/ 20
53

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

Tập 11

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 15 tháng 04 năm 2010

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi! Mời xem Đại thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải, trang thứ mười, hàng thứ năm, chúng ta xem từ câu thứ hai: “Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ”, bắt đầu xem từ chỗ này.

Chúng ta hãy đọc kinh văn: “Kinh Xưng Tán Tịnh độ Phật Nhiếp Thọ, (tức là kinh A-di-đà, bản dịch thời Đường) đã nói”, trong kinh văn có một câu như thế này: “Ta thấy đại sự nhân duyên lợi ích an lạc như thế, bèn nói ra lời thành thật”. Trong câu nói này, “ta” là Thích-ca Mâu-ni Phật. Chúng ta biết kinh Phật Thuyết A-di-đà, bộ kinh này giống như thường lệ, cả đời Thế Tôn chỉ giảng một lần, không giảng lại lần thứ hai. Hiện nay kinh này trong Đại tạng kinh có hai bản dịch, một bản là do đại sư Cưu-ma-la-thập phiên dịch, là dịch ý, ngài không dịch thẳng, mà hoàn toàn dịch đại ý của kinh; đại sư Huyền Trang là dịch thẳng, tức là căn cứ theo văn tự của kinh điển tiếng Phạn mà dịch ra. Nói như vậy thì đại sư Huyền Trang dịch khá sát, trung thành với nguyên văn, đại sư La-thập là dịch theo nghĩa, không dịch theo văn tự. Trong cái nhìn của người Trung Quốc chúng ta, bản dịch của đại sư Cưu-ma-la-thập giống như văn chương do người Trung Quốc viết, rất hợp khẩu vị của chúng ta, cho nên được lưu truyền rất rộng; còn bản của đại sư Huyền Trang tuy là dịch thẳng, giữ được diện mạo của nguyên văn, nhưng chúng ta không thích lắm, nên bản này không được lưu thông, [chỉ được lưu] trong Đại tạng kinh.

Đức Phật nói câu này, ngài nhìn thấy “việc lớn lợi ích an lạc như thế”, đó chính là thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật, phổ độ chúng sanh tận hư không khắp pháp giới, không giống các cõi Phật thông thường, A-di-đà Phật độ người là dạy họ một đời thành Phật, vì thế kinh này không khác gì Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là giáo pháp Nhất thừa, giáo pháp Nhất thừa là gì thì đã được giảng rất rõ trong phần trước, giảng về lý luận và phương pháp để một đời thành Phật. Kinh Phật Thuyết A-di-đà cũng dạy người một đời thành Phật, ở đây nói ưu điểm của nó là “lợi ích an lạc như thế”. Ưu điểm này trùm khắp ba căn, lợi độn cùng thâu, người hạ hạ căn cũng có thể một đời thành Phật, việc này không thể nghĩ bàn. Do vậy, có cùng một đại sự nhân duyên với kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.

Mục tiêu tu học của hết thảy kinh Đại thừa là thành Bồ-tát, mục tiêu tu học của kinh Tiểu thừa là thành A-la-hán, điều này giống như trường học ở thế gian hiện nay, họ mở trường trung học, khi tốt nghiệp sẽ là tốt nghiệp trung học; học đại học thì khi tốt nghiệp là sinh viên đại học, có thể lấy được học vị cử nhân, khác biệt nhau, mỗi trường học không như nhau. Trường học của A-di-đà Phật rất kỳ lạ, chúng ta thường nghĩ đến là hệ thống trường liên cấp hiện nay, bạn vào trường học ấy chỉ có lên lớp, không ở lại lớp, cũng không bị xuống lớp dưới, tuy thời gian dài ngắn khác nhau, nhưng chắc chắn thành Phật trong một đời, ngài bảo đảm cho bạn. Hoa Nghiêm và Pháp Hoa giống như viện nghiên cứu, còn A-di-đà Phật mở từ trường tiểu học cho đến viện nghiên cứu, là kiểu trường học như vậy. Việc này giống như điều mà đại sư Liên Trì nói trong Di-đà Sớ Sao rằng: “Nay chỉ nhất tâm trì danh, liền đắc bất thoái”, bất thoái này là trong các kinh vãng sanh của Tịnh tông, kinh vãng sanh là chỉ cho năm kinh một luận hiện nay của Tịnh độ, đều dạy người vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đều nói chứng đắc viên mãn ba loại bất thoái, đây là pháp khó tin. Trong ba loại bất thoái, Tiểu thừa chứng đắc Vị bất thoái, Bồ-tát Đại thừa chứng đắc Hạnh bất thoái, đến Pháp thân Bồ-tát mới chứng đắc Niệm bất thoái, từ bậc Sơ trụ trong Viên giáo trở lên mới chứng đắc Niệm bất thoái, ba loại bất thoái, nhưng chưa đạt đến viên mãn, nên chưa thể gọi là viên. Chứng đắc viên mãn ba loại bất thoái là ai? Thất địa trở lên, bạn xem địa vị này cao biết bao, là Bồ-tát A-duy-việt-trí.

Trong 48 nguyện của A-di-đà Phật có nói: “Hễ ai sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, thảy đều là Bồ-tát A-duy-việt-trí, chứng đắc viên mãn ba loại bất thoái”. Ngài hoàn toàn không nói là ngoại trừ cõi Phàm thánh đồng cư, không có nói; nói cách khác, ngài không nói câu ấy thì nghĩa là người vãng sanh hạ hạ phẩm trong cõi Phàm thánh đồng cư cũng thành Bồ-tát A-duy-việt-trí. Làm sao để giảng điều này cho thông? Chúng ta học nhiều năm như vậy, rốt cuộc đã hiểu rõ ràng sáng tỏ rồi, là do bổn nguyện gồm 48 nguyện của A-di-đà Phật gia trì cho họ, nên trí tuệ của họ, oai thần của họ bằng với Bồ-tát Thất địa, không khác Bồ-tát Thất địa; không phải là năng lực của họ, mà do A-di-đà Phật gia trì cho họ, 48 nguyện gia trì cho họ. Nếu nói đến chứng đắc, bạn ở thế giới Tây Phương Cực Lạc khi nào sẽ chứng đắc? Trong kinh thường nói “hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh”, đó là bạn đã thật sự chứng đắc. Khi bạn chưa chứng đắc, cũng có nghĩa là thuộc ba bậc chín phẩm trong bốn cõi ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn vẫn chưa có năng lực nâng cao để thật sự đạt đến cõi Thật báo. Đến khi thật sự chứng đắc cõi Thật báo thì đó là năng lực của bản thân bạn, không cần A-di-đà Phật gia trì nữa; nhưng khi chưa chứng đắc cõi Thật báo thì hoàn toàn phải nhờ A-di-đà Phật gia trì, trí tuệ, thần thông, năng lực và sự hưởng thụ của bạn giống như cõi Thật báo, hễ sanh về thế giới Cực Lạc thì liền đạt được. Giống như đầu thai luân hồi trong lục đạo, bạn đầu thai vào nhà đế vương, vừa sanh ra liền hưởng phú quý của bậc đế vương. Do vậy, chúng ta sanh về thế giới Cực Lạc, liền hưởng thụ thần thông và đức tướng của A-di-đà Phật, liền hưởng thụ được. Điểm này phải làm cho rõ ràng, phải nhận thức rõ ràng, vậy chúng ta sẽ không hoài nghi sự trang nghiêm thù thắng không gì bằng mà những gì kinh vãng sanh đã nói về thế giới Cực Lạc, đó là Phật lực gia trì. Ở đây nói “chỉ nhất tâm trì danh, liền đắc bất thoái”.

/ 20