TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 21
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 25 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười chín, dòng thứ sáu từ dưới lên, bắt đầu xem từ câu tiếp theo. Chúng ta đọc kinh văn: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng. Riêng sáng vằng vặc, chói ngời hư không, linh quang độc diệu, thoát hẳn căn trần”, chúng ta xem đến chỗ này. Mấy câu này là cổ đại đức tán thán và miêu tả tự tánh, thật ra thì chẳng có cách nào diễn tả được tự tánh, nói cách nào cũng không trọn vẹn, chỉ có thể nói được một phần rất ít. Tổng hợp cách nói của các vị đại đức, chúng ta có thể lĩnh hội được đôi chút, tổ sư nói với chúng ta, việc này phải đích thân chứng được thì mới có thể hiểu rõ, gọi là “như người uống nước, nóng lạnh tự biết”, bạn chưa chứng đắc, dẫu nói thế nào, cho dù Phật nói, Bồ-tát nói thì cũng rất khó hiểu, vì nó không phải là cảnh giới của chúng ta. Trong đoạn này cũng nói rất rõ ràng, tự tánh chính là lý thể của vạn hữu trong vũ trụ, hết thảy các pháp đều từ chỗ này biến hiện ra, cho nên tự tánh có thể sanh, có thể hiện, a-lại-da thì có thể biến. Cái có thể sanh, có thể hiện thì nhất định là đã có a-lại-da, nếu không có a-lại-da thì sẽ không thể có sanh, không thể có hiện. Như cõi Thường tịch quang trong Tịnh tông chính là tự tánh, đại quang minh tạng cũng là hình dung cho tánh thể này, nó không phải là hiện tượng vật chất, cũng không phải là hiện tượng tinh thần. Không phải là hiện tượng vật chất, nên năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta không cách nào tiếp xúc được nó, nó không phải là vật chất; nó không phải là hiện tượng tinh thần, nên chúng ta tư duy, tưởng tượng không được. Vì vậy, trong kinh Phật thường dùng bốn chữ “không thể nghĩ bàn”, nghĩ là tư duy, bạn nghĩ không ra. Tư duy này có giới hạn, nhưng nó có công năng rất lớn, đó là thức thứ sáu, trong kinh nói cho chúng ta biết, bên ngoài thì nó có thể duyên tới hư không pháp giới, bên trong thì nó có thể duyên tới a-lại-da, nhưng không thể duyên tới tự tánh, cho nên nhất định phải đích thân chứng được thì mới có thể biết. Đến khi nào có thể chứng được? Trong kinh nói với chúng ta là từ Bát địa trở lên. Có tất cả 51 giai vị Bồ-tát, giống như chúng ta đi học, lớp một, lớp hai, có tất cả 51 cấp lớp. Phải đạt tới Bát địa, Bát địa rất cao, cao nhất là Bồ-tát Thập địa, Bát địa đã nhìn thấy được, đã kiến tánh. Nói kiến tánh tức là đã thật sự thấy được, nếu nói theo nghĩa rộng thì Sơ trụ trong Viên giáo đã thấy rồi. Sau khi thấy rồi, họ vẫn còn tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn, nhưng tập khí không gây chướng ngại, có nghĩa là trí tuệ, đức năng, tướng hảo sẵn có trong tự tánh không bị nó chướng ngại. Có thể nói rằng, những thứ này sau khi lưu lộ ra thì không khác gì Phật quả rốt ráo, vũ trụ thuở ban sơ khởi nguồn như thế nào, họ biết được là do thầy nói, chẳng phải họ đích thân chứng được. Đạt tới Bát địa thì sẽ đích thân chứng được, họ chứng đắc giống hệt như những gì thầy đã giảng, không khác nhau, khi ấy là đích thân chứng đắc. Câu thứ nhất: “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng”, đây là nói về tác dụng của tự tánh. Ngày nay chúng ta nói “linh” là cảm ứng, đối với cảm ứng cực kỳ vi tế, tự tánh đều có thể hiểu được, biết rõ ràng rành rẽ sự cảm ứng ấy. Nó khởi tác dụng ra sao? Tác dụng là đối với dao động sóng cực kỳ vi tế trong tận hư không khắp pháp giới, nó đều có thể hiểu rõ. Hiện nay nhà khoa học cũng phát hiện, một số nhà khoa học nói trong thế gian này không có vật chất, hết thảy mọi hiện tượng đều là hiện tượng dao động sóng, các nhà khoa học cận đại đã nói như vậy. Phật pháp nói nguồn gốc phát sinh của vũ trụ là hiện tượng dao động sóng, hiện tượng dao động sóng vô cùng vi tế! Trong Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán của quốc sư Hiền Thủ đã giảng rất rõ ràng, trong sách ấy, ba đoạn đầu quả thật là giải thích hai câu này, từ nhất thể khởi nhị dụng, nhị dụng chính là hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần sanh khởi.
