TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 23
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 27 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang hai mươi ba, hàng thứ năm từ dưới lên, chúng ta đọc một đoạn văn tự:
“Vãng Sanh Luận Chú của đại sư Đàm Loan nói: Trong ba bậc vãng sanh của kinh Vô Lượng Thọ, tuy hạnh có cao thấp, nhưng thảy đều phát tâm vô thượng Bồ-đề. Tâm vô thượng Bồ-đề này chính là tâm nguyện làm Phật; tâm nguyện làm Phật chính là tâm độ chúng sanh; tâm độ chúng sanh tức là tâm nhiếp thủ chúng sanh sanh về cõi nước có Phật”. Chúng ta xem tới đây, đây là một đoạn ngắn. Đại sư Đàm Loan là đại đức chú giải Vãng Sanh Luận trong ba kinh một luận của Tịnh độ, rất nhiều đại đức xưa cho rằng ngài đúng ra phải là tổ sư của Tịnh độ tông. Nếu là tổ sư, thì ngài ở trước ngài Thiện Đạo, đối với sự tu học Tịnh độ, hoằng dương Tịnh độ, ngài có cống hiến thù thắng. Vãng Sanh Luận do Bồ-tát Thiên Thân viết, đây là bài báo cáo tâm đắc tu học Tịnh tông của Bồ-tát Thiên Thân, khi truyền tới Trung Quốc thì bài luận này trở thành kinh sách chủ yếu của Tịnh tông, gọi là ba kinh một luận. Hiện nay là năm kinh một luận, hai kinh kia, một là do cư sĩ Ngụy Nguyên thời tiền Thanh, đã đem quyển cuối cùng trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện ghép vào sau ba kinh, trở thành bốn kinh; đại sư Ấn Quang đem chương Đại Thế Chí Viên Thông của kinh Lăng-nghiêm ghép vào sau bốn kinh, trở thành năm kinh một luận, năm kinh do đây mà có. Kinh văn của năm kinh một luận cũng không dài, cho nên in năm kinh một luận thành một quyển thì vẫn là một cuốn sách nhỏ, toàn bộ điển tịch của Tịnh tông ở trong đó. Trong bản chú giải ấy, đại sư Đàm Loan nói: trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh của kinh Vô Lượng Thọ, kinh nói tuy hạnh có cao thấp, hạnh là nói tới sự tu hành, tu hành ở đây tức là công phu niệm Phật có sâu cạn khác nhau. Công phu sâu là cao, công phu sâu là có thể niệm đến sự nhất tâm, hoặc niệm tới lý nhất tâm, đây là công phu sâu; còn thấp là nói đến công phu thành phiến. Thật ra thì công phu thành phiến cũng có cao thấp khác nhau, nhưng mức độ thấp nhất là câu Phật hiệu phải có thể phục phiền não thì mới được, không phục được tức là chẳng có công phu. Có thể phục phiền não là công phu cạn nhất, tuy cạn nhất nhưng vẫn hữu dụng. Khi lâm chung vẫn có thể chế phục được phiền não thì người ấy chắc chắn vãng sanh. Thế nhưng ở đây có một câu hết sức quan trọng, đó là “phát tâm Bồ-đề”, nếu không có tâm Bồ-đề, công phu giỏi đến mấy cũng không thể vãng sanh, chúng ta phải biết điều này.
Thế nào gọi là tâm Bồ-đề? Ngài nói “tâm vô thượng Bồ-đề này chính là tâm nguyện làm Phật”, câu này rất quan trọng. Trong Di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói với chúng ta: “Có thể vãng sanh hay không, hoàn toàn do có tín nguyện hay không?” Nguyện ấy chính là tâm nguyện làm Phật được nói ở đây, nguyện này quan trọng! Bạn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc để làm gì? Để làm Phật, không phải vì chuyện khác, đến nơi ấy là vì minh tâm kiến tánh mà đến. Trong Thiền tông nói đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, ngoài Thiền tông ra, tám vạn bốn ngàn pháp môn, có pháp môn nào không lấy điều này làm mục tiêu đâu? Cho nên trong kinh Đại thừa, đức Phật nói “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, lời này là thật, bởi vì tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào tới sau cùng cũng đều là minh tâm kiến tánh. Tịnh độ tông cũng không ngoại lệ, tịnh độ tông vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đúng là mang nghiệp vãng sanh, chưa khai ngộ! Tới khi nào sẽ khai ngộ? Sau khi đến thế giới Cực Lạc, gặp A-di-đà Phật thì chắc chắn khai ngộ, cổ nhân nói “chỉ cần gặp Di-đà, lo gì không khai ngộ”, đây là sự thù thắng của Tịnh tông. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất luận môn nào, nếu không khai ngộ, không kiến tánh thì không thể xem là thành tựu. Riêng Tịnh tông chỉ cần vãng sanh, dù phẩm vị vãng sanh thấp đến đâu, vãng sanh hạ hạ phẩm ở cõi Đồng cư, đã khai ngộ hay chưa? Chưa khai ngộ; tuy chưa khai ngộ nhưng trong 48 nguyện, A-di-đà Phật đã nói với chúng ta: “đều làm Bồ-tát A-duy-việt-trí”, Bồ-tát A-duy-việt-trí là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Vì sao chưa đoạn phiền não, chưa khai ngộ mà đến thế giới Cực Lạc lại có trí tuệ, có đức năng, có thọ dụng của người đại triệt đại ngộ như vậy, vì sao có sự việc này? Chúng ta hiểu rằng chuyện này là do bổn nguyện oai thần của A-di-đà Phật gia trì. Trước đó bạn chưa giác ngộ, không sao cả, công đức trí tuệ của Phật sẽ gia trì cho bạn, cho nên sự đãi ngộ dành cho bạn ở thế giới Tây Phương không khác của Bồ-tát Thất địa. Đây là pháp khó tin, Thế Tôn cũng thường nói trong kinh điển, pháp môn này “chỉ có Phật cùng Phật mới hiểu rốt ráo”, chỉ có thật sự thành Phật mới hiểu rõ đạo lý này, Bồ-tát Đẳng giác vẫn chưa hoàn toàn thấu triệt đạo lý này. Đây là chỗ sâu mầu của pháp môn này.