/ 9
18

THÂN GIÁO CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

THEO LỜI KỂ CỦA PHÁP SƯ NGỘ ĐẠO

Phần 2

1. Chúng sanh ở thế giới Ta-bà như chúng ta, trong sáu căn thì nhĩ căn là nhạy bén nhất, thế nên có câu: “Chỉ cần làm cho lọt vào tai thì trở thành nhân Bồ-đề”, nghĩa là một phen lọt qua tai thì vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, “trở thành nhân Bồ Đề” là nhân duyên đắc độ về sau. Nếu không gieo cho họ chủng tử thiện căn này thì tương lai họ sẽ không có nhân duyên được độ. Như việc chúng ta làm máy niệm Phật rồi tặng cho người khác nghe cũng đồng một đạo lý như vậy, niệm chú cũng giống như vậy. Chúng ta gắng hết sức để mọi người đều có thể tiếp xúc được với hết thảy kinh, chú, Phật hiệu, đó chính là trồng thiện căn cho họ. Vì vậy, lão Hòa Thượng của chúng ta năm xưa đặc biệt đề xướng việc này.

Trước đây thông tin chưa phát triển, khi tôi còn tại gia, cách đây 40 năm, Hòa Thượng Tịnh Không đều khuyên mọi người mua chương trình quảng cáo ở rạp chiếu phim, sau đó gõ vào dòng chữ “xin thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật, xin thường niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát, xin thường niệm Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát, tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ”, những chữ như vậy. Khi đó rạp chiếu phim ở thành phố Tịch Chỉ, là quê nhà của chúng tôi, phim ra đều đều từng bộ, trước khi chiếu phim đều có quảng cáo, [phí quảng cáo] một tháng là khoảng hai mươi Đài tệ, tôi cũng mua rất nhiều tháng phát sóng quảng cáo. Ngoài ra còn đăng báo, quảng cáo, sau này còn dán lên cột điện, tại Đài Loan trước đây có treo tấm sắt, còn in cả câu Phật hiệu và những câu “xin thường niệm, tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ”. Về sau thì phát minh ra giấy dán, dán tờ to tờ nhỏ ở cửa ra vào, dán ở cột điện, còn dán ở trên xe nữa, những tấm giấy dán đó hiện nay khá nhiều, khá phổ biến.

Trước đây ở thư viện, thư viện của chúng tôi quả thật là đủ các trường phái. Lầu năm của chúng tôi là Phật đường, lầu bốn là thờ đạo Trời, còn có Mặc Môn giáo và Kitô giáo. Ở cầu thang máy, lão Hòa Thượng bảo tôi đi dán câu Phật hiệu, nhưng một lát sau thì bị xé mất. Chúng tôi biết chắc chắn là do nhóm Kitô giáo ở kế bên xé. Phật hiệu bị xé rồi, lão Hòa Thượng nói, đi nào đi nào, chúng ta lại đi dán tiếp. Tôi xách theo cái ghế tròn, sau đó lão Hòa Thượng leo lên ghế đứng dán. Ngày hôm sau lại bị xé mất, chúng tôi lại đi dán nữa, lão Hòa Thượng nói, xem coi họ xé được mấy lần, họ xé lần nào chúng ta dán lần đó. Lão Hòa Thượng đã hoằng dương chánh pháp trong hoàn cảnh như vậy đó.

Thư viện Hoa Tạng nơi chúng tôi ở mười năm là tòa kiến trúc bất hợp pháp, không có điện nước, điện nước là sau này Hàn Quán Trưởng đi mua với giá rất đắt. Sau đó những người mua nhà cũng từ từ dọn đến. Lầu một, lầu hai trước đây là cái chợ, sau đó không còn nữa, mà trở thành nơi rượu chè, ẩu đả. Buổi tối khi đồng tu muốn lên lầu năm nghe kinh, phải đi qua một hành lang đen hun hút. Lên đến lầu năm họ nói rằng: “Pháp sư Ngộ Đạo à, ban nãy chúng tôi đi qua lầu một giống như đi qua Địa ngục vậy, lên đến lầu năm thì giống như đến thế giới Cực Lạc, sao lại khác biệt lớn như thế?” Lão Hòa Thượng đã ở nơi này giảng kinh mười năm, ở trong hoàn cảnh như vậy Ngài đã đề xướng pháp môn niệm Phật. Về sau tòa nhà lớn này đã khôi phục lại dáng vẻ bình thường, lầu một và lầu hai cho công ty A-Mart thuê, hiện nay coi cũng được lắm. Thật vậy, ở nơi đó lão Hòa Thượng giảng Kinh hoằng pháp, còn chúng tôi ở đó niệm Phật, làm pháp hội, quyết tâm thay đổi từ trường nơi đó. Bằng không thì tòa lầu đó e rằng hiện nay đã trở thành tòa nhà ma không người ở rồi!

Ở Mỹ, lão Hòa Thượng nhìn thấy một số người mặc áo thun phía sau vẽ những hình yêu ma quỷ quái, việc này là gieo chủng tử bất thiện cho người khác, như vậy không tốt. Vì vậy Ngài cho vẽ lên áo những câu như “hiếu thân tôn sư” hoặc vẽ những câu kinh giáo. Một số người nói như vậy không cung kính, sao có thể làm thành y phục mặc lên người được chứ? Lão Hòa Thượng giải thích, đó là trồng thiện căn cho người, không phải là để mình mặc lên cho đẹp. Trồng thiện căn cho người cũng có công đức, đây đều là phương tiện khéo léo.

(Trích từ bài giảng kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni)

2. Vì sao thường có một số người đã đọc Kinh lâu rồi mà không có hiệu quả? [Vì họ] đối với kinh điển không có tâm cung kính, họ đọc Kinh với thái độ như đang đọc báo, xem tạp chí vậy. Đương nhiên không những không có công đức mà còn có tội. Cho nên, đối với Kinh chúng ta phải cung kính, phải quý tiếc giữ gìn. Hòa Thượng Tịnh Không thường dạy chúng tôi như thế, nếu bạn có cơ hội đến thăm phòng của Ngài, sách của Ngài dù nhiều đến đâu cũng không hề bừa bộn, nhất định phải giữ gìn sạch sẽ ngăn nắp.

/ 9