/ 20
13

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 18

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 22 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang mười bảy, hàng thứ sáu, xem từ hai câu cuối cùng.

“Vô tướng là lìa hết thảy các tướng hư vọng, vô tướng chính là lìa tướng”. Mấy câu này, nói thật ra thì ngài đã nói rất rõ ràng, chúng ta phải xem tỉ mỉ. Trong kinh nói “thật tướng vô tướng”, thế nào gọi là vô tướng? Vô tướng chính là lìa hết thảy các tướng hư vọng, cho nên vô tướng và lìa tướng có cùng ý nghĩa, lìa tướng chính là vô tướng. Hết thảy các tướng hư vọng là gì? Trong kinh Phật đã vô số lần dạy chúng ta: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”. Vì sao vậy? Vì hết thảy các hiện tượng đều là pháp do duyên sanh, trong Trung Luận nói rất hay: “Pháp do duyên sanh, ta nói nó là không”, ta ở đây là đức Phật nói, trích dẫn lời Phật nói. Lìa là lìa như thế nào? Lìa chấp trước, không chấp trước là lìa, chấp trước là không lìa. Đừng chấp trước chúng, đừng phân biệt chúng, đối với tất cả các hiện tượng đừng khởi tâm động niệm, vậy bạn đã lìa toàn bộ rồi. Cho nên không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, người này đã thành Phật, vì sao vậy? Họ lìa được sạch sẽ. Tướng có tồn tại hay không? Tướng tồn tại, tướng ấy là tướng hư ảo, tướng ấy là pháp sanh diệt. Thật tướng thì không sanh không diệt, thật tướng là nói từ trên thể, còn tướng hư ảo là nói từ trên tướng được biến ra, lớn thì như hư không pháp giới, khắp hư không pháp giới đều là một tướng hư ảo.

Chúng ta đã học Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, bạn cũng rất dễ hiểu điều này. Chân là gì? Chân là thể, một thể, thể là một, thể tự tánh thanh tịnh viên minh, đó là chân. Vì sao là chân? Khi đại sư Huệ Năng khai ngộ đã nói rất hay, thể này “vốn tự thanh tịnh”, chưa từng bị ô nhiễm, hiện nay có bị ô nhiễm hay không? Không bị ô nhiễm, nó vĩnh viễn không bị ô nhiễm, không sanh không diệt. “Vốn tự đầy đủ”, câu này rất quan trọng, thể tự tánh thanh tịnh viên minh chính là Thường tịch quang tịnh độ được nói trong Tịnh tông, trong này không có hiện tượng vật chất, cũng không có hiện tượng tinh thần, thế nhưng chẳng thể nói nó là không, vì sao vậy? Vốn tự đầy đủ, thứ gì nó cũng không thiếu, nhưng nó không hiện tiền. Câu thứ tư của đại sư Huệ Năng là “vốn không dao động”; nói cách khác, nó là định. Sáng hôm qua, đài truyền hình Phượng Hoàng đến phỏng vấn tôi, họ nói một câu: “Người hiện nay thường nói rằng con người nhất định chiến thắng thiên nhiên, phải khai thác thiên nhiên”. Con người nhất định chiến thắng thiên nhiên, nói không sai, nhưng hiểu sai ý nghĩa rồi. Câu “con người nhất định chiến thắng thiên nhiên” nên nói như thế nào? Chính là câu thứ tư của đại sư Huệ Năng: “nào ngờ tự tánh vốn không dao động”, đó là tự tánh vốn định, nếu bạn chứng đắc điều này thì sẽ chiến thắng thiên nhiên, đây là thật, một chút cũng không giả. Không phải sự thông minh trí tuệ và khoa học kỹ thuật của con người chúng ta nhất định có thể chiến thắng thiên nhiên. Đừng nói thiên nhiên, ngay cả địa cầu còn chưa thắng được, địa cầu vừa hơi chấn động đã chịu không nổi rồi, bạn làm sao có thể thắng nó được? Một thành phố lớn, mấy mươi triệu người sống trong ấy, một trận động đất lớn là xong, mọi người đều biết chuyện này, chẳng thể thắng nổi trời! Nhưng tự tánh vốn định, nếu bạn chứng đắc thì có thể thắng được.

Câu cuối cùng: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh vạn pháp”, câu “có thể sanh vạn pháp” và câu “vốn tự đầy đủ” trước đó là hai mặt chánh phản. Vốn tự đầy đủ là ẩn, Phật pháp gọi là ẩn; có thể sanh vạn pháp là hiển, hiển hiện ra. Thể tự tánh thanh tịnh viên minh này giống như cái tivi trước mặt chúng ta hiện nay. Thể là gì? Thể là màn hình tivi, cái gì cũng đều không có; nó cái gì cũng không có, nhưng bạn không thể nói nó là không, vì sao vậy? Nhấn nút mở kênh một cái thì hình ảnh liền xuất hiện. Hình ảnh xuất hiện, không thể nói là nó có. Bạn biết hai thứ chân vọng này, màn hình là chân, hình ảnh là vọng, chân vọng là một thể, đâu có vọng nào rời khỏi chân được? Không cách gì rời khỏi, rời khỏi màn hình thì hình ảnh không hiện ra được. Có chân nào không ở trong vọng đâu? Trên màn hình này, mỗi tấc vuông đều có hình ảnh. Nhưng chân là chân, vọng là vọng, chân không phải là vọng, vọng không phải là chân, đúng vậy không? Nói cách khác, chân chính là vọng, vọng chính là chân, chân vọng là một, không phải hai, có đúng không? Cũng đúng, bạn phải hiểu rõ điều này. Thế nên, đức Phật nói với chúng ta “thật tướng lìa tướng”. Thật tướng lìa tướng chính là thật tướng vô tướng, nhưng thật tướng chẳng phải không có tướng, đều là một sự việc. Do vậy, xem tivi mà biết xem thì sẽ là cảnh giới Hoa Nghiêm! Khi biết xem thì có thể ngộ nhập thể tự tánh thanh tịnh viên minh, vậy thì đã thành Phật rồi. Nhưng vấn đề là bạn có biết hay không! Vì sao chúng ta không biết? Vì lúc bạn đang xem, bạn khởi tâm động niệm, bạn có phân biệt, bạn có chấp trước, cho nên bạn chấp tướng, đây là bạn chấp tướng, không phải là lìa tướng, bạn chấp tướng rồi. Chấp tướng là phàm phu trong lục đạo, Phật pháp nói lìa tướng là A-la-hán, không phải là phàm phu. Người lìa được tướng thì sẽ không còn chấp trước hết thảy các hiện tượng, tâm của bạn bình đẳng, bạn liền ra khỏi lục đạo luân hồi, chứng quả A-la-hán. Không phân biệt thì bạn chính là Bồ-tát; không khởi tâm, không động niệm thì bạn thành Phật. Ở đây điều quan trọng nhất là bảo chúng ta sau khi hiểu rõ chân tướng sự thật thì đừng chấp trước nữa, phải thực hiện từ chỗ này.

/ 20