/ 9
26

THÂN GIÁO CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu

THEO LỜI KỂ CỦA PHÁP SƯ NGỘ ĐẠO

Phần 1

1. Một lần nọ, ngay lúc giờ cơm trưa, vì công việc của đạo tràng nên Hàn Quán Trưởng đã trao đổi với ông chủ công ty kiến trúc rất lâu. Ở trên nhà ăn tầng bốn, lão Hòa Thượng cùng với khoảng mười mấy người xuất gia chúng tôi ngồi đợi ở đó. Ngồi đợi đúng một tiếng rưỡi, cứ ngồi ở đó đợi. Lão Hòa Thượng yên lặng chờ đợi, Ngài cũng không sốt ruột mà chỉ ngồi đợi ở đó. Chúng tôi đều bị sức định của Ngài ảnh hưởng, cũng không cảm thấy đói bụng nữa, mà cứ ngồi ở đó đợi hết một tiếng rưỡi. Ngài làm như vậy là đang dạy học, dạy học chính là từ [những việc] trong cuộc sống Ngài làm ra cho bạn xem, dẫn dắt bạn làm theo. Đợi hết một tiếng rưỡi, từ mười hai giờ đợi đến một rưỡi, Ngài vẫn yên lặng ngồi đợi như thế, mọi người thấy Sư phụ không động nên mọi người cũng chẳng dám động, cứ ngồi ở đó như như bất động, đợi hết chín mươi phút. Sau đó Hàn Quán Trưởng từ từ, từ từ đi xuống. Tuy nhiên sau khi trải qua lần nhẫn nhục đó thì tôi cảm thấy trong tâm rất định, cảm giác tâm có thể an nhẫn. Lão Hòa Thượng chính là dạy chúng ta, thứ nhất là lễ kính chư Phật, phải tôn trọng, bởi vì trong đạo tràng này Quán Trưởng là người lãnh đạo, phải tôn trọng bà, bà vẫn chưa đến ăn, thì mọi người phải đợi bà đến cùng ăn. Thứ hai chính là tu nhẫn nhục, xem coi lòng kiên nhẫn của chúng ta thế nào. Vì vậy, tôi đến Thư Viện cũng học được hạnh nhẫn nhục.

(Trích lục từ bài giảng Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh tập 26)

2. Năm xưa khi tôi đến Thư Viện, lão Hòa Thượng Ngài thật sự tu nhẫn nhục, tôi cũng bị hạnh tu nhẫn nhục của Ngài làm cho cảm động. Lão Hòa Thượng rời liên xã Đài Trung, đến Đài Bắc, chí nguyện của Ngài là muốn học giảng Kinh. Gặp được Hàn Quán Trưởng, Hàn Quán Trưởng bèn tìm chỗ, mượn địa điểm cho Ngài. Ban đầu, vẫn chưa có Thư Viện thì tôi đã nghe Kinh rồi, cho nên sự việc này tôi biết rất rõ, vô cùng gian nan, cũng nhận được sự hộ trì của Hàn Quán Trưởng. Tuy Hàn Quán Trưởng rất nóng tính, nhưng lão Hòa Thượng chỉ cảm niệm ân của bà, không hề ghi nhớ điều oán. Chỗ nào bà đối với Ngài không phải, Ngài trước giờ chưa hề nhắc đến, không nói một câu, chỉ nhớ đến ân của bà. Hết thảy Pháp sư giảng kinh nói về nhẫn nhục, thế nào là nhẫn nhục, [sự nhẫn nhục của] chúng ta hiện nay chẳng thấm vào đâu. Hàn Quán Trưởng thường chỉ vào mặt Ngài mà mắng, Ngài ở trên giảng đài giảng bài, còn bà ở bên dưới chỉ thẳng vào mặt mà mắng. Bà ấy hễ nổi giận thì ghê gớm lắm, nắm lấy cổ áo của lão Hòa Thượng lôi xuống lầu, có bao nhiêu Pháp sư có thể chịu đựng được chứ? Có lần vào dịp đầu năm lạy một ngàn danh hiệu Phật, một nữ cư sĩ của đạo tràng chùa Viên Thông chúng ta cãi nhau với Tăng cư sĩ, cả hai người đều khóc rồi đi báo với lão Hòa Thượng. Lão Hòa Thượng đã đảnh lễ với Tăng cư sĩ [rồi nói]: “Xin lỗi, do tôi đã dạy đồ đệ không tốt.” Ngài thật sự tu nhẫn nhục. Tôi vốn rất nóng tính nhưng nhìn thấy lão Hòa Thượng tu như vậy, một vị Cao Tăng Đại Đức như Ngài còn nhẫn được như vậy thì chúng tôi có đáng gì đâu chứ? Nhân đó mà tôi bị cảm động, cho nên hiện nay tôi cũng đang miễn cưỡng tu nhẫn nhục.

