/ 30
38

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 24

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 28 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ hai mươi bốn, dòng thứ tư, chúng ta xem từ câu đầu tiên:

“Tùy thuận môn Bồ-đề là Bồ-tát xa lìa ba pháp trái nghịch Bồ-đề này, liền đắc ba pháp tùy thuận môn Bồ-đề”. Phía trước câu này sót một chữ, là chữ “thứ hai”, vì trong đoạn đầu ở trước nói “trước hết cần phải lìa ba pháp trái nghịch môn Bồ-đề”, tôi đã giảng xong. Ở đây sẽ giảng về “tùy thuận môn Bồ-đề”, tùy thuận môn Bồ-đề cũng có ba điều, tiếp theo nói: “Những gì là ba? Một là tâm thanh tịnh không nhiễm, chẳng cầu an lạc cho chính mình. Bồ-đề là chốn thanh tịnh không nhiễm, nếu cầu an lạc cho chính mình thì trái nghịch môn Bồ-đề. Do vậy, tâm thanh tịnh không nhiễm là tùy thuận môn Bồ-đề”. Đề mục của đoạn lớn này là tông thú của kinh này, nếu nói theo hiện nay thì chính là nguyên tắc chỉ đạo tối cao trong việc y theo bộ kinh này mà tu học. Nguyên tắc chỉ đạo này, phần tổng kết đã được nói trước đó: “phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”, đây là nguyên tắc chỉ đạo tu hành tối cao trong Tịnh tông. Ở đây nói chi tiết cho chúng ta, làm thế nào đạt được tâm thanh tịnh? Đặc biệt là tựa đề của bộ kinh này, nửa phần sau nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, nêu ra cương lĩnh tu hành. Có tông, chính là tông chỉ của bộ kinh này, tông chỉ tu học; thú là quả, ta tu theo phương pháp này thì tương lai được quả báo ra sao, quả chính là nửa phần trước của nhan đề kinh. Bạn đạt được điều gì? Đạt được “Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm”, bạn xem quả báo này thù thắng biết bao! Trong kinh Hoa Nghiêm, Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói “hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ và đức tướng của Như Lai”, ai nấy đều có, đó là thứ sẵn có, cho nên trong giáo pháp Đại thừa, Phật thường nói “hết thảy chúng sanh vốn là Phật”.

Nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ Phật, đó chẳng phải là mê tín. Phật là tiếng Ấn Độ, người Ấn Độ gọi là Phật, người Trung Quốc gọi là thánh nhân. Cho nên Phật và thánh nhân cùng một ý nghĩa. Chữ thánh của Trung Quốc nên giảng như thế nào? Thánh là thông đạt sáng tỏ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đây gọi là thánh; chữ Phật trong tiếng Ấn Độ nghĩa là giác, cũng là hoàn toàn giác ngộ hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đúng là cùng một ý nghĩa. Phật giáo truyền tới Trung Quốc, chữ này được dịch âm, nói thật ra là có thể dùng chữ thánh của Trung Quốc để phiên dịch, có những đoạn trong Phật pháp, gọi Phật là Đại thánh, điều này rất hợp với khẩu vị của người Trung Quốc, Đại thánh Thích-ca Mâu-ni. Vì thế bạn hiểu rõ văn tự thì sẽ chẳng nói Phật giáo là mê tín. Bạn không hiểu ý nghĩa, nên cho Phật là thần, Bồ-tát là thần, La-hán là thần, hoàn toàn sai lầm. Trong Phật giáo thì Phật, Bồ-tát, A-la-hán là những danh xưng học vị, Phật là cao nhất, người Trung Quốc gọi Phật là thánh nhân, thấp hơn thánh nhân một cấp là hiền nhân, thấp hơn nữa là quân tử; trong Phật pháp cũng có ba cấp bậc, cao nhất là Phật-đà, thứ hai là Bồ-tát, thấp hơn nữa là A-la-hán, phải hiểu đây là ba danh xưng học vị.

Mục tiêu cuối cùng trong giáo học của đức Phật là dạy chúng ta trở về tự tánh, vì sao vậy? Tự tánh là viên mãn. Tổ tiên nói với chúng ta bổn tánh vốn thiện, Phật gọi là tự tánh, còn gọi là bổn tánh. Hai câu đầu trong Tam Tự Kinh là “người ban đầu, tánh vốn thiện”, bạn làm thế nào để trở về vốn thiện thì sẽ đạt được mục đích của sự giáo học này. Vì sao không thấy được vốn thiện? Vì tập tánh của bạn bất thiện, Tam Tự Kinh nói rất rõ ràng: “tánh gần nhau, tập xa nhau”. Tánh của mọi người đều như nhau, đều là chí thiện, thiện này không phải là thiện trong thiện ác, phải hiểu rõ điều này, thiện ở đây là danh từ khen ngợi, nó quá hoàn mỹ, không có mảy may khiếm khuyết nào. Trong tự tánh có vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, ngày nay chúng ta gọi tướng hảo là phước báo, chính bạn vốn có hết thảy, vì sao mất đi? Hiện nay trên thế gian này, chúng ta thấy được trí tuệ không bình đẳng, đức hạnh cũng không bình đẳng, phước báo cũng không bình đẳng, do nguyên nhân nào? Do nghiệp chướng của bạn dày mỏng khác nhau. Nghiệp chướng dày thì thông minh trí tuệ liền ít, nghiệp chướng mỏng thì thông minh trí tuệ hơn một chút. Do vậy, trí tuệ và đức tướng vốn đều như nhau, nhưng vì phiền não có dày mỏng, cạn sâu khác nhau, cho nên hiển lộ ra không giống nhau.

/ 30