, không phải giả, “tâm bao trùm khắp hư không, rộng chứa vô biên thế giới”, lời này là thật. Tâm Phật là như thế, tâm của mỗi chúng sanh chúng ta cũng là như thế, không có mảy may khác biệt. Hiện nay trong không khác biệt dường như có khác biệt, sự việc này là thế nào? Do mê mất tự tánh. Thế nên trong không khác biệt hiện ra khác biệt, đối với người giác ngộ, không cần nói tới bậc viên giác, viên giác là Phật, đại giác là Bồ-tát, trong cảnh giới của các ngài thì khác biệt chính là không khác biệt. Vì sao vậy? Đại Bồ-tát đã vào pháp môn không hai, chúng ta có hai ba, các ngài không có. Chúng ta có một và nhiều, các ngài cũng không có. Chúng ta lại hỏi lần nữa là vì sao vậy? Vì lẽ gì? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ, trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, quốc sư Hiền Thủ đã giảng về ba thứ trọn khắp, bạn chẳng phải đã sáng tỏ rồi sao? Đó là cảnh giới viên mãn của Hoa Nghiêm. Bất luận là chánh báo hay y báo, hiện nay các nhà khoa học nói với chúng ta, hết thảy các hiện tượng đều là hiện tượng dao động sóng, lời này nói rất có đạo lý. Nhà khoa học cận đại nói trong vũ trụ thứ gì cũng đều không có, chỉ có dao động sóng, hiện tượng tinh thần do dao động sóng hình thành, hiện tượng vật chất cũng do dao động sóng hình thành, muôn hình muôn vẻ khác biệt là do tần số dao động khác nhau. Cách nói này tương ưng với điều được nói trong kinh Phật, tương ưng với ba thứ trọn khắp: “trọn khắp pháp giới, xuất sanh vô tận”, câu tiếp theo quả thật là tâm bao trùm khắp hư không, rộng chứa vô biên thế giới, đó là “gồm không lẫn có”.

/ 30