TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Tập 12
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 16 tháng 04 năm 2010
Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi. Mời xem Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười hai, dòng thứ nhất. “Đoạn thứ hai, trùm khắp ba căn, phàm thánh cùng thâu”. Chúng ta xem đoạn này, đoạn thứ hai của phần giáo khởi nhân duyên.
“Căn khí của chúng sanh muôn vàn sai khác, do vậy Thế Tôn nói tám vạn bốn ngàn pháp môn để thích hợp khắp các căn cơ”. Vừa mở đầu đã nói với chúng ta, đức Phật thuyết pháp chẳng lìa nhị đế; chân đế là cảnh giới mà Phật đích thân chứng đắc, tục đế là do căn tánh của chúng sanh trong mười pháp giới khác nhau. Do vậy, chân đế là Nhất thừa, tục đế thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tám vạn bốn ngàn cũng không phải con số cố định, mà để hình dung rất nhiều, vô lượng vô biên pháp môn, nhằm thích hợp với các căn cơ khác nhau trong thế gian. “Hoa Nghiêm là Viên giáo, chuyên tiếp độ người thượng thượng căn”, điều này bộ kinh Hoa Nghiêm giảng thật sự nhiều, có thích hợp với căn cơ của chúng sanh, chứ không phải không thích hợp, tuy thuận theo căn cơ mà thuyết pháp, nhưng vẫn trở về tự tánh, cho nên đối tượng giáo học của kinh này là người thượng thượng căn. Chúng ta cũng biết bộ kinh này là kinh đầu tiên mà Thích-ca Mâu-ni Phật giảng sau khi kiến tánh, ngài giảng trong định, cho nên người Tiểu thừa không thừa nhận, người Tiểu thừa chỉ thừa nhận bốn bộ kinh A-hàm giảng tại vườn Nai, còn giảng trong định thì không ai nhìn thấy. Trong định giảng cho ai vậy? Cho 41 giai vị Pháp thân đại sĩ, các vị ấy là thính chúng, cũng như kinh Hoa Nghiêm nói là từ bậc Sơ trụ trở lên: Bồ-tát Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, giảng cho 41 giai vị này, họ đều là Phật, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Do vậy, Thế Tôn đã báo cáo với chư Phật Như Lai. Giống như vào thời Đường, đại sư Lục tổ Huệ Năng sau khi khai ngộ, đã báo cáo với hòa thượng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, báo cáo của ngài rất đơn giản, chỉ có năm câu, còn Thích-ca Mâu-ni Phật báo cáo rất tỉ mỉ, nhưng cảnh giới hoàn toàn bình đẳng, không có cao thấp.
Cảnh giới khai ngộ của Thích-ca và cảnh giới khai ngộ của Lục tổ là như nhau, sau khi khai ngộ thì thật sự là thích hợp khắp mọi căn cơ, nên dùng thân gì để độ liền hiện thân ấy. Phật Thích-ca ở Ấn Độ, căn tánh nơi ấy là căn tánh Phật, cho nên phải dùng thân Phật để độ thì Thích-ca Mâu-ni Phật bèn hiện thân Phật; đại sư Huệ Năng ở Trung Quốc, đối tượng thuyết pháp ở Trung Quốc thời ấy là tỳ-kheo, nên dùng thân tỳ-kheo để độ thì liền hiện thân tỳ-kheo mà thuyết pháp. Trong 32 ứng thân của Bồ-tát Quán Thế Âm có nói, bất luận hiện thân gì cũng đều bình đẳng, Lục tổ là Phật thật, không phải Phật giả. Đối tượng tiếp dẫn của ngài là người thượng thượng căn, nếu không phải người thượng thượng căn thì sẽ không có phần. Từ Đàn kinh chúng ta thấy được, đại sư Huệ Năng cả đời độ được bao nhiêu người? Được 43 người. Cũng có nghĩa là trong hội của ngài, 43 người đại triệt đại ngộ, có cảnh giới bình đẳng với ngài. Trong lịch sử Trung