(Trích lục từ bài giảng Sa Di Luật Nghi – tập 34)

3. Sư phụ Tịnh Không không cho phép chúng tôi đi hóa duyên. Ngày trước ở thư viện Hoa Tạng, khi đó Hàn Quán Trưởng bày ở trên quầy mấy cuốn sổ [ghi tên] những người muốn in Kinh, [hoặc] làm các hạng mục công tác nào đó, còn có một thùng công đức. Về sau Quán Trưởng vãng sanh, sau khi bà vãng sanh chúng tôi dọn đến đường Tín Nghĩa, lão Hòa Thượng không cho phép đạo tràng chúng tôi đặt thùng công đức, cũng không được bày những cuốn sổ đó ra nữa. Sư phụ nói: “Bạn để những cuốn sổ ở đó rõ ràng là muốn đòi tiền người ta, người ta bước vào nhìn thấy cuốn sổ ghi công đức đó, nếu không móc tiền ra thì cũng ngại.” Có lúc phải đưa tiền ra cũng thấy kỳ kỳ, rõ ràng là muốn đòi tiền người khác mà. Cho nên, mấy cuốn sổ ghi công đức của đạo tràng chúng tôi đều bị thu lại cất vào ngăn kéo, cũng không có thùng công đức, như vậy mọi người đến [đạo tràng] sẽ không có áp lực. Trước đây, thư viện của chúng tôi thường xuyên in Kinh, lúc đó tôi phụ trách việc in Kinh. Có một lần, một cư sĩ nói với tôi: “Pháp sư Ngộ Đạo à, lần sau có in Kinh thì xin Ngài cho con hay, con sẽ phát tâm.” Một ngày nọ Sư phụ cầm cuốn Kinh bảo tôi đi in, tôi lập tức cầm lấy điện thoại. Sư phụ nói: “Con làm gì vậy?” Tôi nói: “Có một cư sĩ muốn phát tâm in Kinh, hiện giờ Sư phụ muốn in Kinh, nên con gọi điện báo cho vị ấy, bảo ông ấy phát tâm.” Tôi cảm thấy việc này rất đỗi bình thường, không phải tôi hóa duyên nơi ông ấy, mà chính ông ấy nói muốn phát tâm. Sư phụ nói với tôi rằng: “Con đừng gọi điện vội, bộ con muốn đòi nợ người đó hay sao?” Tôi nghe xong ngỡ ngàng, sao lại trở thành đòi nợ được chứ? Là chính họ nói muốn phát tâm mà. Sư phụ khai thị cho tôi rằng: “Không sai, lúc đầu người đó nói với con như vậy, nhưng đã qua một thời gian rồi. Lúc trước, khi người ấy nói với con, có lẽ họ đã chuẩn bị sẵn một số tiền muốn làm việc tốt. Thế nhưng sau một khoảng thời gian, con có chắc là họ vẫn còn số tiền đó không? Hay là đã tiêu vào việc khác rồi? Con phải cân nhắc đến việc này. Nếu trước đây họ nói với con như vậy, khi đó họ có tiền, nhưng sau một thời gian, nếu món tiền đó cần phải dùng gấp vào một việc khác, họ đã dùng vào việc đó trước rồi, thì hiện giờ số tiền đó không còn nữa. Bây giờ con gọi điện cho họ, họ hiện giờ không có số tiền đó, chẳng phải con sẽ khiến người đó rất khó xử hay sao? Con không phải đang đòi nợ thì là gì?” Tôi nói: “Con hiểu rồi, con sẽ không gọi điện nữa, con sẽ để ông ấy chủ động tới nói muốn in Kinh, rồi mới nói với ông ấy việc này. Đây chính là tránh gây áp lực cho người khác.”

/ 9