Khi sanh khởi thì có ba thứ tác dụng, thứ nhất là “trọn khắp pháp giới”, đỗng triệt này chính là trọn khắp pháp giới, linh minh đỗng triệt là khắp hư không khắp pháp giới nó đều biết hết, nó có tác dụng này, hiện tượng vật chất cũng như vậy, hiện tượng tinh thần vẫn như vậy. Nói theo Phật pháp, hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần dung hợp vào nhau, tuy là hai thứ, nhưng chúng không tách rời. Khi chúng ta học tập vấn đề này thì dùng điện ảnh, truyền hình hiện nay làm thí dụ, đặc biệt là tivi, bởi vì hiện nay gia đình nào hầu như mỗi ngày đều không rời khỏi tivi. Tôi ví màn hình tivi cho tự tánh, các hình ảnh trong tivi được ví cho các hiện tượng dao động sóng sanh khởi, tức là hiện tượng tinh thần và vật chất, chúng vĩnh viễn chẳng thể rời khỏi tự tánh. Hễ rời khỏi thì chúng sẽ không còn nữa, buộc phải ở trên màn hình thì chúng mới có thể hiển thị được, không có màn hình thì chúng không thể hiển thị, màn hình là chân tánh, những hình ảnh ấy là tướng hư ảo, một cái là chân, một cái là vọng. Thế nào gọi là chân? Tướng hiện trên màn hình sanh diệt trong từng sát-na, nó có sanh diệt nên là hư ảo, không thật sự tồn tại; màn hình là vĩnh hằng, vĩnh hằng không thay đổi, đó là chân. Nhưng bạn phải hiểu, chân vọng không hai, chân vọng là một thể, diệu dụng ở chỗ này, khi nó khởi tác dụng thì sự dao động sóng ấy đúng là trọn khắp pháp giới. Loại thứ hai là “xuất sanh vô tận”, trong tự tánh có a-lại-da, a-lại-da thức là biến, a-lại-da thức có thể biến, hết thảy hiện tượng là cái được biến ra, y chánh trang nghiêm trong mười pháp giới là thứ được biến ra, năng và sở không hai, cái có thể biến và cái được biến ra là một, không phải hai. A-lại-da ở đâu? A-lại-da ở trong tướng phần, trong kiến phần và tướng phần đều có, đều không tách rời. Tướng nghiệp, tướng chuyển, tướng cảnh giới tuy một mà ba, tuy ba mà một, nhất định không thể độc lập. Cho nên gọi là hư ảo, tướng hư ảo, mộng huyễn bọt bóng. Bất luận ở trạng thái nào, thể của chúng đều là “trạm tịch thường hằng”, trạm là thanh tịnh, tịch là tịch diệt. Chúng ta dùng cương lĩnh tu học trong tựa đề kinh này để nói thì sẽ dễ hiểu, trạm là thanh tịnh, tịch là bình đẳng, thường hằng là vĩnh hằng bất biến. Những chữ này nhằm miêu tả tự tánh, là khởi dụng của tự tánh. Thể, tướng, dụng mà trong kinh Hoa Nghiêm nói đều ở trong câu trạm tịch thường hằng này, cho nên câu này quả thật không dễ hiểu cho lắm.