/ 20
41

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 15

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 19 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười bốn, hàng thứ ba từ dưới lên. Chúng ta xem từ câu cuối cùng ở buổi giảng trước.

“Vì thế, Di-đà Yếu Giải nói: Pháp môn này cốt ở chỗ hiểu rõ tha chính là tự. Nếu kiêng nói đến tha Phật, tức là chưa hết tha kiến. Nếu vẫn đặt nặng tự Phật, thì lại thành ngã kiến điên đảo”. Mấy câu này trong sách Yếu Giải của đại sư Ngẫu Ích có ý nghĩa rất sâu. Sở dĩ phàm phu rất khó thành Phật, mấu chốt là ở chỗ này, nói chung là do không buông xuống được phân biệt, chấp trước, ở đây nói phân biệt và chấp trước. Bất luận tu pháp môn nào, do tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, nên chúng ta rất dễ phạm sai lầm. Tổ sư nói về pháp môn này rất hay: “Cốt ở chỗ hiểu rõ tha chính là tự”, hiểu rõ nghĩa là tường tận, biết tự và tha không hai, tha là A-di-đà Phật, tự là chính mình, A-di-đà Phật và chính mình vốn là một thể, là tự tánh Di-đà. A-di-đà Phật từ đâu mà có? Do tự tánh biến ra. Ta do đâu mà có? Cũng do tự tánh biến ra, ta và A-di-đà Phật có cùng một tự tánh. Đạo lý này rất sâu, thật sự khế nhập cảnh giới này, khẳng định chuyện này là thật thì gọi là chứng đắc, trong Tông môn gọi là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Tha Phật và tự Phật là một, hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời đều do tự tánh này biến ra, hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới cũng do tự tánh này biến ra. Trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, quốc sư Hiền Thủ đã giảng thấu triệt chuyện này, giảng hết sức rõ ràng. Bạn liền hiểu được chư Phật Như Lai và đông đảo chúng sanh có quan hệ gì với mình, bạn liền hiểu rõ, nói theo quan hệ thì là luân lý. Cho nên ở Trung Quốc, luân lý rất được coi trọng, từ xưa đến nay luôn xem trọng luân lý, luân lý này là nói tới mối quan hệ giữa người với người. Luân lý trong Phật pháp được giảng viên mãn nhất, không chỉ giảng về quan hệ giữa người với người, mà mối quan hệ giữa người với hết thảy động vật, với tất cả cây cối hoa cỏ, với núi sông đất đai, với các sinh vật ở các chiều không gian khác nhau trong hư không pháp giới, toàn bộ đều được Phật pháp nêu ra, có thể nói là Phật pháp Đại thừa đã giảng luân lý đến mức viên mãn rốt ráo. Đặc biệt là kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, chúng ta thấy các phẩm Thế Giới Thành Tựu và Hoa Tạng Thế Giới đều giảng về luân lý. Làm thế nào để xử lý thật tốt đẹp những mối quan hệ này, đó là đức hạnh, trong tự tánh vốn có trí tuệ và đức tướng, việc xử lý đều không rời tự tánh, là sự lưu lộ của tánh đức. Tổ tiên Trung Quốc đã thật sự phát hiện ra nòng cốt của tánh đức, nòng cốt ấy là hiếu. Cho nên đối với văn hóa Trung Hoa, nói tới điểm đặc sắc của Trung Quốc thì dùng một chữ hiếu, trong Phật pháp cũng là một chữ hiếu này. Thế nên khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, rất nhanh đã dung hợp thành một thể với văn hóa Trung Quốc, căn bản của chúng là một, không phải hai. Bạn thấy phần tịnh nghiệp tam phước trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật của Tịnh tông, câu đầu tiên là “hiếu dưỡng cha mẹ”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, văn hóa truyền thống của Trung Quốc cũng lấy điều này làm nền tảng, hiếu thân tôn sư. Các tôn giáo và những nền văn hóa khác có quan niệm này hay không? Có, nói thật ra thì nòng cốt là một. Do vậy, các tôn giáo trên thế gian có thể đoàn kết, vì cùng một nòng cốt, không có tôn giáo nào không nói tới đạo hiếu. Nhưng không giảng rõ ràng như Phật và Nho, họ nói đến yêu thương, thần yêu thương người đời, thượng đế yêu thương người đời, họ nói đến nhân từ, trên thực tế thì đều cùng một ý nghĩa, một nòng cốt.

Có thể thật sự giác ngộ không dễ, sau khi giác ngộ sẽ không còn những tri kiến ấy nữa, sẽ không còn nói tha Phật, tự Phật, không còn ý niệm này nữa; có ý niệm ấy chẳng phải là đối lập rồi sao? Có tự, có tha. Thế nên đại sư Ngẫu Ích nói: nếu kiêng nói đến tha Phật, tức là chưa hết tha kiến; nếu vẫn đặt nặng tự Phật, thì đó là ngã kiến điên đảo, chưa quên ngã kiến. Tự và tha đối lập sẽ biến thành hai pháp, không phải là Phật pháp. Giống như đại sư Huệ Năng ở chùa Quang Hiếu, hiện nay là chùa Quang Hiếu, lần đầu tiên gặp pháp sư Ấn Tông, pháp sư Ấn Tông thỉnh giáo tổ: “Khi ngài ở Hoàng Mai, Ngũ tổ giảng thiền định và giải thoát như thế nào?” Đại sư Huệ Năng giải thích, giảng giải thiền định và giải thoát, giải thoát có nghĩa là Niết-bàn, đại sư Huệ Năng nói: “Thiền định và giải thoát là hai pháp, hai pháp thì không phải là Phật pháp, Phật pháp là pháp không hai”. Nên giải thích câu nói này của đại sư như thế nào? Chúng ta có thấu hiểu hay không? Pháp sư Ấn Tông còn thấy hai pháp, tức là vẫn còn phân biệt, chấp trước, đại sư Huệ Năng đã dung hội cả hai thành một thể. Không những thiền định và giải thoát là một, không phải hai, mà hết thảy các pháp đều là một, pháp thế gian và Phật pháp cũng là một, giác ngộ rồi thì gọi là pháp xuất thế, gọi là Phật pháp, chưa giác ngộ thì gọi là pháp thế gian. Thật sự là một, không phải hai. Sau khi giác ngộ thì không tìm được hai thứ, cho nên liền nhập pháp môn không hai, vì sao vậy? Phân biệt, chấp trước, ngay cả khởi tâm động niệm còn không có thì lấy đâu ra hai pháp? Mấy câu này nói về pháp môn không hai, nói theo hiện nay thì đây là triết học cao cấp trong kinh Phật, chúng ta có thể nghe hiểu, nghe hiểu chính là “đã hiểu” mà cổ đức nói; chưa nghe hiểu là chưa hiểu. Hiểu được thì rất tốt, chưa hiểu cũng không sao, cứ thật thà niệm Phật là được rồi. Nghe lời, thật sự thật thà nghe lời, bạn thật làm thì chắc chắn có thành tựu, đây là bí quyết. Chúng ta học đoạn này tới đây.

/ 20