Quốc thì đây là chuyện có một không hai, trước thời Lục tổ không có tình hình hưng thịnh như thế, sau thời Lục tổ cũng không thấy tình hình hưng thịnh ấy. Từ đây về sau, pháp vận của Thích-ca Mâu-ni Phật còn chín ngàn năm nữa, có chuyện như vậy trong thời kỳ mạt pháp hay không? Không có. Trước kia, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi, từ nay về sau, trong Thiền tông không còn bậc đại triệt đại ngộ, không còn người căn tánh như thế nữa; trong Mật Tông, tam mật tương ưng, tức thân thành Phật cũng không có, chỉ có niệm Phật vãng sanh, thân cận A-di-đà Phật, đây cũng thuộc vào loại người được độ. Pháp môn này trùm khắp ba căn, phàm thánh cùng thâu, chỉ có pháp môn này. Mãi cho đến khi Phật pháp trên thế gian này bị tiêu diệt, cũng có nghĩa là pháp môn này luôn hữu hiệu đến khi pháp vận mười hai ngàn năm của Thế Tôn chấm dứt. Nói cách khác, từ nay về sau chỉ nhờ pháp môn này mà chúng ta có thể được độ, ngoài pháp môn này ra thì thật sự khó, thật sự không dễ!
Trong hội Hoa Nghiêm, “trí tuệ như Xá-lợi-phất, thần thông như Mục-kiền-liên, hai ngài được xưng là bậc nhất trong hàng đệ tử Thanh văn của đức Phật”. Ngài Xá-lợi-phất là trí tuệ đệ nhất, ngài Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất, “nhưng trong hội Hoa Nghiêm, các ngài đều như mù như điếc, huống hồ những kẻ kém hơn các ngài, vì thế nói người hạ căn trọn không có phần”. Như hai vị này, trí tuệ và thần thông đều là đệ nhất, thế nhưng trong hội Hoa Nghiêm, các ngài nghe không hiểu, các ngài cũng nhìn không thấy. Phàm là người tham gia pháp hội Hoa Nghiêm, từ trong kinh chúng ta thấy, ngoài Bồ-tát ra, có Thanh văn hay không? Có, cũng có Duyên giác, còn có thiên thần, thậm chí còn có nhiều vị thần trong thế gian này đều tham gia. Họ là phàm phu trong lục đạo, vì sao có thể tham gia? Ở đây đã cho chúng ta một khải thị rất lớn, nói rõ nơi này là cõi Phàm thánh đồng cư, rất nhiều phàm phu trên thực tế là Pháp thân đại sĩ ứng hóa trong lục đạo, họ không phải là phàm phu thật sự. Thần cây, thần núi, thần sông, địa thần, địa thần là thần thổ địa, họ cũng hiện diện trong hội Hoa Nghiêm, đó là gì? Những vị thần ấy toàn là Pháp thân đại sĩ, Pháp thân Bồ-tát, là người thượng thượng căn thị hiện. Từ đó biết được, chúng sanh càng có khổ nạn thì chư Phật Bồ-tát thị hiện trên thế gian này càng nhiều, nhưng phàm phu mắt thịt chúng ta không nhận biết! Nếu trong nhân gian không có nhiều Phật Bồ-tát như thế thì đại địa đã chìm xuống lâu rồi, chúng ta nhờ phước của các ngài, các ngài đang âm thầm giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta không biết. Nếu chúng ta có thể hồi tâm hướng thiện, có thể y giáo phụng hành thì không chỉ chính mình được độ, mà còn có thể giúp địa cầu, và cũng có thể giúp hóa giải tai nạn trong xã hội này; tuy không thể hóa giải hoàn toàn, nhưng khiến tai nạn giảm nhẹ, rút ngắn thời gian lại, khẳng định có thể thu được hiệu quả. Sau khi chúng ta thâm nhập kinh tạng, bạn sẽ thấy rõ ràng sáng tỏ chuyện này. Ở đây Niệm lão nói với chúng ta, nếu người không bằng ngài Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất thì đương nhiên trọn không có phần nơi pháp môn này.