/ 20
12

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 20

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 24 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười chín, hàng thứ hai, chúng ta đọc một đoạn kinh văn: “Lại nữa, sách Yếu Giải nói: Một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta không ở trong, không ở ngoài, không ở khoảng giữa; không phải quá khứ, không phải hiện tại, không phải vị lai; không phải xanh vàng đỏ trắng, dài ngắn vuông tròn; không phải hương, không phải vị, không phải xúc, không phải pháp. Tìm trọn không thể được, không thể nói nó là không; tạo đủ bách giới thiên như, không thể nói nó là có. Lìa hết thảy duyên lự, phân biệt, ngôn ngữ, tướng văn tự, nhưng duyên lự, phân biệt, ngôn ngữ, văn tự không lìa đây mà có riêng tự tánh được”, chúng ta xem tới đoạn này. Hoàng Niệm lão trong phần thể tánh của kinh này đã trích dẫn một đoạn từ sách Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích. Vì kinh Di-đà và kinh Vô Lượng Thọ thuộc cùng một bộ, cổ nhân gọi [hai kinh ấy] là đại bản và tiểu bản, kinh Vô Lượng Thọ gọi là đại bản, kinh Di-đà gọi là tiểu bản, nhưng thể tánh dùng để y cứ thì hoàn toàn tương đồng. Nói thật ra, hết thảy các kinh Đại thừa đều cùng một thể tánh, thể tánh ấy gọi là thật tướng. Chúng ta cũng có thể nói như thế này, năm xưa khi Thích-ca Mâu-ni Phật tại thế, hết thảy các kinh nói trong 49 năm đã dựa vào đâu? Nương vào đâu để nói? Dựa vào một câu “thật tướng các pháp”, tức là chân tướng của hết thảy các pháp, ngài dựa vào đây để nói. Chúng ta lại hỏi một câu, hết thảy các kinh được nói trong 49 năm đã giảng những gì? Dùng một câu để trả lời, vẫn là câu này: thật tướng các pháp. Hết thảy các kinh đã nói trong 49 năm nhằm giảng cho chúng ta chân tướng của vũ trụ nhân sinh, một câu bèn nói rõ. Trong kinh Bát-nhã thường nói về “thật tướng các pháp”, bốn chữ này rất hay! Ở đây đại sư Ngẫu Ích nói thật tướng các pháp là như thế nào? Đoạn này nhằm miêu tả hình trạng của nó.

Điều khó hiểu chính là một niệm tâm tánh hiện tiền của chúng ta. Câu này hết sức khó hiểu, hiện tiền là chính ngay lúc này, một niệm thì không dễ gì hiểu. Bình thường khi chúng ta khởi tâm động niệm, niệm ấy rất thô, ở đây nói tới ý niệm vi tế, ý niệm cực kỳ vi tế, chúng ta phải hiểu rõ điều này, không phải ý niệm thô của chúng ta khi khởi tâm động niệm trong hiện tại. Trong kinh Bồ-tát Xử Thai có một đoạn Thế Tôn nói với Bồ-tát Di-lặc: “Phật hỏi Di-lặc, niệm khởi trong tâm”, đây là tâm của phàm phu chúng ta khởi lên ý niệm, trong thời gian rất ngắn tạm đã khởi lên ý niệm. Trong ý niệm này, có mấy niệm, có mấy tướng, có mấy thức? Khi vừa hỏi thì chúng ta liền biết được, phàm phu chúng ta khởi lên một niệm, trong một niệm này có bao nhiêu niệm vi tế, để chúng ta cảm nhận được có ý niệm khởi lên, trong đó có bao nhiêu niệm? Tướng là hiện tượng vật chất, thức là hiện tượng tinh thần. Tôi nghĩ rất nhiều người trong quý vị đều từng tụng Tâm kinh, trong Tâm kinh nói tới ngũ uẩn, ngũ uẩn là sắc thọ tưởng hành thức. Đức Phật hỏi mấy tướng, đó là sắc, sắc tướng, đây là một phần vật chất; mấy thức, tức là nói về thọ tưởng hành thức ở sau, có bao nhiêu thọ tưởng hành thức? Bồ-tát Di-lặc trả lời Thích-ca Mâu-ni Phật: “Một khảy ngón tay”, đây là theo cách nói của chúng ta, chính là một ý niệm, tức là niệm khởi trong tâm. Thời gian một khảy ngón tay rất ngắn, đại khái là trong một giây, chúng ta khảy nhanh thì trong một giây có thể khảy bốn đến năm lần. Nói cách khác, trong một giây chúng ta có thể có bốn tới năm ý niệm, đây là điều chúng ta có thể cảm nhận được. Bồ-tát nói trong một khảy ngón tay có bao nhiêu niệm vi tế? Chúng ta không cách nào tưởng tượng được, ngài nói “ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, trăm ngàn là đơn vị, trăm ngàn là mười vạn, ba mươi hai ức nhân với mười vạn, bạn xem một khảy ngón tay [là như thế đó]! Phàm phu chúng ta cảm giác đó là một niệm, nhưng trong một khảy ngón tay lại có nhiều niệm như thế!

Tôi tin đức Phật nói lời chân thật, điều này khiến cho chúng tôi nghĩ đến lời Thế Tôn nói trong kinh Nhân Vương, đó là nói phương tiện, không phải là chân tướng sự thật, mà là nói phương tiện. Trong kinh Nhân Vương, đức Phật nói một khảy ngón tay có sáu mươi sát-na, một sát-na có chín trăm lần sanh diệt, ít hơn rất nhiều! Tìm Bồ-tát Di-lặc để hỏi, Bồ-tát Di-lặc là chuyên gia Duy Thức, nói theo hiện nay thì ngài là chuyên gia tâm lý học của Phật giáo, chuyên giảng tâm lý học, lời ngài nói nhất định là sự thật, không phải nói phương tiện, mà là nói chân thật. Một khảy ngón tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, chúng ta lấy ba mươi hai ức nhân với mười vạn, tức là nhân với một trăm ngàn, thành 320 ngàn tỉ. Trong một khảy ngón tay có 320 ngàn tỉ niệm, vậy có bao nhiêu hiện tượng vật chất? Bồ-tát nói “niệm niệm thành hình”, trong mỗi niệm đều có hiện tượng vật chất; “hình đều có thức”, trong mỗi hiện tượng vật chất đều có hiện tượng tinh thần, cũng là đầy đủ ngũ uẩn: sắc thọ tưởng hành thức, đầy đủ ngũ uẩn. Ngũ uẩn là nền tảng, là căn bản của hết thảy các pháp, như hiện nay chúng ta gọi là nguyên tử, electron, hạt cơ bản, mắt thịt của chúng ta không thể nhìn thấy vật chất cơ bản cực kỳ vi tế ấy. Ngài nói vật chất và tinh thần đồng thời phát sanh, hơn nữa không thể tách rời, trong vật chất có tinh thần, trong tinh thần có vật chất. Không tìm được thứ mà trong tinh thần không có vật chất, cũng tìm không được thứ mà trong vật chất không có tinh thần, vì sao vậy? Chúng đồng thời phát sanh, chúng chắc chắn không thể tách rời nhau, chúng là một thể.

/ 20